Tiếng Việt | English

24/05/2017 - 20:51

“Bà đỡ” của công nhân

Đó là người giúp nhiều công nhân (CN) nên chồng, thành vợ và an cư, lạc nghiệp mà mỗi khi nhắc đến, nhiều CN gọi bà là “bà đỡ” vì bà cùng đồng hành, chia sẻ nhiều khó khăn trong đời sống của họ.

Bà tên Lương Thị Ngoai, chủ nhà trọ Thiên Lý, ở ấp Đức Hạnh 2, xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Năm 2004, bà Ngoai xây 10 phòng trọ cho CN thuê.

“Dựng vợ, gả chồng” cho công nhân

“Dì ba ăn cơm chưa? Qua phòng trọ ăn chung với tụi con cho vui!”. Vợ chồng anh Huỳnh Ngọc Dũng - CN Công ty Điện Hào Huy, hỏi khi bà Ngoai vừa đi xa về. Không riêng gì anh, đa số CN đang ở thuê tại nhà trọ Thiên Lý đều gọi bà Ngoai là dì ba rất thân tình như thế! Ở đó, khoảng cách giữa chủ và người thuê trọ dường như không có. Họ xem nhau như người một nhà.

Bà Lương Thị Ngoai (thứ 2, từ trái qua) thường trò chuyện, hỏi thăm công nhân đang thuê trọ

Cũng ở xóm trọ ấy, nhiều mối tình CN có kết thúc tốt đẹp nhờ dì ba. “Nhiều nam, nữ CN ngày trước đến đây thuê ở, tham gia sinh hoạt trong câu lạc bộ nhà trọ, thấy tâm đầu ý hợp, thương rồi cưới nhau. Tính đến nay, có 7 trường hợp thành đôi và gắn bó với khu nhà trọ” - bà Ngoai nhẩm tính.

Cưới nhau gần 10 năm, con gái bây giờ học lớp 2, vậy mà, vợ chồng anh Huỳnh Ngọc Dũng vẫn chưa quên những ngày chuẩn bị làm lễ hỏi, cưới. Nhà nghèo, anh Dũng lặn lội từ Quảng Ngãi vào Long An làm CN và ở trọ tại nhà bà Ngoai. Những lần bà Ngoai tổ chức 08/3, 20/10 cho chị em CN trong dãy trọ, anh Dũng cũng tham gia. Thấy chị Phạm Thị Kim Thoa - CN Công ty Shinsung Vina, ngoan hiền, vui tính nên anh Dũng để ý và làm quen. Cuộc sống CN xa nhà gắn kết 2 người xa lạ thành vợ chồng ở xóm trọ của bà Ngoai. Anh Dũng nhớ lại: “Hồi đó, tính chuyện cưới vợ mà tôi ăn ngủ không yên. Gia đình thì ở xa, hoàn cảnh lại khó khăn nên nghĩ đến chi phí cưới hỏi, tôi lại lo lắng. Thấy vậy, dì ba cho mượn tiền, tôi chạy đi mua nhẫn cưới và ít sính lễ. Mẹ tôi ở xa chưa vô kịp nên ngày đến nhà gái dạm hỏi, dì ba đi thay mẹ tôi. Đến lúc cưới, dì cho mượn nhà tổ chức thay vì phải thuê địa điểm tốn kém. Với vợ chồng tôi, dì như người mẹ thứ hai”.

Anh Dũng nói thêm: “Thấy tôi lập gia đình, sống êm ấm nên mẹ tôi ở quê cũng mừng và an lòng. Thỉnh thoảng, mẹ gọi điện thoại vào cảm ơn dì ba. Mẹ tôi hay nói: “Mẹ sinh con nhưng đến khi lớn lên, đi làm xa nhà và được giúp đỡ như thế nên phải nhớ ơn dì ba”.

Bây giờ, bà Ngoai nhận anh Dũng làm con nuôi. Con gái anh gọi bà là bà nội và ngày 2 lượt, bà Ngoai đều đặn thay vợ chồng anh Dũng đưa rước cháu đến trường. “Tụi nó đi làm tăng ca, đâu có thời gian đưa rước con nên thôi, giúp được phần nào thì giúp vợ chồng nó” - bà Ngoai nói.

Không riêng vợ chồng anh Dũng, trong số 8 gia đình đang trọ ở nhà bà Ngoai, có 5 cặp vợ chồng do bà đi hỏi vợ vì cha mẹ ở xa không vào kịp, 2 cặp được bà hỗ trợ kinh phí tổ chức lễ cưới.

