Tiếng Việt | English

23/07/2018 - 10:52

“Ai mài dao, mài kéo không...”

Sáng nào cũng vậy, cứ khoảng 7 giờ là những người thợ mài dao, kéo lại chuẩn bị cho ngày làm việc mới. Các anh rong ruổi khắp mọi ngả đường với tiếng rao quen thuộc “Ai mài dao, mài kéo không...”.

Sáng nào cũng vậy, cứ khoảng 7 giờ là những người thợ mài dao, kéo lại bắt đầu ngày làm việc mới

Sáng nào cũng vậy, cứ khoảng 7 giờ là những người thợ mài dao, kéo lại bắt đầu ngày làm việc mới

Phía sau cuộc mưu sinh

Không biết tự khi nào, người dân đã quen với hình ảnh những xe mài dao, kéo thỉnh thoảng chạy qua ngõ nhà mình. Một chiếc xe máy chở theo máy mài dao, mấy bộ dao, kéo mới là tất cả “cơ nghiệp” của những người thợ mài dao, kéo dạo. Các anh rời quê, từ miền Trung vào Long An, ở trọ tại thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức và cùng làm nghề mài dao, kéo. Người đến trước hướng dẫn người đến sau, cứ thế, mỗi người một ngả đường, ngày đi, đêm nghỉ, không ai “giẫm chân” ai. Anh Năm Nga, một thợ mài dao có hơn 10 năm kinh nghiệm, chia sẻ: “Có ngày, tôi chạy xe hơn 200km, cứ có đường là đi. Chúng tôi, có người vào khu dân cư, xóm, ấp, có người chuyên mài dao trong chợ nên không ai ảnh hưởng đến ai”.

Hỏi về vất vả của nghề, những người thợ chỉ cười. Với họ, bất cứ nghề nghiệp nào cũng có vất vả riêng nên chọn nghề thì tất nhiên phải chấp nhận. Trên tay các anh có nhiều vết sẹo sâu, đó là vết tích của những lần gặp tai nạn nghề nghiệp. Anh Lượng, một thợ mài dao “kỳ cựu”, là người có nhiều vết sẹo trên tay nhất. Bàn tay của anh hầu như ngón tay nào cũng có sẹo do những lần mài dao không may bị đứt. Anh Nga kể: “Anh Lượng là người chăm chỉ, hay giúp đỡ anh em, anh ấy làm nhiều nên bị đứt tay nhiều. Mài dao bằng máy nên có vết đứt gần tới xương!”. Những lần như vậy, các anh cũng chỉ nghỉ đôi ba ngày cho bớt đau, vết thương nhẹ thì cứ băng bó lại rồi tiếp tục hành trình. Quen với việc có thể gặp tai nạn bất cứ lúc nào nên trong hành trang những người thợ mài dao luôn có sẵn ít bông băng và băng keo cá nhân.

Vì cuộc sống gia đình

Nghề mài dao nhìn có vẻ dễ nhưng không hề dễ. Để có con dao bén, sáng, phải qua 3 công đoạn: Mài bằng máy, đánh bóng và mài lại bằng đá mài dao. Anh Tình có thâm niên 10 năm trong nghề, cho biết: “Mài máy xong bắt buộc phải mài lại bằng đá mài thì dao mới bén và bén lâu. Chúng tôi chọn mài dao là sinh kế nên làm phải bảo đảm uy tín, chất lượng thì mới giữ được khách”. Cũng như những người thợ khác, anh Tình rời quê Quảng Ngãi vào Long An làm nghề mài dao với mong ước tìm kiếm cuộc sống tốt hơn cho gia đình và các con. Đến mùa gặt lúa, các anh lại về lo chuyện mùa màng, xong việc thì trở vào, rong ruổi khắp các ngả đường mời khách mài dao.

Để mài dao được bén, sáng, phải qua 3 công đoạn, mài bằng máy, đánh bóng và mài lại bằng đá mài. (Trong ảnh: Anh Tình mài dao cho khách tại TP.Tân An)

Để mài dao được bén, sáng, phải qua 3 công đoạn, mài bằng máy, đánh bóng và mài lại bằng đá mài. (Trong ảnh: Anh Tình mài dao cho khách tại TP.Tân An)

Không chỉ mài dao, các anh còn bán dao, kéo mới, tất cả đều được đặt rèn tại lò rèn ở tỉnh Tây Ninh. Anh Nga giải thích: “Chúng tôi phải tìm đến tận lò rèn, đặt loại dao tốt, giá phù hợp thì mới dễ bán. Ở Long An cũng có lò rèn nhưng lại không chuyên về dao nên chúng tôi phải đi xa một chút”.

Mỗi ngày rong ruổi như thế, những người thợ mài dao, kéo chỉ kiếm được vài trăm ngàn đồng. Ngày nắng thì được nhiều, ngày mưa thì ít khách. Dù ngày mưa hay nắng, các anh vẫn cần mẫn trên chiếc xe máy và bộ đồ nghề vì đằng sau mỗi xe mài dao ấy là cả một gia đình, là nỗi nhớ quê, là sự nhẫn nại, cố gắng vì tương lai, hạnh phúc của người thân và các con./.

Hoàng Thúy

Chia sẻ bài viết