Tiếng Việt | English

31/01/2017 - 05:03

​Ăn tết cẩn thận kẻo “nóng trong người”

“Nóng trong người” là một câu than thở quen thuộc mà nhiều người thường thốt lên sau dịp nghỉ tết.

Bổ sung thêm loại canh rau trái trong các bữa ăn ngày tết để hạn chế bị "nóng trong người" - Ảnh: Lê Đinh

Theo TS.BS Đoàn Văn Minh (Khoa Y học cổ truyền, Đại học Y - dược Huế), trong Đông y, “nóng trong người” là một biểu hiện thuộc chứng “nhiệt”. Biểu hiện của nóng trong người gồm các triệu chứng tùy theo mức độ nặng nhẹ và vị trí tạng phủ bị nhiệt.

Thông thường, biểu hiện dễ thấy là nổi mụn nhọt, lở môi, miệng (nhiệt miệng), răng lợi sưng đau, miệng hôi, lợm giọng, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, đau nóng xót trong bụng, khát và muốn uống nước lạnh, táo bón, nước tiểu màu vàng đậm, khó ngủ, mệt mỏi, đau đầu, thậm chí nếu nhiệt nhiều quá sẽ gây chảy máu cam, nôn ra máu...

“Chúng ta thường nghe đến triệu chứng “nóng trong người” sau các bữa tiệc ngày tết. Bởi vì trong dịp này, mọi người thường ăn uống nhiều thứ có tính cay, nóng, béo, ngọt.. với một lượng lớn hơn bình thường như bánh chưng nếp, các loại dưa muối, củ hành, củ kiệu muối, bánh mứt nhiều đường, nước ngọt và bia rượu, thuốc lá.

Ngoài ra, thời gian này mọi người thường vui chơi quá độ, sinh hoạt thất thường, thức khuya làm hao tổn âm dịch dẫn đến dương thịnh sinh nhiệt”, bác sĩ Minh cho biết.

Từ những nguyên nhân như trình bày ở trên, mỗi người có thể tự biết cách phòng ngừa và giải quyết các triệu chứng “nóng trong người” bằng các biện pháp giải nhiệt cơ thể đơn giản, nhằm đảm bảo sức khỏe trong những ngày tết.

Cách đơn giản nhất là cung cấp cho cơ thể một lượng nước khoảng 2 lít mỗi ngày bất kể mùa nào trong năm. Đặc biệt, mỗi người phải có ý thức cung cấp đủ nước cho cơ thể ngay cả khi bận rộn đến mức quên cả cảm giác khát nước.

Ngoài ra, để thay đổi khẩu vị, nước dừa tươi, các loại chè đậu, bột sắn dây, nước chanh, nước cam và nước ép rau củ cũng là một lựa chọn đúng đắn để giải nhiệt cơ thể, có lợi cho gan, thận.

Trong bữa ăn, đặc biệt là các bữa tiệc ngày tết với nhiều món nếp (bánh chưng, xôi), nhiều đạm từ thịt cá, các món dưa củ muối thì bên cạnh đó nên bổ sung chất xơ, các loại vitamin bằng nhiều loại rau củ như canh bí dao, khổ qua, dưa leo và rau xanh.

Mỗi người nên tự giác hạn chế ăn và uống các loại thực phẩm gây nóng và có chất kích thích như bia, rượu, cà phê, nước ngọt đóng chai và bánh mứt nhiều đường.

Quan trọng hơn, mọi người nên giữ cho tinh thần được thoải mái, thư giãn để loại bỏ ưu phiền, không thức khuya để hạn chế tối đa bệnh “nóng trong người”./.

Lê Đinh/Tuổi trẻ

Chia sẻ bài viết