Tiếng Việt | English

20/06/2019 - 14:04

“Phóng viên” đa năng

Bằng tình yêu nghề, những “phóng viên” công tác tại Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Truyền thanh các huyện, thị xã, thành phố, hàng ngày sản xuất ra những chương trình phát thanh, truyền hình chất lượng phục vụ khán, thính giả; thậm chí họ còn kiêm luôn việc bảo dưỡng, bảo trì, sửa chữa hệ thống loa phát thanh. Nói về những người đưa tin ở cơ sở đầy nhiệt huyết này, nhiều người vẫn miêu tả họ là “phóng viên” đa năng, lắm tài.

Quỳnh Trang đang tác nghiệp

Quỳnh Trang đang tác nghiệp

Nữ “phóng viên” xông xáo

Nói đến nữ “phóng viên” Nguyễn Thị Quỳnh Trang (32 tuổi), công tác tại Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Truyền thanh huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, đồng nghiệp vẫn thường khen đó là người nhiệt tình, trách nhiệm, xông xáo với công việc. Một mình vừa quay phim, vừa phỏng vấn, vừa viết, Quỳnh Trang cho ra những sản phẩm báo chí tốt.

Nhiều sản phẩm báo chí ra đời không phải chỉ một sớm, một chiều mà Quỳnh Trang đã phải thức thâu đêm và cả một quá trình “thai nghén”. Mỗi khi bấm máy quay, Quỳnh Trang đều toàn tâm, toàn ý để có khung hình đẹp, sinh động, những cảnh quay chân thực truyền tải được thông điệp cần gửi gắm. “Sau mỗi tác phẩm tôi luôn lắng nghe những lời đóng góp của đồng nghiệp, khán, thính giả từ cảnh quay đến lời bình để rút ra những bài học kinh nghiệm” - Quỳnh Trang cho biết.

Dù là người trực tiếp viết tin, bài, quay phim cho đến dựng phim nhưng trên thực tế, những người công tác tại trung tâm như Quỳnh Trang vẫn chưa được gọi là phóng viên, nhà báo. Thế nhưng họ luôn cháy hết mình với công việc.

Cũng từ sự đam mê với nghề nên hơn 10 năm về làm người đưa tin ở huyện, Quỳnh Trang chưa bao giờ nản lòng với công việc đã chọn, ngược lại càng làm lại càng thêm yêu thích và dấn thân với công việc. “Mình yêu thích công việc này cũng vì hợp với tính cách, được đi đây, đi đó, giao lưu với nhiều người và tiếp cận với nhiều nguồn tin khác nhau” - Quỳnh Trang chia sẻ.

Khi chúng tôi hỏi về những kỷ niệm vui, buồn với nghề, Quỳnh Trang cho biết, nghề này có nhiều chuyện để kể. Do tính chất công việc nên nhiều khi đang ăn, đi chơi với con cũng phải chạy về đi quay phim, đưa tin một vụ cháy hay vụ việc gì đó đang xảy ra. Ðó còn là những lần đi làm ban đêm một mình, qua nơi vắng vẻ nên rất sợ; quay phim, phỏng vấn cả ngày bụng đói cồn cào; hay rất nhiều lần cả ngày không nghỉ ngơi mà lo dựng phim, viết tin, bài cho kịp phát chương trình...

Quỳnh Trang chia sẻ thêm, với tính chất công việc nên bản thân cũng được nhiều người quý mến. Nhiều khi thấy Quỳnh Trang làm việc vất vả, mệt nhọc, nhiều người động viên. Quỳnh Trang thổ lộ, mỗi lần như thế, bản thân thấy rất vui, đó còn là động lực để tiếp thêm lửa nghề.

Tuy nhiên, đằng sau những niềm vui cũng có những nỗi buồn. Đó là có những lần đi quay phim, dù đã hẹn trước và nhận được sự đồng ý nhưng khi đến nơi bật máy quay lên là nhân vật nhất quyết từ chối, không trả lời phỏng vấn. Có nhiều lần hẹn đi quay cảnh sản xuất cây trồng, chăn nuôi, nhưng đến nơi chủ nhà không cho quay. Có trường hợp bị trách móc và bị quy kết vì mình quay đưa lên tivi nên sản xuất bị ảnh hưởng…

Ngoài những tin tức thời sự, sản xuất, Quỳnh Trang cho biết, công việc cũng giúp cô gặp gỡ được nhiều nhân vật, hoàn cảnh khó khăn, éo le trong cuộc sống. Dù là người mạnh mẽ, luôn xông pha nơi gian khó, không ngại vất vả nhưng đứng trước những hoàn cảnh đó, Quỳnh Trang nhiều lần rơi nước mắt. Có những lần, trong túi có 500.000 đồng nhưng Quỳnh Trang sẵn sàng tặng hết cho nhân vật.

