Tiếng Việt | English

13/05/2017 - 20:20

“Bóng cả” trong gia đình

Trong gia đình Việt Nam từ xưa đến nay, ông bà, cha mẹ luôn là tấm gương sáng, chỗ dựa vững chắc để con cháu noi theo. Việc nêu gương sáng có khi chỉ đơn giản từ những việc nhỏ trong cuộc sống hàng ngày…

Bà Nguyễn Thị Thưng cùng con trai, con dâu, cháu nội gái, cháu nội rể và chắt nội quây quần bên nhauMẹ là gương sáng

Gia đình bà Nguyễn Thị Thưng (SN 1946), ngụ ấp Nhựt Hòa, xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An - nguyên Bí thư xã Nhựt Ninh, gồm 4 thế hệ cùng chung sống. Bà là người con thứ 3 trong gia đình có 4 anh em. Trong kháng chiến chống Mỹ, chồng cùng 2 em trai của bà lên đường nhập ngũ rồi hy sinh. Một mình bà gồng gánh nuôi 3 người con khôn lớn. Ngoài việc thường xuyên nhắc nhở chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, bà còn dạy con cháu phải biết đấu tranh bảo vệ lẽ phải, ngay thẳng trong mọi việc, không vì bất cứ lý do gì mà làm trái pháp luật, làm sai đạo lý.

Ngoài 70 tuổi, tóc đã bạc nhưng bà vẫn nhanh nhẹn và tích cực với công tác phụ nữ ở địa phương. Con cháu trong nhà ai cũng yêu mến, kính phục bởi khi trong gia đình có bất cứ chuyện gì, bà đều phân xử một cách công bằng, không thiên vị,...

Anh Lê Văn Ải - con trai bà Thưng, chia sẻ: “Từ tấm gương của mẹ, với truyền thống của gia đình, từ trước đến nay, trong mọi hoàn cảnh, vợ chồng tôi luôn cố gắng vươn lên. Dù công việc bận rộn nhưng chúng tôi luôn dành thời gian quan tâm đến việc học tập, công việc cũng như cuộc sống, tâm tư, nguyện vọng của từng đứa con để có thể giúp đỡ, uốn nắn kịp thời”.

Gia đình ông Trần Công Thành, khu A, thị trấn Hậu Nghĩa đang sống cùng vợ chồng cô con gái út và 2 đứa cháu ngoạiHướng về gia đình

Chiều muộn, tiếp chúng tôi trong mái nhà đầm ấm giữa vườn cây đầy hoa trái, ông Trần Công Thành (mọi người thường gọi thân mật - bác 5 Thành) (SN 1944), ngụ khu A, thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An thong thả pha trà và bắt đầu câu chuyện. “Tôi được sinh ra và lớn lên trong gia đình giàu truyền thống cách mạng Cha tôi tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp. Mẹ tôi phải tần tảo buôn gánh bán bưng để nuôi 7 đứa con. Lớn lên trong hoàn cảnh đó, dường như anh em tôi được rèn luyện ý chí cách mạng từ rất sớm, nhất là các anh em trai. Tôi tham gia cách mạng năm 18 tuổi, 2 người em trai kế cũng tham gia kháng chiến chống Mỹ và hy sinh. Khi hòa bình lập lại, tôi tiếp tục tham gia công việc Nhà nước, năm 1977, tôi lập gia đình. Giờ thì các con của tôi có việc làm ổn định, con dâu, con rể cũng đều là những cán bộ, công chức, sống hòa thuận và thương yêu nhau, 4 đứa cháu nội, ngoại đều ngoan ngoãn, biết vâng lời và học giỏi. Nếu nói để nêu gương, giáo dục con cháu, tôi chỉ có thể nói ngắn gọn, dạy con cháu luôn hướng về gia đình, biết yêu thương, có trách nhiệm chăm sóc nhau, biết hy sinh vì nhau và phấn đấu học tập thật giỏi để có việc làm ổn định, giúp ích cho đời” - ông Thành tâm sự. Trong gia đình đầm ấm ấy có bóng dáng một người phụ nữ - bà Nguyễn Thị Ru, người bạn đời của ông Thành. Khi được hỏi về “bí quyết” để vun đắp, xây dựng nên gia đình thành đạt như ngày hôm nay, bà Ru chia sẻ: “Tôi chỉ nghĩ đơn giản “thương chồng thì phải gánh cả giang san nhà chồng””.

Tấm gương của vợ chồng ông Trần Công Thành càng tiếp thêm lòng tin về một gia đình 3 thế hệ sống hòa thuận, biết yêu thương chia sẻ, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc!

Gia đình ông Lại Ngọc Liệp, ở khu B, thị trấn Hậu Nghĩa sống cùng vợ chồng người con trai đầu và 2 đứa cháu nộiHiếu thảo và cùng chia sẻ

Xã hội hiện đại, đa phần những cặp vợ chồng trẻ đều muốn ở riêng nhưng với gia đình ông Lại Ngọc Liệp (SN 1957), ngụ khu B, thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, vợ chồng ông, con trai, con dâu và cháu nội đều sống chung một nhà rất đầm ấm. Bà Khương Thị Ngọc Điệp - vợ ông Liệp, cho biết: “Cả 3 thế hệ chung sống dưới một mái nhà, tôi thấy rất thuận tiện, gia đình lúc nào cũng vui tươi và đầm ấm. Công việc của các con luôn bận rộn, thường phải về muộn, nhưng đến tối, mọi người sum họp, ăn bữa cơm gia đình, cảm thấy rất hạnh phúc. Sau bữa cơm, ông bà thường giúp tắm rửa cho các cháu, rồi dạy các cháu học,... Tôi hiểu, sống trong một gia đình nhiều thế hệ, các cặp vợ chồng thường đối diện với không ít khó khăn trong giao tiếp, ứng xử, cách sinh hoạt,... Vì vậy, tôi và ông xã luôn phân tích cho các con trai, con dâu, các cháu hiểu và thông cảm lẫn nhau để dù có đi đâu, làm gì thì các thành viên trong gia đình vẫn muốn quay về nhà để sum họp bên bữa cơm chiều. Nhờ đó, các con, dâu và cháu trong gia đình tôi cư xử đúng mực, sống đoàn kết, hòa thuận nhau”. Với nền tảng gia phong tốt đẹp, phù hợp với đạo lý, truyền thống của dân tộc, gia đình ông nhiều năm liên tục được công nhận gia đình văn hóa, được tặng nhiều giấy khen, bằng khen các cấp,...

Anh Lại Ngọc Tâm - con trai lớn của ông Lại Ngọc Liệp, sống chung với cha mẹ và 2 đứa con gái trong một gia đình chia sẻ: “Với riêng tôi, việc sống cùng ông bà, cha mẹ có rất nhiều lợi thế và tôi cho rằng, tình yêu thương, sự gắn bó, quan tâm của các thành viên trong gia đình là sợi dây gắn kết mọi người với nhau”./.

Song Hồng

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích