Tiếng Việt | English

21/10/2015 - 17:07

“Hoàng hậu đỏ” - Nữ anh hùng tiêu biểu trong Khởi nghĩa Nam kỳ

Đó là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ Nguyễn Thị Bảy, tên chính là Nguyễn Thị Lục (Sáu), sinh năm 1909, ở làng Vĩnh Hựu, tổng Hòa Đồng Trung, quận Gò Công (nay là huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang).

Ông cụ thân sinh là lương y Nguyễn Khắc Kỷ, mẹ là Nguyễn Thị Quý, sinh hạ được 9 người con gồm 5 trai, 4 gái (*). Gia đình đông con, lại nghèo khó, 10 tuổi mẹ mất, bà đã phải sống cơ cực, lớn lên phải vào rừng đốn củi, rồi theo ở mướn cho nhà của cậu Chín, con một Hương sư ở làng Phước Lại. Tại đây, khoảng năm 19 tuổi, bà được anh Tuấn Nẫy (tức Nguyễn Văn Ớt) dìu dắt, giác ngộ lòng yêu nước; bà quyết đi theo cách mạng và sớm gia nhập Đảng Cộng sản.

25 tuổi, Nguyễn Thị Bảy được chỉ định vào Quận ủy Cần Giuộc. Đầu năm 1934, tại làng Phước Lại, bà cùng đồng chí Bùi Văn Suyễn (tức Ngữ), Xứ ủy viên Nam Kỳ đứng ra tổ chức lễ kết nạp Đảng các đồng chí Nguyễn Thị Một (Một Nho), Huỳnh Thị Thinh (Hai Hưởng), Trương Thị Be – về sau đều là những cán bộ ưu tú của Đảng. Năm 1936, Nguyễn Thị Bảy là Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Chợ Lớn và là Bí thư Quận ủy Cần Giuộc, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Phụ nữ dân chủ tỉnh Chợ Lớn.

Trong Khởi nghĩa Nam kỳ tháng 11-1940, bà là người chỉ huy chủ yếu cuộc nổi dậy ở quận Cần Giuộc, được đồng bào rất tín nhiệm. Chồng bà, đồng chí Nguyễn Văn Ớt - Quận ủy viên, thành viên Ban Chỉ đạo khởi nghĩa của quận Cần Giuộc, bị địch giết hại. Bản thân bà bị địch bắt trong cuộc càn quét ngày 14-12-1940 tại bến đò Long Đước Đông, trên đường cùng đồng chí Trần Chí Nam rút về Rừng Sác.

Tài tháo vát và khí chất anh hùng của Nguyễn Thị Bảy không chỉ lan truyền ở địa phương tỉnh Chợ Lớn mà cả khi sa vào tay giặc. Trên đường đưa về Sài Gòn, bị lính đánh dập đầu tóe máu, bà thản nhiên quệt máu vào người lính, nói nhỏ: “Chúng ta đều cùng người Việt Nam máu đỏ da vàng, sao lại nỡ giết hại lẫn nhau...”. Ở bót Pô-lô (thành phố Chợ Lớn), giặc phải khâm phục tôn gọi bà là “Hoàng hậu đỏ”. Ở khám Phú Mỹ, bà bị giam chung với Nguyễn Thị Minh Khai – cả 2 đều mang án tử hình, bà được chị em tù gọi là “bà Cố Hỷ” (Giáo sư Trần Văn Giàu từng nói “chị linh ứng như bà Cố Hỷ” - nghĩa là có thể làm được mọi việc).

Nguyễn Thị Bảy bị thực dân Pháp xử bắn cùng với bốn nghĩa quân là Đang, Châu, Thiệp (Lương) và Tiếu, tại sân banh Cần Giuộc vào sáng sớm ngày 26-5-1941. Trước cái chết, bà kêu gọi đồng bào: “Hãy tiếp tục đấu tranh, đánh đuổi được đế quốc Pháp thì dân cày mới có ruộng. Khởi nghĩa lần này thất bại, lần sau sẽ thành công...”; và năm chiến sĩ cách mạng cùng hô lớn:

- Đả đảo đế quốc Pháp!

- Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!

- Việt Nam độc lập muôn năm!

Gương hy sinh anh dũng của Nguyễn Thị Bảy và các chiến sĩ cộng sản bấy giờ đã gây xúc động lớn trong nhân dân, khiến đến cả Đốc phủ sứ Phan Văn Chương - nguyên hôm đó là Chủ quận Cần Giuộc trực tiếp chứng kiến cuộc xử bắn - về sau từ bỏ hàng ngũ địch, ra bưng biền đi theo kháng chiến, trở thành một nhân sĩ yêu nước. Thời 9 năm chống Pháp, đã có tài liệu phổ biến trong đoàn thể nêu cao tấm gương “Bà Hoàng Hậu Đỏ” để cổ vũ đồng bào Nam bộ chiến đấu.

Ngày nay, công tích bà Hoàng hậu đỏ - Nguyễn Thị Bảy được lưu danh trên bia đá đặt tại thị trấn Cần Giuộc; tên của bà từ lâu đã được UBND tỉnh Long An ra quyết định đặt thành tên đường tại tỉnh lỵ Long An (nay là TP.Tân An). Năm 2010, bà được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (Quyết định số 212- QĐ/CTN, ngày 23-2-2010, do Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký)./.

Long Thái

(*) Chín người con là: thứ hai, Nguyễn Khắc Thành; thứ ba, Nguyễn Khắc Giảng; thứ tư, Nguyễn Khắc Khiêm; thứ năm, Nguyễn Thị Nhường; thứ sáu, Nguyễn Khắc Hòa; thứ bảy, Nguyễn Thị Lục (tức Nguyễn Thị Bảy); thứ tám, Nguyễn Khắc Luật (giấy tờ sau đổi Nguyễn Văn Luật); thứ chín, Nguyễn Thị Diều; thứ mười, Nguyễn Thị Mười. (Theo tư liệu Trần Ngọc Thành, qua lời kể của ông Nguyễn Khắc Luật, 27-7-1988).

Chia sẻ bài viết