Tiếng Việt | English

10/12/2018 - 11:09

“Tam nông” khởi sắc

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Long An đạt nhiều kết quả nổi bật, KT-XH nông thôn được cải thiện rõ rệt. Nông nghiệp không ngừng phát triển, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tích cực.

Sức bật mới

Cây lúa vẫn là cây trồng chủ lực của tỉnh. Diện tích gieo sạ năm 2017 hơn 526.000ha (tăng hơn 70.000ha so với năm 2008), năng suất bình quân đạt 50,3 tạ/ha (tăng 2,63 tạ/ha so với năm 2008), sản lượng đạt 2,64 triệu tấn. Trong đó, lúa chất lượng cao đạt 1,2 triệu tấn, chiếm 45,5% tổng sản lượng lúa.

Năm 2017, rau màu các loại có diện tích gần 14.000ha (tăng hơn 5.000ha so với năm 2008); cây thanh long hơn 9.000ha (tăng 7.100ha so với năm 2008) và cây chanh hơn 8.300ha (tăng hơn 6.500ha so với năm 2008). Hoạt động chăn nuôi trong thời gian gần đây phát triển theo hướng trang trại tập trung, ứng dụng công nghệ cao. Diện tích nuôi thủy sản năm 2017 gần 9.200ha, sản lượng đạt gần 46.000 tấn (tăng gần 18.000 tấn so với năm 2008).

Lúa vẫn là cây chủ lực, năng suất, chất lượng ngày càng tăng

Các vùng sản xuất hàng hóa nông sản tập trung phù hợp với lợi thế của từng vùng sinh thái được hình thành (vùng sản xuất lúa chất lượng cao, vùng phát triển cây công nghiệp, cây ăn trái, vùng nuôi thủy sản nước lợ, vùng trồng rau an toàn,...). Anh Ngân Văn Phi, ngụ xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng, phấn khởi: “Nhờ chính quyền địa phương hỗ trợ khoa học - kỹ thuật và chuyển đổi cây trồng, vật nuôi đúng hướng, từ đó giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất,... đời sống người dân ngày càng được nâng lên”. 

Đến nay, toàn tỉnh có 68 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), chiếm trên 40,9%, số tiêu chí (TC) đạt bình quân là 14,7 (tăng 8,2 TC so với khi mới thực hiện chương trình). Xây dựng NTM, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên; an ninh, trật tự ổn định. 

Các công trình, dự án thủy lợi được đầu tư khá đồng bộ và theo hướng đa mục tiêu, phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp. Hệ thống giao thông nông thôn có bước phát triển cơ bản, đến nay, toàn tỉnh có 7.400km đường giao thông nông thôn (tăng hơn 2.800km so với năm 2008), các đường giao thông trục xã, trục ấp phát triển đồng bộ bảo đảm giao thông, đi lại thuận lợi quanh năm.

Ông Nguyễn Văn Bính, ngụ xã Bắc Hòa, huyện Tân Thạnh, vui mừng nói: “Nông thôn giờ đây thay đổi lắm, điện, đường, trường, trạm, các thiết chế văn hóa,... được đầu tư xây dựng khang trang, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân”.

Bên cạnh đó, tỉnh luôn chú trọng tập trung nguồn lực thực hiện các chủ trương, chính sách, dự án giảm nghèo theo hướng bền vững và xã hội hóa, tạo điều kiện cho hộ nghèo ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. 10 năm qua, toàn tỉnh đào tạo nghề cho hơn 64.000 lao động nông thôn, 89,7% lao động có việc làm sau đào tạo. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, nếu như năm 2008, hộ nghèo chiếm 10,5% thì nay chỉ còn 2,92%. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn cũng được nâng lên nhiều, nếu như năm 2008 là 12 triệu đồng/người/năm thì đến năm 2017 là 39 triệu đồng/người/năm.

Nâng cao đời sống cư dân nông thôn

Bên cạnh những kết quả đã đạt trong 10 năm qua, việc thực hiện Nghị quyết số 26- NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh còn một số tồn tại: Công tác tuyên truyền, vận động người dân ở một số địa phương còn thiếu chiều sâu; tăng trưởng ngành nông nghiệp thiếu bền vững; quy mô sản xuất nhỏ, thiếu sự liên kết, hợp tác, kinh tế trang trại, tập thể chậm phát triển, mức độ ứng dụng công nghệ cao và khả năng liên kết với thị trường còn nhiều hạn chế; thu nhập vùng nông thôn có tăng nhưng vẫn còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhưng vẫn còn khá cao; việc huy động nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn còn nhiều khó khăn; trật tự, an toàn xã hội, tai nạn, tệ nạn xã hội vẫn còn diễn biến phức tạp ở một số nơi;...

Kết cấu hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư

Bí thư Huyện ủy Vĩnh Hưng - Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết: Bên cạnh những kết quả đã đạt, vẫn còn một số hạn chế: Nông nghiệp tăng trưởng chưa bền vững; một số mô hình ứng dụng công nghệ cao bước đầu hiệu quả nhưng khó triển khai nhân rộng do thiếu vốn, tính liên kết chưa thật sự bền vững; việc liên kết trong tiêu thụ sản phẩm còn gặp khó khăn, phụ thuộc nhiều vào thương lái, tình trạng “được mùa - rớt giá” vẫn diễn ra; kinh tế trang trại, kinh tế tập thể chậm phát triển. Kết cấu hạ tầng nông thôn chưa đồng bộ, nhất là giao thông, thủy lợi, điện phục vụ sản xuất. Việc huy động nguồn lực cho chương trình xây dựng NTM còn nhiều khó khăn; ngân sách đầu tư của Nhà nước còn thấp so với yêu cầu; vốn huy động trong dân còn hạn chế; hỗ trợ từ doanh nghiệp không nhiều;...

Theo Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh, thời gian tới, các cấp, các ngành cần tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong cả hệ thống chính trị. Tập trung xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững. Thực hiện hiệu quả chương trình ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đồng thời, chú trọng việc đổi mới bộ mặt nông thôn, xây dựng nông thôn có kết cấu hạ tầng KT-XH hiện đại, phấn đấu đến năm 2020 có trên 50% số xã đạt chuẩn NTM./.

Trung Kiên

Chia sẻ bài viết