Giúp công nhân an cư, lạc nghiệp

Không những “dựng vợ, gả chồng” cho các cặp đôi, bà Ngoai còn giúp vài gia đình CN an cư, lạc nghiệp! Năm 2004, vì cảnh nhà thiếu trước, hụt sau, chị Nguyễn Thị Hồng rời quê Tiền Giang đến làm CN tại Công ty Shinsung Vina nhưng được vài năm, chị chuyển sang làm CN Công ty I-Hoa. Những ngày sống xa nhà, căn phòng trọ 15m2 của bà Ngoai cho thuê là chốn đi về của chị. Đến khi lập gia đình, căn phòng ấy cũng là tổ ấm. Mỗi ngày, thấy cả nhà quây quần trong không gian chật hẹp nên anh chị mong muốn xây một ngôi nhà nhỏ để con có nơi ăn, chốn ở, học hành thoải mái nhưng tiền lương CN chỉ đủ chi tiêu hàng tháng nên vợ chồng chị đành gác lại ước mơ. Tưởng chừng, cuộc sống của gia đình mãi quanh quẩn trong phòng trọ nhỏ nhưng bây giờ, chị Hồng có căn nhà khang trang, diện tích 125m2 gần xóm trọ của bà Ngoai.

Dãy nhà của những cặp vợ chồng được bà Ngoai bán đất trả chậm, không tính lãi

“Lúc đó khổ lắm! Đi làm thì đi bộ vì không có xe. Lương CN hồi đó cũng thấp nên khó có dư. Thấy 2 vợ chồng vất vả, dì ba bán cho miếng đất chiều ngang 5m với giá 50 triệu đồng. Bán đất nhưng dì bảo khi nào có tiền thì trả, nếu không, cứ trả dần, đến khi nào đủ cũng được. Dì không tính lời lãi gì cả. Nhận đất, 2 vợ chồng mừng quá, đi mua cọc tre về dựng căn nhà lá ở tạm. Thay vì trả tiền thuê nhà hàng tháng thì vợ chồng tôi để dành trả dần cho dì ba. Đến nay, vợ chồng tôi trả xong số tiền mua đất. Nhờ vậy, bây giờ gia đình có căn nhà khang trang để ở” - chị Hồng tâm tình. Căn nhà mái tole, vách xây tường, lát gạch sạch sẽ, tươm tất như bây giờ là ước mơ của CN nghèo như chị Hồng thành sự thật.

Còn anh Nguyễn Văn Nam cũng đến Đức Hòa kiếm sống bằng nghề buôn bán. Vợ anh làm CN Công ty I-Hoa. Sau thời gian ở trọ tại nhà bà Ngoai, vợ chồng anh Nam giống như người thân trong nhà bà. Cách đây 2 năm, bà Ngoai bán miếng đất (ngang 6m) cho vợ chồng anh Nam để dựng căn nhà nhỏ ở tạm. “Dì ba bán đất giá 60 triệu đồng. Vợ chồng tôi tích góp và đến nay trả cho dì được 30 triệu đồng. Nếu không có dì ba, chúng tôi rất khó để có miếng đất, ngôi nhà như bây giờ”.

Một dãy nhà khang trang nằm sát nhau, kế nhà chị Hồng là nhà chị Liễu, anh Nam,... - tất cả đều là CN nghèo ở xa đến nhà bà Ngoai trọ ở và được bà hỗ trợ bán nền không lấy lãi để họ cố gắng làm, tích lũy trả dần, dựng nhà ở. Có thể nói, bây giờ, họ an cư, lạc nghiệp trong chính ngôi nhà của mình - một mái ấm tạo dựng từ sự đồng hành, hỗ trợ của bà Ngoai. Được an cư, những CN xa nhà vui và bà Ngoai cũng vui lây với họ. “Tụi nó không máu mủ, ruột rà về đây thuê trọ, thành vợ, thành chồng rồi dựng nhà ở gần nhau, ngày càng thân thiết như người trong nhà. Chỉ cần tụi nó sống vui vẻ, hòa đồng là tốt rồi. Còn việc mình làm coi như làm phước, tích đức cho gia đình. Chồng và các con tôi cũng đồng tình với việc làm này” - bà Ngoai chia sẻ thêm.

“Bà đỡ” của CN - cái tên mà những “đứa con” xa lạ thường gọi bà thật không quá đáng!./.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa - Đặng Thị Điệp cho biết: Câu lạc bộ nhà trọ của bà Ngoai được thành lập từ năm 2005. Vào các dịp lễ, tết, bà Ngoai thường hỗ trợ những phần quà tết cho công nhân. Mỗi khi có công nhân đau bệnh, bà Ngoai đều thăm, nuôi. Đặc biệt, việc bà hỗ trợ các đôi công nhân nên vợ, thành chồng và có mái nhà để ở phần nào chia sẻ khó khăn với họ. Với những hoạt động thiết thực, năm 2016, câu lạc bộ nhà trọ của bà Ngoai được nhận giấy khen của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch vì có thành tích trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa.

Thùy Hương

Chia sẻ bài viết