Cũng từ sự đa chiều của công việc nên Quỳnh Trang luôn tìm được sự mới mẻ trong các tác phẩm báo chí của mình, dù có những đề tài không còn mới. Qua trò chuyện, tôi thấy ở nữ “phóng viên” Quỳnh Trang đang có nhiều ấp ủ, dự định với nghề. Tin rằng, Quỳnh Trang tiếp tục có nhiều tác phẩm hay từ thực tế cuộc sống, thu hút được khán, thính giả, bạn đọc.

“Làm việc trên trời”

Anh Nguyễn Kim Nhạn (SN 1977) viên chức của Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Truyền thanh huyện Tân Thạnh, có 20 năm làm nghề phát thanh ở nông thôn. Anh Nhạn chia sẻ, trong thời đại công nghệ, có quá nhiều điều kiện thuận lợi để người dân tiếp nhận thông tin với những phương tiện thông tin khác nhau nhưng dù hiện đại thế nào, với địa phương nơi anh Nhạn công tác thì loa phát thanh vẫn là người bạn gần gũi của cán bộ, người dân. Trong đó, anh là người đang góp phần đưa những thông tin bổ ích truyền tải qua chiếc loa đến với người dân. “Loa phát thanh như người bạn tâm tình. Mỗi sáng, mỗi chiều, loa phát thanh là công cụ giúp mọi người nắm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiều thông tin quan trọng khác, trong đó có những thông tin phục vụ sản xuất” - anh Nhạn chia sẻ thêm.

Tưởng làm phát thanh nông thôn như anh Nhạn là công việc nhàn hạ nhưng thực tế lại hoàn toàn khác. Ngoài nhiệm vụ đi thu thập thông tin để phát trên hệ thống truyền thanh ở huyện, trực phát thanh (phát bản tin ở đơn vị sản xuất, tiếp sóng đài tỉnh, Trung ương), anh còn quay phim, dựng phim, viết tin bài cộng tác cho Đài Phát thanh và Truyền hình Long An, Báo Long An... Cũng vì đặc thù này nên những người cán bộ truyền thanh như anh Nhạn luôn được biết đến là những “phóng viên” đa năng, lắm tài.

Anh Nguyễn Kim Nhạn thường xuyên trèo lên cao sửa chữa hệ thống loa phát thanh

Anh Nguyễn Kim Nhạn thường xuyên trèo lên cao sửa chữa hệ thống loa phát thanh

Trò chuyện với chúng tôi, anh khoe, đã ráp xong bộ máy FM thu phát tự động, hay còn gọi là hệ thống truyền thanh không dây. Theo anh Nhạn, trước đây, đến giờ phát thanh thì phải có người trực mở máy, nhưng hệ thống FM tự động sẽ tự động tắt - mở. Thời đại 4.0 nên đài huyện cũng phải cải tiến, nâng cấp để phục vụ người dân tốt hơn.

Đặc biệt, nói đến anh Nhạn thì phải nói đến công việc một chuyên gia bảo trì, sửa chữa, thay thế các loa phát thanh trên địa bàn huyện. Hiện hệ thống các loa phát thanh ở khắp các xã, ấp trong huyện Tân Thạnh hư hỏng, hoặc cần bảo dưỡng, bảo trì là anh có mặt hỗ trợ, giúp đỡ. “Đừng tưởng dễ làm, ngược lại công việc này còn đi kèm với nhiều nguy hiểm, rủi ro. Bởi các loa được gắn trên những trụ điện, trụ viễn thông có khi cao đến gần 40m. Để leo trèo với độ cao này thì đòi hỏi mình cũng phải có sự gan lì và cẩn thận, nhất là dây thắt an toàn” - anh Nhạn nói.

Anh kể, có một lần trèo lên cột điện để sửa loa thì bị điện giật nhưng may mắn chỉ bị nhẹ. Nhưng đó là một “kỷ niệm” nhớ đời để anh cẩn thận hơn trong những lần khác. Anh Nhạn nói, leo trèo sửa loa phát thanh nhiều lần nên cũng có những cảm xúc khác lấn át đi nỗi sợ. Đôi khi từ trên cao nhìn xuống mặt đất, anh bị thu hút bởi hình ảnh những cánh đồng lúa, dòng kênh uốn lượn trải dài tít tắp. “Có những người vẫn gọi tôi là người ăn cơm mặt đất, làm việc trên trời” - anh cười./.

Lam Hồng

Chia sẻ bài viết