Tiếng Việt | English

27/05/2017 - 13:07

“Thương người như thể thương thân”

“Bác Hồ có nhiều đức tính quý báu mà tôi cần học và làm theo, trong đó có lòng yêu thương con người.
Học Bác và quan niệm vị tha, từ bi hỉ xả của Phật giáo, việc gì tốt đẹp, giúp ích cho đời, cho những mảnh đời khó khăn thì tôi làm” - ni sư Thích nữ Diệu Nhàn - Trụ trì chùa Long Thành, chia sẻ về việc học tập và làm theo gương Bác.

 Chia sẻ với người nghèo

“Chùa Long Thành tọa lạc tại ấp Bình Tả 1, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An là ngôi chùa nhỏ nhưng luôn sẵn sàng chia sẻ khó khăn, nhọc nhằn với người nghèo” - ni sư Thích nữ Diệu Nhàn bộc bạch. Minh chứng cho tinh thần tương thân, tương ái, “lá lành đùm lá rách” ấy là chặng đường 10 năm làm từ thiện của ni sư cùng các phật tử.

Ni sư Thích nữ Diệu Nhàn – điển hình tiên tiến học và làm theo gương BácXuất thân từ gia đình có truyền thống cách mạng, lớn lên trong cảnh thiếu thốn, khó khăn, ni sư Thích nữ Diệu Nhàn hiểu nỗi vất vả của những hoàn cảnh nghèo khó. Khi trở thành Trụ trì chùa Long Thành, sau nhiều lần được quán triệt các chuyên đề về học tập và làm theo gương Bác, ni sư càng thấm nhuần.

“Tôi tâm đắc nhất chính là đức tính cần, kiệm, liêm, chính và lòng yêu thương con người của Bác. Giáo lý đạo Phật cũng vậy - hướng đến lòng từ bi hỉ xả, cứu khổ, cứu nạn nhằm xây dựng cuộc đời thuần mỹ, chí thiện, bình đẳng, yên vui và no ấm. Từ đó, những việc gì có thể giúp đời, giúp người thì tôi
làm hết khả năng của mình” - ni sư Thích nữ Diệu Nhàn chia sẻ thêm.

Với suy nghĩ ấy, từ sự ủng hộ của phật tử, mạnh thường quân, ni sư Thích nữ Diệu Nhàn tặng nhiều suất quà cho hộ nghèo. Năm 2016 đến nay, ni sư hỗ trợ trên 500 phần quà cho các hộ khó khăn,...

“Không những tặng quà vào dịp Tết Nguyên đán, các ngày rằm lớn mà hàng ngày, nếu có người bán vé số hoặc trường hợp nghèo khó tìm đến chùa, ni sư vẫn sẵn lòng giúp đỡ. Tấm lòng này không chỉ dành cho người nghèo của xã Đức Hòa Hạ mà còn có địa phương khác trong huyện. Từ những việc làm thiết thực, ni sư từng được biểu dương điển hình tiên tiến học tập và làm theo gương Bác cấp huyện” - Chủ tịch UBND xã Đức Hòa Hạ - Hồ Thanh Liêm cho biết. 

Ngoài ra, ni sư cùng các phật tử còn đến Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh thăm, tặng quà những mảnh đời kém may mắn. Đến đây, nhìn những cụ già neo đơn, những người không làm chủ bản thân vì căn bệnh tâm thần, ni sư nghẹn lòng.

“Mỗi lần đến thăm rồi ra về, hình ảnh những người ở trung tâm làm tôi ray rứt mãi. Chỉ mong, họ được nhiều người, tổ chức quan tâm, chia sẻ bằng những việc làm thiết thực”- ni sư Thích nữ Diệu Nhàn mong ước.

Sống tốt đời - Đẹp đạo

Không những tặng quà cho người nghèo, tại chùa Long Thành còn có bếp ăn từ thiện ra đời từ ý nguyện ấp ủ lâu ngày của ni sư. Ni sư Thích nữ Diệu Nhàn bảo rằng, khi xem tivi, thấy những bệnh nhân nghèo chữa trị dài ngày trong bệnh viện phải lo tiền ăn mỗi bữa nên ni sư ước muốn có một bếp ăn từ thiện để chia sẻ khó khăn với họ.

Ni sư Thích Nữ Diệu Nhàn chuẩn bị bếp ăn từ thiện

Năm 2006, bếp ăn từ thiện chùa Long Thành đi vào hoạt động. Hàng tuần, cứ vào thứ 6, ni sư cùng các chư ni trong chùa dậy sớm, đi chợ mua nguyên liệu về nấu 60 suất ăn chay.

Cách đây gần 2 năm, bếp ăn tăng 250 suất, mỗi suất trị giá 12.000 đồng, hỗ trợ bệnh nhân nghèo đang điều trị tại Phòng khám Đa khoa khu vực Đức Hòa và học sinh Trường THPT Đức Hòa. Với những người nghèo, học sinh xa nhà (buổi trưa ở lại trường), những bữa cơm chay như thế cũng ấm lòng!

Ni sư Thích nữ Diệu Nhàn tâm tình: “Lúc bếp ăn mới thành lập gặp rất nhiều khó khăn về nguyên liệu. Sau này, nhiều người biết đến nên phật tử, tiểu thương mang gạo, rau, củ,... tặng chùa thường xuyên hơn. Nhờ nhiều người góp sức, chung lòng nên bếp ăn duy trì đến bây giờ”.

Và, từ tấm gương ni sư tạo nên sự lan tỏa, phật tử chùa Long Thành như ông Nguyễn Văn Thượng, ngụ thị trấn Đức Hòa, cũng nấu ăn từ thiện vào thứ 5 hàng tuần, hỗ trợ bệnh nhân nghèo ở phòng khám và học sinh xa nhà, khó khăn. Lòng yêu thương, tinh thần học tập và làm theo gương Bác ngày càng lan tỏa!

Giờ đây, bước vào tuổi 70, không còn khỏe mạnh như trước nên ni sư Thích nữ Diệu Nhàn không trực tiếp đến phòng khám tặng từng suất cơm cho người nghèo mà chủ yếu do phật tử mang đến.

“Nhưng, thỉnh thoảng, tôi vẫn đến phòng khám thăm hỏi. Có lần, đi ngang giường bệnh, tôi thấy hộp cơm từ thiện của chùa đặt bên góc giường của một bệnh nhân lớn tuổi. Tôi lấy hộp cơm đưa tận tay người bệnh. Khi về, tôi giải thích cho mọi người “của cho không bằng cách cho nên khi tặng cơm bệnh nhân, phải trao tận tay. Làm việc thiện là tốt nhưng thái độ ân cần thì việc làm mới đúng nghĩa”” - ni sư Thích nữ Diệu Nhàn kể lại.

Tấm lòng “thương người như thể thương thân” của ni sư thật mênh mông! Chỉ cần còn sức, còn có thể giúp đỡ, sẻ chia với người nghèo, ni sư sẽ luôn đồng hành./.

Thùy Hương

Chia sẻ bài viết