Tiếng Việt | English

02/10/2019 - 08:52

“Học không bao giờ cùng”

Hôm nay, ngày 02/10, là Ngày Khuyến học Việt Nam. Việc sớm có Ngày Khuyến học (năm 2008) khẳng định giá trị và truyền thống hiếu học của người Việt Nam. Truyền thống này luôn đồng hành cùng dân tộc trong suốt lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù thời bình, thời chiến hay trong đêm trường bị đô hộ, người Việt vẫn nuôi chí học hành. Việc học chữ luôn gắn liền với học làm người, phục vụ xã hội, xây dựng đất nước. Chính vì vậy, ngay sau khi giành được chính quyền về tay nhân dân sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thế nước đang “nghìn cân treo sợi tóc”,Bác Hồ và Chính phủ lâm thời vẫn quan tâm phát động phong trào Bình dân học vụ để xóa giặc dốt cùng tiến hành với chống giặc ngoại xâm và giặc đói. Tư tưởng “Học không bao giờ cùng” của Bác Hồ và “Học, học nữa, học mãi” của Lê Nin luôn là kim chỉ nam cho mọi người trong thi đua học tập.

Sau nhiều năm thực hiện mô hình gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học để xây dựng xã hội học tập từ cơ sở, Hội Khuyến học các cấp tiếp tục xây dựng, thực hiện các mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập, tổ dân phố học tập, đơn vị học tập trên địa bàn xã, phường, thị trấn. Công tác khuyến học, khuyến tài hướng tới việc xây dựng xã hội học tập trong nền kinh tế tri thức góp phần nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Để có được một phong trào học tập suốt đời trong nhân dân và xây dựng xã hội học tập, Đảng ta yêu cầu cán bộ cấp ủy và đảng viên phải gương mẫu thực hiện. Phấn đấu mỗi tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên và gia đình cán bộ, đảng viên trở thành đơn vị học tập, công dân học tập và gia đình học tập, làm nòng cốt xây dựng các mô hình học tập trong nhân dân.

Hiện nay chúng ta đang ở thời đại công nghiệp 4.0, việc học tập suốt đời đóng vai trò hết sức quan trọng. Có học tập suốt đời, người công nhân mới làm chủ máy móc, công nghệ, lao động sáng tạo, tăng năng suất, hiệu quả lao động, trở thành những bàn tay vàng. Người nông dân mới có đủ kiến thức, hiểu biết để áp dụng khoa học - kỹ thuật vào quá trình canh tác, làm chủ nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo ra những sản phẩm chất lượng, năng suất cao. Có học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ,… thì người công chức, viên chức mới có thể làm tốt nhiệm vụ được tổ chức phân công. Do vậy, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là một nội dung quan trong trong xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.

Mỗi người dân đều phải học tập suốt đời là cơ sở để xây dựng đơn vị học tập, xã hội học tập. “Học, học nữa, học mãi”!

Kim Quy

Chia sẻ bài viết