Tiếng Việt | English

19/04/2019 - 08:28

“Sách - hành trang tri thức, khơi nguồn sáng tạo”

Ngày 21/4 hàng năm được Thủ tướng Chính phủ chọn làm Ngày Sách Việt Nam, điều này cho thấy Việt Nam là một quốc gia yêu sách, ham đọc sách. Qua đó, nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng và phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách.

Ngày Sách Việt Nam góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong đời sống, sách là sản phẩm văn hóa tinh thần phong phú, được con người tìm tòi sáng tạo ra từ lâu đời, cùng với chữ viết. Sách là kho tàng cung cấp nguồn tri thức vô tận, trên mọi lĩnh vực. Sách còn dạy chúng ta cách sống, hoàn thiện nhân cách, hướng tới những giá trị tốt đẹp. Và đọc sách đã trở thành một nhu cầu cần thiết không thể thiếu của mỗi thời đại, quốc gia, dân tộc và con người. Văn hóa đọc góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững.

Sách không chỉ cung cấp kiến thức mà còn giúp ta phát triển cảm xúc, hướng tới cái đẹp nuôi dưỡng tâm hồn. Đọc sách còn là trải nghiệm, giải trí, là thú vui tao nhã làm đẹp tâm hồn, góp phần tích lũy về văn hóa, vốn hiểu biết, kinh nghiệm sống; rèn luyện khả năng ngôn ngữ, giao tiếp, trí tưởng tượng, sáng tạo, giúp người đọc cảm thụ, suy ngẫm và có những góc nhìn mới về cuộc sống.

Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin hiện nay, nhiều người, nhất là giới trẻ đang mất dần thói quen đọc sách. Việc tra cứu thông tin nhanh chóng, dễ dàng từ Internet, thiết bị di động đã làm cho văn hóa đọc dần bị mai một. Một số người trẻ chỉ thích đọc truyện tranh với ngôn từ ngắn ngủn, thiếu cái đẹp của văn chương, không làm phong phú tâm hồn và sự cảm thụ văn học. Nhiều người trẻ đắm mình trong thế giới ảo của mạng xã hội, quên đi những điều tốt đẹp, bổ ích từ đọc sách. Nhiều người khác phải vất vả mưu sinh, không có thời gian, điều kiện để đọc sách. Mặt khác, giá sách cũng là một vấn đề làm khó giới trẻ là sinh viên, học sinh. Sách bán ở tiệm, quầy thường có nội dung mới, hay nhưng không vừa túi tiền sinh viên, còn sách trong các thư viện, bưu điện văn hóa thì ít, cũ, không được phong phú, đa dạng. Ngoài ra, việc quảng bá, thông tin, giới thiệu những đầu sách có giá trị để khơi dậy văn hóa đọc trong thanh niên cũng còn hạn chế.

Nhằm khơi dậy, khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, giới trẻ, hàng năm tổ chức Đoàn, hội, ngành giáo dục, văn hóa, thông tin phối hợp cùng các đơn vị, công ty phát hành sách, hệ thống thư viện tổ chức Hội sách nhân Ngày Sách Việt Nam (triển lãm sách, giới thiệu, bán sách giá ưu đãi, tặng sách, trưng bày sách hay, sách đẹp, phục vụ đọc sách miễn phí; hội thảo, nói chuyện, tọa đàm về sách; giao lưu giữa tác giả với độc giả,...). Tuy nhiên, những dịp tổ chức như thế này còn rất ít.

Ở nông thôn, bưu điện văn hóa xã, thư viện trường học vẫn là địa chỉ thân thiết cung cấp sách, báo nhưng sách ở những nơi này vừa ít, thiếu, vừa cũ, do vậy cần bổ sung thường xuyên và có hình thức khuyến khích người đọc. Qua Internet, các bạn trẻ có nhiều cách tiếp cận, bổ sung kiến thức và phục vụ nhu cầu giải trí của mình mà không phải mất nhiều thời gian đến nhà sách, bưu điện. Tuy nhiên, người lớn cần định hướng cho các em nên xem gì khi vào kho tàng khổng lồ, đa dạng trên mạng.

Sách là người bạn tốt của mỗi chúng ta!

Kim Quy

Chia sẻ bài viết