Tiếng Việt | English

15/02/2017 - 15:28

“Hái” ra tiền từ cây lục bình

Cây lục bình phát triển dày đặc trên các tuyến kênh, rạch là nỗi ám ảnh của nông dân vì nó ảnh hưởng đến nguồn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất, giao thông đi lại, sinh hoạt,... Tuy nhiên, nhiều hộ dân nghèo, người nhàn rỗi “hái” ra tiền từ cây lục bình.

Nhiều hộ dân có thêm thu nhập nhờ bán lục bình

Để cung ứng nguyên liệu lục bình khô cho các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, tận dụng cây lục bình sinh sôi dọc các tuyến kênh, nhiều hộ dân trên địa bàn các huyện Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An cắt lục bình mang về phơi khô rồi bán, tạo thêm thu nhập.

Về các huyện Vĩnh Hưng, Tân Hưng, tỉnh Long An dọc theo các tuyến đường, dễ dàng bắt gặp hình ảnh người dân cắt lục bình mang về phơi ngang, dọc ven đường, những bãi đất trống.

Bà Nguyễn Thị Nói, ngụ xã Vĩnh Thạnh, huyện Tân Hưng đang cặm cụi phơi số lục bình cả gia đình cắt được từ sáng hôm nay chia sẻ: “Gia đình tôi có 4 người, không đất đai sản xuất, quanh năm suốt tháng chỉ cắt lục bình đem bán. Mỗi ngày từ sáng sớm, cả gia đình trên chiếc xuồng nhỏ len lỏi ở các tuyến kênh trên địa bàn tìm cắt lục bình. Hiện tại, mỗi ngày, gia đình tôi cắt được từ 500-700kg lục bình tươi, sau 4-5 ngày phơi còn được khoảng 30-40kg lục bình khô, bán với giá từ 15.000-20.000 đồng/kg. Số tiền kiếm được cũng đủ trang trải cuộc sống hàng ngày”.

Còn anh Lâm Văn Bôl, ngụ ấp Cái Tràm, xã Vĩnh Thạnh cho biết: “Gia đình không ruộng đất, trước đây chủ yếu đi làm thuê, làm mướn theo mùa vụ. Những năm trở lại đây, thấy mọi người trong xóm sống được với nghề cắt, phơi khô lục bình để bán, tôi cũng làm theo. Mỗi ngày kiếm được 200.000-300.000 đồng từ cây lục bình, có điều kiện lo cho 2 đứa con ăn học”.

Mỗi ngày, anh Lâm Văn Bôl kiếm được từ 200.000-300.000 đồng từ bán lục bình khô

Những người mưu sinh từ nghề cắt lục bình cho biết, sau khi cắt lục bình về sẽ bỏ hết phần lá, chỉ giữ lại phần thân và đem phơi nắng độ vài hôm cho lục bình héo khô; sau đó, các thương lái đến tận nhà thu mua. Để có được 1kg lục bình khô cần khoảng 12-13kg lục bình tươi.

Lục bình khô được các cơ sở thu mua về làm ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ: Túi, giỏ xách, bình hoa, sọt rác đến những sản phẩm cao cấp hơn như bàn, ghế, tủ, giường.

Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thạnh - Võ Ngọc Nhồi cho biết: “Cây lục bình dễ sống, phát triển nhanh, khắp các dòng kênh ở đâu cũng có. Nghề cắt lục bình trên kênh, rạch vừa tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động ở địa phương nhiều năm qua, vừa góp phần giải tỏa bớt đám lục bình gây cản trở giao thông đường thủy, cản trở dòng chảy”./.

Văn Đát

Chia sẻ bài viết