Tiếng Việt | English

10/10/2017 - 19:06

“5 không, 3 sạch” gắn với xây dựng nông thôn mới

Trồng cây dọc 2 bên đường, dọn vệ sinh, khơi thông dòng chảy, chăm sóc hoa, cấp phát thùng rác,... là những việc làm được hội viên phụ nữ (HVPN) thực hiện thông qua cuộc vận động (CVĐ) “Xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM).


Đường Lộ Làng - đoạn đường do phụ nữ ấp 2, xã Hòa Phú quản lý

Những mô hình thiết thực

Đều đặn từ nhiều tháng nay, chị Đinh Thị Kim Ánh cùng các HV Chi hội PN ấp 2, xã Hòa Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Long An chia nhau quét rác, nhổ cỏ mọc 2 bên đường Lộ Làng. Các chị còn trồng thêm hoa mười giờ để con đường đẹp hơn. Chị nói: “Tôi thấy, đây là mô hình hay, tạo môi trường xanh, sạch, đẹp nên cùng tham gia. Tôi mong rằng, ngày càng có nhiều HV hưởng ứng mô hình”.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPN VN) xã Hòa Phú - Trần Ngọc Lê Như Ngân thông tin, đây là một trong những đoạn đường được hội chọn thực hiện công trình mang tên hội gắn với XDNTM tại địa phương. Các chi hội tự vận động HVPN, người thân trồng cây, hoa,... trên các tuyến đường. Những việc làm này tuy nhỏ nhưng góp phần cùng các cấp, các ngành chung sức xây dựng thành công huyện NTM.

Mô hình "Góp vốn xoay vòng mua bảo hiểm y tế (BHYT)” của Hội LHPN VN huyện Tân Thạnh không chỉ chăm sóc sức khỏe HVPN mà còn góp phần nâng tỷ lệ người dân tham gia BHYT. “Số tiền mua BHYT đối với nhiều người không lớn nhưng với người dân nông thôn là con số không nhỏ nên nhiều HVPN rất “ngán” khi phải mua BHYT cho cả gia đình” - bà Nguyễn Thị Mười, ngụ xã Bắc Hòa, chia sẻ. Nắm bắt được khó khăn đó của HV, Hội LHPN VN xã thành lập tổ “Góp vốn xoay vòng mua BHYT”.Bà Mười phấn khởi: “Nhờ vậy mà các HV đều có thể tham gia BHYT”.

Theo Hội LHPN VN huyện Tân Thạnh, mô hình này được hội phát động từ vài năm trước và được triển khai đầu tiên tại xã Tân Bình, sau đó nhân rộng ra các xã: Tân Ninh, Bắc Hòa, Tân Hòa,...

Có dịp đi dọc theo tuyến kênh Cái Cỏ, khu vực biên giới Bình Tứ thuộc ấp 1, xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng, chúng tôi ngỡ ngàng trước con đường xanh, sạch, đẹp với sự khoe sắc của hoa mười giờ. Đây là con đường được HVPN ấp 1 chăm sóc. Chị Bùi Thị Hà, ngụ ấp 1, cho rằng, thực hiện theo hướng dẫn của Hội LHPN VN xã, HV nhận thấy đây là việc làm bổ ích nên cùng hưởng ứng.


Phụ nữ tích cực dọn vệ sinh môi trường, trồng cây xanh tạo bóng mát

Từ đầu năm đến nay, nhiều đơn vị trong tỉnh tổ chức đối thoại với cán bộ, HVPN với các chủ đề: Phong trào thi đua PN chung sức XDNTM gắn với CVĐ xây dựng gia đình "5 không, 3 sạch"; chế độ thai sản khi tham gia BHYT tự nguyện, chính sách khi người dân tham gia BHYT tự nguyện;...

Các cấp hội vận động xây dựng trên 70 công trình thiết thực mang tên hội: Xây cầu; nâng cấp các tuyến đường liên xóm; trồng cây xanh; bảo quản tuyến đường xanh, sạch, đẹp; vận động hiến đất, giải phóng mặt bằng; mở rộng đường giao thông nông thôn,... trị giá trên 2 tỉ đồng.

Mỗi địa phương một cách làm

Xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc lúc đạt danh hiệu xã văn hóa, sau đó là NTM nhưng còn “nợ” về tiêu chí (TC) môi trường. Do đó, mấy năm gần đây, Mỹ Lộc ra sức củng cố và nâng chất TC này qua việc thực hiện nhiều mô hình mới. Trong đó, Hội LHPN Việt Nam xã vận động HV xây dựng hố tiêu hủy rác hộ gia đình.

