Tiếng Việt | English

08/06/2015 - 08:00

Về nguồn

“Đòn bẩy” để xây dựng nông thôn mới

Những năm qua, nhờ có hoạt động Về nguồn mà nhiều công trình kết cấu hạ tầng điện, đường, trường, trạm,... được đầu tư xây dựng, làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Đây chính là điều kiện thuận lợi và cũng là “đòn bẩy” để các địa phương tiếp tục phấn đấu xây dựng thành công nông thôn mới.

Đường kênh Biện Minh mới được mở rộng, bêtông hóa

1. Trong cái chớm lạnh của những ngày đầu năm, ngược về Tân Thạnh, trở lại xã điểm Về nguồn của tỉnh Long An năm 2013 - Hậu Thạnh Tây, chúng tôi ngỡ ngàng trước những đổi thay. Từ đường tỉnh cho đến đường quê, từ mái nhà đến ngôi trường, rồi trạm y tế, nhà văn hóa,... tất cả đều khoác lên mình “bộ áo mới”.

Chủ tịch UBND xã - Nguyễn Văn Sinh nhận xét: “Trong đợt Về nguồn năm 2013, xã được đầu tư 73,5 tỉ đồng để xây mới hàng loạt công trình, từ giao thông, thủy lợi đến các công trình văn hóa, giáo dục,... Nếu như không có nguồn vốn ấy thì dù 10 hay 20 năm nữa, diện mạo nông thôn của xã cũng chưa chắc được như bây giờ!”.

Thật vậy! Trạm Y tế với đầy đủ trang thiết bị, trường học đạt chuẩn quốc gia, những con đường được mở rộng, được bêtông hóa bên những dòng kênh xanh mát đã góp phần làm thay đổi hoàn toàn diện mạo nông thôn nơi đây. Ngoài ra, từ nguồn kinh phí Về nguồn, xã còn được hỗ trợ xây 22 căn nhà tình nghĩa, sửa chữa 19 căn, xây mới 58 nhà đại đoàn kết.

Tiếp chuyện chúng tôi, chị Phạm Thị Thúy Kiều ở ấp Giồng Dung, vẫn nhớ như in cái ngày chị được đón nhận căn nhà mới. Chị kể, nhà không có đất sản xuất, anh làm nghề thợ hồ, chị thì làm thuê, làm mướn quanh vùng, ai thuê gì chị cũng làm, không nề hà bất cứ việc gì.

Ấy vậy mà bữa cơm hằng ngày vẫn thiếu trước hụt sau, bởi anh chị còn phải lo cho 2 đứa con đang tuổi ăn học. Căn nhà lá được cất tạm bợ là tổ ấm của cả gia đình đã dột nát từ lâu, nhưng chưa có tiền để sửa sang lại. Nhờ có chương trình Về nguồn mà chị mới có nếp nhà lành lặn để che nắng, che mưa.

Với sự tiếp sức của chương trình Về nguồn, đến nay, Hậu Thạnh Tây đã đạt 14/19 tiêu chí nông thôn mới, tăng 7 tiêu chí so với đầu năm 2013. Đó là các tiêu chí: Thủy lợi, nhà ở dân cư nông thôn, hộ nghèo,... Diện mạo nông thôn khởi sắc, đời sống người dân không ngừng được cải thiện, chính là “quả ngọt” mà chương trình Về nguồn đã mang lại cho mảnh đất vùng sâu này. Dù còn nhiều khó khăn trước mắt nhưng xã vẫn tiếp tục phấn đấu để hoàn thành cùng lúc 2 mục tiêu: Xã văn hóa và xã nông thôn mới trong thời gian sớm nhất.


2. Năm 2013, cùng với Hậu Thạnh Tây, xã Tân Lân, huyện Cần Đước cũng được chọn làm xã điểm Về nguồn của tỉnh. Với nguồn vốn đầu tư trên 71,1 tỉ đồng, trong đó, nhân dân đóng góp trên 9 tỉ đồng, rất nhiều công trình xây dựng cơ bản đã được triển khai thực hiện. Trường THCS Tân Lân một thời ọp ẹp giờ đã được mở rộng, xây mới, sánh ngang với các trường chuẩn quốc gia. Tất cả các con đường liên xã, liên xóm, ấp đều được nhựa hóa, bêtông hóa sạch sẽ, khang trang.

Ngoài ra, hàng trăm hộ nghèo, gia đình chính sách trong xã cũng đã được cấp nhà và trao nhiều phần quà giá trị. Tất cả đã góp phần giúp Tân Lân nhanh chóng hoàn thành các tiêu chí: Giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hóa,... và bứt phá “về đích” nông thôn mới vào cuối năm 2013 (sớm hơn lộ trình đã đề ra 2 năm).

Và điểm nhấn nổi bật trong quá trình Về nguồn ở Tân Lân chính là phát huy được sức mạnh của toàn dân. Minh chứng cho điều này là trong thời gian qua, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, người dân trong xã không chỉ đóng góp tiền, ngày công lao động mà còn tự nguyện hiến đất để mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hóa,...

Ông Nguyễn Hoàng Phi, 76 tuổi, người tham gia hiến đất nhiều nhất để hoàn thành đường Ao Gòn, nhớ lại: “Chỉ mới mấy năm trước, Ao Gòn còn là đường đất, bề ngang chừng 8 tấc, chỉ vừa cho một chiếc xe máy chạy mà thôi. Thuở ấy, mỗi lần thu hoạch lúa, người dân phải dùng xe máy vận chuyển ra đường lớn rồi mới có thể mang đi tiêu thụ. Máy cày, máy cắt cũng không thể vào, phải đi vòng nên mất thời gian và tốn kém lắm. Nhưng giờ thì mọi thứ đã khác! Nhờ có hoạt động Về nguồn mà con đường đã được mở rộng thông thoáng, xe tải, xe taxi có thể chạy vào tận nhà dân. Việc đi lại, vận chuyển hàng hóa và vật tư nông nghiệp cũng vì thế mà trở nên thuận lợi hơn nhiều”.

Có thể khẳng định, hoạt động Về nguồn không chỉ làm đổi thay diện mạo ở những xã nghèo mà còn góp phần cùng địa phương rút ngắn tiến trình xây dựng nông thôn mới. Từ những công trình, dự án được triển khai, Về nguồn đã tiếp thêm nguồn lực, tạo “đòn bẩy” để các xã nghèo phát triển toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần xây dựng nông thôn mới.

HỒNG ANH

 

Chia sẻ bài viết