Tiếng Việt | English

10/11/2017 - 01:37

“Công khai tài sản thì càng giấu càng chết”

“Công khai ở chi bộ làm gì. Công khai ở nơi cư trú và nơi làm việc, càng giấu càng chết như bồ nhí càng giấu càng tìm” – ông Bùi Sỹ Lợi nói.

Thảo luận ở tổ về dự án Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi, chiều 9/11, đại biểu Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội nhấn mạnh chỉ nên tập trung vào 3 vấn đề hết sức quan trọng.

Đó là ai có khả năng, nguy cơ tham nhũng thì kiểm soát, đưa vào đối tượng. Còn đưa quá nhiều, đưa tràn lan nhưng khả năng quản lý không có nên không kiểm soát được. Phải xem xét, tính toán lại, chứ đưa những đối tượng chẳng có gì để tham nhũng vào thì “vừa buồn vừa tủi”.


Đại biểu Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội thảo luận tại tổ

Thứ hai là khi xác định được đối tượng rồi thì công khai đến đâu? Chính phủ trình 2 phương án: Công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người kê khai thường xuyên làm việc; công khai tại chi bộ nơi người kê khai là đảng viên sinh hoạt. Theo ông Bùi Sỹ Lợi, công khai ở cơ quan và nơi cư trú thì dân rất yên tâm, nhưng nếu nói công khai ở chi bộ thì quá bằng giấu kín.

“Trong chi bộ không ai chê ai nhưng ra đằng sau thì lại thì thào những điều không hay, vậy công khai ở chi bộ làm gì? Công khai ở nơi cư trú và nơi làm việc, càng giấu càng chết như bồ nhí càng giấu càng tìm” – ông Lợi nói.

Thứ ba là biện pháp kiểm soát. Dự thảo quy định phương thức thanh toán, thực hiên thanh toán qua tài khoản đối với các khoản thu, chi có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên. Ông Lợi đặt vấn đề tại sao quy định chỉ 20 triệu trở lên mới kiểm soát vì nhiều lần 20 triệu là bạc tỷ rồi. Ai cũng có thẻ ngân hàng thì tiền vào bao nhiêu đều biết, gửi ra nước ngoài cũng biết thì sẽ hạn chế được ngay.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Lạng Sơn) đặt vấn đề câu chuyện ở một số địa phương cho thấy sau khi xác minh dấu hiệu vi phạm thì xử lý tài sản thế nào hay mặc nhiên để cho tồn tại?

“Cần nghiên cứu đưa vào luật để có hướng tạo hành lang pháp lý. Cùng một vị trí công tác nhưng tài sản người này người kia như thế, nói tôi kê khai rồi mặc nhiên cho tồn tại trong khi quan trọng là nguồn gốc tài sản đó thế nào!”.

Đại biểu Phạm Công Hồng – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cho rằng đừng kỳ vọng luật này ra đời có thể chống được tham nhũng nếu không triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Kể cả luật hiện hành mà thực hiện triệt để, nghiêm túc thì tình hình nó khác.

“Luật tốt ra mà không triển khai thực hiện không đến nơi đến chốn thì cũng không có kết quả. Nước ngoài đánh giá luật của ta tốt nhưng ta không bằng họ là thực hiện không tốt” – ông Hồng nhấn mạnh.

Liên quan xử lý tài sản không rõ nguồn gốc, ông Phạm Công Hồng cũng thừa nhận còn “bí”. Nhiều nước cho đó là tài sản bất minh và tịch thu dân sự. Nhưng luật của ta không cho phép, trách nhiệm chứng minh thuộc về nhà nước nên không giải quyết được.

“Các bước đi của luật rất hay, kê khai, xác minh tài sản. Trong 10 năm làm công chức, kể cả buôn chổi hay lái xe ôm, tính ra hết có được 500 tỷ đồng không? Nếu không được thì tại sao có? Không giải thích được thì tài sản đó phải được xử lý” – đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM) nhấn mạnh, đồng thời cho biết các nước là thu giữ và xung công.

Theo đại biểu, v xử lý tài sản không rõ nguồn gốc là vấn đề cử tri rất bức xúc. Luật phải làm được điều đó, nếu không thì không thu hồi được tài sản của tham nhũng./. 

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết