Tiếng Việt | English

16/03/2017 - 14:36

​Dân đảo Bé học làm du lịch chuyên nghiệp

Những ngư dân, nông dân trồng hành tỏi ở đảo Bé (tức xã đảo An Bình, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi) gác thuyền, dừng cuốc để đi học làm du lịch.

Dân đảo Bé sắm xe điện đưa đón du khách - Ảnh: Trần Mai
Đảo Bé đang đón du khách ngày một nhiều. Nếu năm 2015 chỉ 4.000 khách đến thì năm 2016 có đến 35.000 khách tham quan đảo.

Thế là người người, nhà nhà đảo Bé chuyển nghề phục vụ du khách. Từ cách đón khách nơi cầu cảng, giới thiệu những khối đá núi lửa đến việc đưa khách đến các điểm du lịch, dân đảo Bé tuy đã từng làm trước đây nhưng nay họ được học “bài học vỡ lòng” nghiêm túc từ những chuyên gia trong và ngoài nước. Từ kiến thức lịch sử về hòn Đụn được hình thành từ hàng loạt đợt phun trào của núi lửa 11 triệu năm về trước đến việc nhặt rác để bảo vệ môi trường, làm thế nào để "vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi"...

Chủ tịch xã đi học

Ông Nguyễn Văn Lê, chủ tịch UBND xã An Bình, mấy ngày qua tranh thủ xong công việc cơ quan là cùng với cán bộ xã theo học làm du lịch.

Vị "trưởng đảo" này cho rằng cây hành, cây tỏi, con cá chưa thể làm dân đảo Bé giàu lên được. “Bao đời qua người dân vẫn khó khăn vì chưa tận dụng hết thế mạnh tự nhiên của đảo. Nay có người về dạy làm du lịch, bà con cầu thị bỏ cuốc, bỏ lưới đi học nói chi mình là cán bộ”, ông Lê nói.

Không cần nói nhiều về cảnh đẹp đảo Bé bởi chỉ cần lên mạng đã thấy hàng nghìn hình ảnh về nó. Từ những khối nham thạch ngủ vùi đến những ruộng bậc thang trồng hành tỏi, bãi cát dài sạch sẽ, nước trong vắt hay những hàng dừa đón gió…

Đảo Bé đẹp là vậy nhưng ông Lê cho hay, đến giờ người dân vẫn chưa tận dụng hết “sức mạnh” lớn nhất của hòn đảo này nên phải đi học mà làm cho tốt.

Cán bộ xã, thanh niên, phụ nữ, đến cả ông lão già nhất đảo tên Bùi Hoàng ngoài 80 tuổi, hay anh chàng đi xe lăn Bùi Huệ cũng hăng say học hỏi rất hứng khởi.

Cụ Hoàng thường đặt những câu hỏi ngược lại với các chuyên gia để được trao đổi. “Mình già rồi, nhưng phải hỏi để mấy đứa trẻ nghe nữa. Tụi nó làm đúng thì thoát cái khổ”, ông Hoàng nói. 

Cụ Bùi Hoàng (trái) học cách làm du lịch từ những chuyên gia - Ảnh: Trần Mai
Chuyên gia cũng thích thú

Đi đến các nhà dân, TS Chu Mạnh Trinh (cán bộ BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, TP Hội An, Quảng Nam), một chuyên gia về môi trường biển và du lịch cộng đồng, cười vui vẻ khi được người dân đặt câu hỏi về dịch vụ homestay lẫn cách giới thiệu đảo Bé sao cho hấp dẫn du khách.

Nhiều năm gắn bó với đảo Cù Lao Chàm, giúp người dân sống được với du lịch, hơn ai hết ông Trinh hiểu giá trị của bài giảng chỉ thành công khi người dân thật sự muốn học.

Ông Trinh góp phần khơi dậy tiềm năng của đảo, sự thân thuộc trong đời sống người dân, giúp người dân hiểu thêm giá trị vùng đất của mình để khai thác xứng đáng.

“Ở đảo Bé còn quá nhiều thứ phục vụ du khách bị bỏ quên. Chúng tôi không mang những cách làm của nơi khác đến áp đặt cho người dân làm theo mà điều cốt lõi là để người dân hiểu rõ, khám phá tiềm năng của cộng đồng mình, từ đó mà phát huy”, tiến sĩ Trinh nói.

Người dân đảo Bé còn được tiếp thu kiến thức từ hai chuyên gia người Mỹ là Ashley Hollenbeck và Nicole Bortley (dạy ở Hiroshima Jogakuin University, Nhật Bản). Hai chuyên gia nghiên cứu phát triển cộng đồng rong ruổi đến nhiều quốc gia để giúp đỡ người dân làm du lịch cộng đồng.

Bà Ashley Hollenbeck chỉ ra được nguồn lực đảo Bé, nói được những điều tệ nhất sẽ là lực cản cho đảo Bé hút khách, như môi trường, nguồn nước.

“Tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, tình đoàn kết và sự thân thiện người dân là điều tuyệt vời để hút khách đến đảo”, bà Ashley nói.

Anh Huệ (ngồi xe lăn) học hỏi cách làm du lịch từ những chuyên gia - Ảnh: Trần Mai
Học để làm mới cách cũ

Anh Bùi Huệ vừa sắm chiếc xe máy ba bánh đưa du khách đi khắp đảo Bé, chia sẻ: “Chở du khách đi quanh đảo thăm thú nhưng mình chưa có nhiều kiến thức về lịch sử, văn hóa… của hòn đảo này để kể cho du khách”.

Ông lão Bùi Hoàng làm chiếc cầu bằng vải dù rất đẹp nổi trên mặt nước, nối từ bờ ra một mỏm đá lớn trải rộng để du khách ra thăm thú, thu phí mỗi khách chỉ 5.000 đồng.

Nhưng khi chị Nicole hỏi ông mỏm đá này hình thành như thế nào thì ông Hoàng “bí rị”. Thế là ông Hoàng và hai con ý thức phải tìm hiểu "lận lưng" kiến thức lịch sử địa phương để giới thiệu khách chứ không thôi "mất mặt lắm”.

Mong người dân hiểu giá trị của mình

Ông Đoàn Sung, giám đốc Công ty CP Đoàn Ánh Dương, cho biết: “Hiện công ty được tỉnh giao nhiệm vụ hoàn thành hồ sơ về Công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn và Bảo tồn biển ở đảo Bé. Chúng tôi luôn muốn gắn cộng đồng trong sự phát triển chung của du lịch, người dân học những điều mới để làm du lịch, tốt cho du lịch và cuộc sống người dân đảo Bé.

Chiếc cầu vải đẹp mắt ông Hoàng làm để phục vụ du khách - Ảnh: V.Hùng

Trần Mai - Việt Hùng/tuoitre online

Chia sẻ bài viết