Tiếng Việt | English

21/10/2015 - 15:04

“Tiền mồ hôi nước mắt của dân thất thoát là bài học đau xót”

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thái Học bày tỏ bức xúc về việc không thể thu hồi tài sản như vụ 1000 tỷ đồng ở Vinashin.

Trả lời phóng viên bên hành lang Quốc hội sáng 21/10, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thái Học- Trưởng Ban Nội chính Tỉnh uỷ Phú Yên cho biết, việc đưa các đại án tham nhũng ra xét xử thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước và các cơ quan hữu quan trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Điều này thể hiện tính nghiêm minh của luật pháp rằng khi những vụ việc đã phát hiện có tham nhũng thì chỉ đạo kiên quyết xử lý.

PV: Các báo cáo cho thấy công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua tuy có đạt kết quả nhưng chưa ngăn chặn và đẩy lùi được tham nhũng?

Đại biểu Nguyễn Thái Học: Mục tiêu của công tác phòng, chống tham nhũng là ngăn chặn và đẩy lùi. Nhưng Trung ương, Quốc hội vẫn nhìn nhận đánh và ngay trong báo cáo của Chính phủ cũng khẳng định chưa ngăn chặn đẩy lùi được tham nhũng.

Điều đó cho thấy giữa phát hiện, xử lý và thực trạng tham nhũng còn một khoảng cách rất lớn. Hành vi tham nhũng, vụ việc tham nhũng nhiều nhưng việc phát hiện xử lý chưa đáp ứng được yêu cầu.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thái Học trả lời báo chí sáng 21/10

PV: Theo đại biểu thì vì sao công tác phòng chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu?

Đại biểu Nguyễn Thái Học: Khâu quan trong nhất là phát hiện hành vi tham nhũng. Như Đảng nhìn nhận đánh giá, tham nhũng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng nhưng các vụ việc phát hiện, xem xét, xử lý thì rất ít.

PV: Tài sản tham nhũng cũng là vấn đề đặt ra. Hiện nay, tỷ lệ thu hồi tài sản rất thấp?

Đại biểu Nguyễn Thái Học: Đây là vấn đề khác tiếp theo sau vấn đề phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng. Phát hiện, xử lý là trừng trị người có hành vi tham nhũng. Còn thu hồi tài sản là biện pháp khắc phục những thiệt hại mà tài sản nhà nước thất thoát.

Muốn thu hồi được tài sản tham nhũng, khắc phục được thiệt hại cho nhà nước thì phải phát hiện ra vụ việc tham nhũng. Đồng thời, với phát hiện các hành vi tham nhũng thì phải thực hiện các biện pháp như kê biên tài sản một cách đồng loạt để tránh việc tẩu tán tài sản tham nhũng. Lâu nay, chúng ta phát hiện, xử lý rồi mới tiến hành thu hồi.

PV: Ông suy nghĩ gì khi cơ quan thi hành án trả lại đơn yêu cầu thi hành án gần 1.000 nghìn tỷ đồng trong vụ Vinashin do không thể thu hồi tài sản?

Đại biểu Nguyễn Thái Học: Cử tri, người dân và bản thân tôi khi nhận được thông tin này thấy rất buồn, bức xúc vì tài sản của Nhà nước bị thiệt hại như thế mà không thu hồi được.

Đây là mồ hồi lao động của người dân tạo nên tài sản của Nhà nước. Rõ ràng tài sản của người dân, tài sản của Nhà nước mà những người quản lý không hồi được là bài học đau xót.

PV: Hiện nay việc kê khai tài sản được cho là vẫn mang tính hình thức. Biện pháp nào để nâng cao hiệu quả kê khai, góp phần thu hồi tài sản khi phát hiện tham nhũng, thưa ông?

Đại biểu Nguyễn Thái Học: Phải công khai, minh bạch việc kê khai. Quan trọng phải tiến hành kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản.

Chúng ta vẫn quy định công khai, minh bạch nhưng việc kiểm tra, giám sát xem việc kê khai tài sản đó đúng hay không đúng và nếu không đúng là phải xử lý thì vẫn là khâu yếu.

Về kiểm soát thu nhập thì cũng đã có các quy định rồi, vấn đề là phải triển khai một cách đồng bộ. Nếu không đồng bộ thì cũng không giải quyết được vấn đề một cách căn cơ.

PV: Kỳ họp này Quốc hội sẽ thông qua một loạt các bộ luật, luật liên quan đến hoạt động tư pháp, trong đó có các quy định về phòng, chống tham nhũng. Đại biểu đánh giá như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Thái Học: Hệ thống pháp luật của chúng ta phục vụ cho công tác phòng, chống tham nhũng đã được chú trọng ban hành nhiều. Nhưng với các quy định hiện hành vẫn còn có kẽ hở cho những người lách luật, hoặc cố tình thực hiện hành vi vi phạm để thu vén cho cá nhân mình.

Cho nên, phải có sự rà soát, bổ sung những quy định, trong đó có cả Luật phòng, chống tham nhũng để làm sao hệ thống phát luật ban hành một cách đồng bộ và khi tổ chức triển khai thực hiện phải quyết liệt.

Vấn đề người dân mong muốn, kỳ vọng là đấu tranh phòng chống tham nhũng phải có sự chỉ đạo quyết liệt từ trung ương đến địa phương, nhất là ở các cơ quan địa phương, đơn vị vì trung ương đã quyết liệt rồi, đã có Ban chỉ đạo của trung ương rồi.

Nhưng sự vận hành bộ máy phòng, chống tham nhũng như thế nào một cách đồng bộ từ trung ương đến địa phương là vấn đề thời gian tới chúng ta phải quan tâm.

PV: Xin cảm ơn ông!/. 

Ngọc Thành/VOV.VN

Chia sẻ bài viết