Theo Chủ tịch hội - Đặng Thị Mỹ Phương, được sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Đảng ủy, UBND xã, mô hình được triển khai làm điểm tại ấp Lộc Hậu và làm diện tại ấp Thanh Ba. Hiện, các HV xây dựng 12 hố tiêu hủy rác tại hộ gia đình, mỗi hố từ 12-14 triệu đồng, trong đó, Nhà nước hỗ trợ 30%, phần còn lại do hộ dân đóng góp.

Trước khi xây dựng hố rác, địa phương họp dân triển khai và phối hợp các đơn vị liên quan cho người xuống tận những gia đình xây dựng hố rác để hướng dẫn kỹ thuật, phân loại từng loại rác và vận động các chị hạn chế sử dụng túi nylon trong sinh hoạt hàng ngày. Nhờ có những hố tiêu hủy rác này, giảm bớt áp lực cho những xe lấy rác, ý thức của HV cũng được nâng lên. Họ chú ý giữ gìn vệ sinh chung, làm cho cảnh quan môi trường thêm sạch, đẹp.

Ngoài ra, thực hiện TC “3 sạch”, PN Mỹ Lộc còn tự quản kênh liên xã Mỹ Lộc - Phước Lâm. Qua đó, xóa được 2 điểm tập kết rác tự phát. Hai bên đường đoạn kênh này, các chị kết hợp trồng cây xanh, hoa xen kẽ,...


Hố tiêu hủy rác tại xã Mỹ Lộc góp phần thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới

Chị Trương Thị Kim Loan, ngụ ấp Lộc Hậu, tâm sự: “Từ khi hố rác được xây dựng, mỗi ngày, chúng tôi đều bỏ rác và đốt rác đúng giờ quy định. Các hộ dân thực hiện đều có ý thức, ai vứt rác bừa bãi ra đường là bị nhắc nhở. Trước đây, được sự vận động của hội, gia đình tôi có đào đất để tiêu hủy rác. Sau đó sử dụng rác đã phân hủy để bón cây trồng. Nhưng mô hình này còn nhiều hạn chế nên hiện chúng tôi chuyển sang hố tiêu hủy có tính tập trung hơn”.

Thực hiện CVĐ này gắn với XDNTM, huyện Cần Đước duy trì và thành lập mới nhiều mô hình: Phân loại rác tại nguồn, Bếp ít khói, Tổ PN thu gom và xử lý rác thải, Cải tạo vườn tạp,... Huyện Thủ Thừa với mô hình: Thu gom, xử lý rác đúng nơi quy định; Ngôi nhà xanh; Góp vốn xoay vòng làm nhà vệ sinh;... Tân Trụ tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình: Nói không với túi nylon, Chi hội PN bình yên, Mỗi hộ gia đình HV đều có hố xử lý rác,...

Chủ tịch Hội LHPN VN tỉnh - Nguyễn Hồng Mai cho biết, thời gian qua, hội triển khai, vận động HVPN tích cực hưởng ứng thực hiện các TC của CVĐ gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia XDNTM giai đoạn 2016-2020. Qua đó, các cấp hội cụ thể hóa nội dung trong từng TC, phù hợp với tình hình XDNTM tại địa phương. Cụ thể, các cấp hội phối hợp, tham gia CVĐ với thực hiện 11/19 TC NTM; trong đó, rõ nét nhất và nhiều nhất là TC số 17 về môi trường. Đây là TC khó, “dễ vỡ” nên rất cần sự chung tay của xã hội.

Với từng TC được các cấp hội triển khai cụ thể. Về TC ‘‘gia đình không đói nghèo’’, các cấp hội rà soát các hộ nghèo do PN làm chủ hộ, hỗ trợ các nguồn vốn giúp PN vay sản xuất, phát triển kinh tế gia đình; vận động PN phát huy tinh thần vượt khó, vươn lên thoát nghèo. Toàn tỉnh có trên 6.600 hộ nghèo do PN làm chủ hộ. Những hộ này được hội phối hợp giúp đỡ bằng nhiều hình thức: Hỗ trợ vốn, dạy nghề, giới thiệu việc làm, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, đề nghị trợ cấp xã hội,... Trong đó có phân công cán bộ hội giúp 200 hộ thoát nghèo có địa chỉ do PN làm chủ trong năm 2017.

Thực hiện 5 TC "5 không" (không đói nghèo, không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không sinh con thứ 3 trở lên, không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học) và 3 TC "3 sạch" (sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ), hàng năm, có trên 92% hộ gia đình cán bộ, HV đạt 8 TC của CVĐ. Qua đó, xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu trong thực hiện CVĐ, khơi dậy tính tự giác, tinh thần trách nhiệm của PN đối với sự tiến bộ, phát triển của bản thân, gia đình và xã hội. Nổi bật là ủng hộ xây dựng các công trình Nhà nước và nhân dân cùng làm, ủng hộ xây dựng các công trình mang tên hội./.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết