Tiếng Việt | English

13/07/2015 - 08:44

“Một chuyến đi” đưa hồn Việt tới Berlin

“Một chuyến đi” (A voyage) là tên của triển lãm của các nhà tạo hình đến từ Việt Nam đang gây được tiếng vang tại Berlin (CHLB Đức).

 Khán giả Đức ngạc nhiên về sự hiện đại trong các nét vẽ về "hồn quê, hồn phố" Việt Nam. Triển lãm mở cửa từ ngày 4/7 đến hết ngày 10/7/015 tại Viethaus, Berlin.

Năm 2015, năm đánh dấu một chặng đường 40 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước CHXHCN Việt Nam và CHLB Đức được chính thức thiết lập.

Nhân dịp này, Đại sứ quán Việt Nam tại LB Đức tổ chức một chương trình bao gồm nhiều hoạt động Văn hóa nhằm giới thiệu về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam với bè bạn Đức.

Để hưởng ứng những hoạt động này, Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại LB Đức vừa tổ chức khai trương cuộc triển lãm trưng bày các tác phẩm nghệ thuật tạo hình ­ hội họa và điêu khắc ­ Việt Nam tại ngôi nhà Việt (Viethaus) Berlin với tên gọi “A VOYAGE” (Một chuyến đi).

Đây là một triển lãm tuyển chọn các tác phẩm của 8 hoạ sĩ, nghệ nhân, nhà điêu khắc nổi tiếng đến từ Việt Nam. Điều đặc biệt là những nghệ sĩ thuộc các thế hệ khác nhau, từ những năm 1940 đến 1970, mỗi thập niên có 2 gương mặt nghệ sĩ đại diện tham gia cuộc triển lãm này: Nhà điiêu khắc Phạm Văn Hạng (1942), Họa sỹ Thành Chương (1949), họa sỹ Bùi Phan Trung Dũng (1956), nhà điêu khác Đào Châu Hải (1955), họa sỹ Phan An Hải (1967), họa sỹ Đỗ Lê Hoàng (1977), họa sỹ Lê Anh Quân (1977) và nhà điêu khắc Vương Văn Thạo (1969).


Nhà điêu khắc Vương Văn Thạo giới thiệu tác phẩm "Hoá thạch" của anh với người xem.

Đây là những thế hệ nghệ sĩ đang thuộc lứa "chín" nhất đang hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật tạo hình ở Việt Nam. Chính vì vậy, một góc độ nào đó, thông qua các tác phẩm của 8 tác giả, người xem có thể chiêm ngưỡng các phong cách của nền nghệ thuật tạo hình đương đại ở Việt Nam qua các tác phẩm của những tác giả tại triển lãm này.

Ở tại triển lãm này, người xem có thể chiêm lãm các tác phẩm đặc trưng phong cách của hoạ sĩ Thành Chương với các tác phẩm sơn mài. Sơn mài vốn dĩ là chất liệu duy chỉ có giới hoạ sĩ Việt Nam sử dụng, cộng với sự dụng công của hoạ sĩ tài năng này đã chế tác ra nhiều gam màu khác nhau, tạo nên nét riêng khiến cho những bức tranh của anh cuốn hút người xem.


Hoạ sĩ Thành Chương với các tác phẩm sơn mài

Bên cạnh đó, ở phòng tranh này, người xem cũng có thể chiêm ngưỡng các tác phẩm điêu khắc của điêu khắc gia lão luyện Phạm Văn Hạng, tác giả của bản thiết kế Cầu Rồng (Đà Nẵng); bắt gặp các đường mang đậm dấu ấn của “dân” kiến trúc (được đưa vào tranh) của họa sĩ Đỗ Lê Hoàng. Đâu đó trong những đường nét sắc màu phố thị, người ta có thể nhận ra một dấu ấn đặc trưng của Phạm Văn Hải.v.v...
Những “chất liệu Việt” trong các tác phẩm được truyền tải bằng các thủ pháp, tay nghề hiện đại và cá tính đã làm cho những người xem thán phục và ngưỡng mộ. Điều dễ nhận thấy trong các tác phẩm của các nghệ sĩ, dù đó là những tác phẩm thuộc trường phái trừu tượng, đó là dễ gợi cho người xem cảm giác về đất nước, con người Việt Nam.

TS.KTS Phạm Ngọc Kỳ, CT Hội DNVN tại Đức, đơn vị tổ chức cho biết:“Có thể các nghệ sỹ có tác phẩm trưng bày tại cuộc triển lãm này chưa phải là những nghệ sỹ tiêu biểu nhất của mỹ thuật Việt Nam nhưng chúng tôi hy vọng, qua triển lãm này, người xem sẽ hình dung được phần nào bức tranh toàn cảnh, cũng như sự diễn biến tinh thần trong dòng chảy văn hoá của Mỹ thuật Việt Nam đương đại“.

Chia sẻ với báo giới, họa sỹ Phan An Hải, trưởng đoàn nói:“Mục đích của chuyến đi lần này là nhằm giớ thiệu cho người Đức và đặc biệt cho cộng đồng người Việt ở Đức một phần diện mạo nghệ thật tạo hình Việt Nam đương đại“.

Họa sỹ Thành Chương lại muốn:“Đem những hình ảnh của Việt Nam thông qua hội họa, tạo hình đến với người Việt xa xứ để họ gần gũi hơn với quê hương ngay trên mảnh đất họ đang sinh sống“.

Trong không khí ấm áp, thân tình của buổi khai trương, các nghệ sỹ đến từ Việt Nam như thấy mình đang sống giữa quê hương với những tình cảm của những người thân.

Ông Phạm Việt Chiến, Tham tán Công sứ, bà Nguyễn Thị Bích Thảo Bí thư thứ nhất ĐSQ cùng đại diện một số tổ chức, hội đoàn, báo chí, các nhân sỹ, trí thức, doanh nhân và bà con người Việt đã tới dự buổi khai trương cùng nghe từng nghệ sỹ giới thiệu các tác phẩm được trưng bày.

Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Phạm Việt Chiến cho biết:“Việc giới thiệu phòng tranh này, cũng như buổi giới thiệu văn hóa Việt tối hôm 02/07 vừa qua là những sự kiện thiết thực kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt ­ Đức. Chúng tôi muốn giới thiệu những nét đặc sắc của văn hóa Việt đến với người Đức và cả những bà con xa quê lâu ngày không có dịp thưởng thức. Cũng qua đó thắt chặt quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Cũng là dịp để bà con mình tiếp xúc với những chương trình văn hóa, văn nghệ ngay trên nước Đức, tạo điều kiện cho người Việt thói quen hội nhập về văn hóa với xã hội nước sở tại“.

Một khán giả, anh Lê Ngọc Sơn, nghiên cứu sinh ngành truyền thông đến từ vùng Ilmenau vui vẻ chia sẻ:“Phòng tranh là một hoạt động rất hữu ích cho cộng đồng nhất là với lớp trẻ đang sinh sống, học tập tại CHLB Đức. Ngoài giúp cho lớp trẻ gắn bó với quê hương đây cũng là dịp các bạn trẻ hiểu thêm về văn hóa Việt. Các bức tranh, tượng không chỉ mang dấu ấn Việt mà còn tiếp thu những tinh hoa của nền hội họa Thế giới nên rất gần gũi với lớp trẻ dù sinh ra, lớn lên tại đây“./.

Hùng Sơn/CTV VOV.VN. ảnh: Văn Tất Thắng
từ CHLB Đức

Chia sẻ bài viết