Tiếng Việt | English

16/09/2015 - 15:13

“Đôi tay vàng” Võ Văn Vọng

Vốn yêu thích khám phá, sáng tạo những vật dụng xung quanh, anh Võ Văn Vọng thi vào Đại học Nông Lâm TP.HCM để nuôi ước mơ học hỏi, sáng tạo. Tốt nghiệp đại học năm 1992, anh về Cty Lamico làm việc cho đến nay. Hiện, anh đang công tác tại Phòng Nghiên cứu và phát triển.

 Vào Cty, anh Vọng được phân công nghiên cứu thiết kế, cải tiến thiết bị liên quan đến lĩnh vực chế biến lúa gạo, trong đó chủ yếu các loại máy đánh bóng gạo với các dòng sản phẩm có năng suất từ 2 đến 10 tấn/giờ. Vào khoảng năm 2011, anh tiếp tục nghiên cứu và bắt tay “Thiết kế chế tạo máy đánh bóng gạo năng suất 8 - 9 tấn/giờ”. Kết quả của nghiên cứu này đã được trao giải nhì Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Long An giai đoạn 2011-2013 và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích.

Nói về sự sáng tạo trong nghiên cứu “Thiết kế, chế tạo máy đánh bóng gạo năng suất 8 - 9 tấn/giờ”, anh Vọng cho biết, do nhu cầu về năng suất và chất lượng trong công nghệ chế biến gạo ngày càng cao, trong khi máy xát trắng đã đạt năng suất 8-10 tấn/giờ mà năng suất tối đa của các loại máy đánh bóng trong nước hiện tại chỉ đạt 6 - 8 tấn/giờ. Mong muốn của anh lẫn đồng nghiệp là tạo được sự đồng bộ trong dây chuyền các thiết bị cần phải cân đối về mặt năng suất nhằm giảm chi phí đầu tư, tiết kiệm điện năng, mặt bằng lắp đặt và thuận tiện trong việc vận hành, bảo dưỡng.

Mặt khác, thời vụ thu hoạch lúa gạo ngắn ngày kết hợp với bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay trong xuất khẩu gạo, vì vậy cần phải có máy đánh bóng gạo với năng suất cao, chất lượng tốt để nâng cao năng lực cạnh tranh trong chế biến của các doanh nghiệp hiện nay. Và kết quả là máy đánh bóng gạo năng suất 8 - 9 tấn/giờ đã thỏa mãn các yêu cầu hợp lý trong dây chuyền xay xát - lau bóng gạo xuất khẩu hiện nay.

Ngoài thỏa mãn nhu cầu về năng suất, máy đánh bóng gạo năng suất 8 - 9 tấn/giờ do anh Vọng thiết kế còn tiết kiệm được chi phí điện năng, phụ tùng thay thế cũng như chi phí cho thiết bị. Hiện nay, máy đã được lắp đặt rộng rãi trong các nhà máy bóc vỏ - xay xát - lau bóng, xay xát - lau bóng và dây chuyền lau bóng gạo tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Công nghệ này cũng được chuyển giao cho các doanh nghiệp chế biến gạo trong nước và xuất khẩu sang một số nước Đông Nam Á. 

Để hoàn thành sản phẩm máy đánh bóng gạo năng suất 8 - 9 tấn/giờ, anh Vọng phải mất khoảng 6 tháng cho công việc, từ thiết kế, chế tạo, thí nghiệm. Nói về môi trường làm việc, anh Vọng cho rằng rất may mắn vì được làm việc trong môi trường mà phong trào sáng kiến luôn được các cấp lãnh đạo quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để anh em phát huy tính sáng tạo trong lao động, sản xuất. Ngoài sáng kiến nêu trên, anh Vọng cũng đã hỗ trợ đồng nghiệp nhiều giải pháp mới cho công việc.

Có thể nói, công việc của một kỹ sư cơ khí không hề đơn giản, mỗi một sáng kiến kinh nghiệm hay giải pháp mới trong công việc là cả một quá trình mày mò, nghiên cứu, thử nghiệm với một niềm đam mê công việc, nỗ lực vượt qua những khó khăn. Anh Vọng cho rằng, tất cả những vất vả trong quá trình làm việc sẽ “tan biến” khi kết quả nghiên cứu được đưa vào ứng dụng trong thực tế sản xuất, góp phần tăng thêm giá trị, chất lượng của hạt gạo Việt Nam./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết