Tiếng Việt | English

15/02/2018 - 13:22

“Tin xuân” cho du lịch Long An

Năm 2017 là năm vui với ngành du lịch (DL) Long An. Đề án “Quy hoạch tổng thể phát triển DL vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” được phê duyệt, trong đó có Long An và Chương trình số 37-Ctr/TU của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Phát triển DL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” ban hành là những “tin xuân”, mở ra cánh cửa mới cho ngành “công nghiệp không khói” của tỉnh.

“Muốn liên kết phải có sản phẩm”

Chủ tịch Lửa Việt tours, Giám đốc Công ty Tư vấn - Dịch vụ và Phát triển Du lịch CBT - Nguyễn Văn Mỹ khẳng định như vậy! Ông Mỹ nhấn mạnh: “Liên kết không hô hào suông mà phải có sản phẩm cụ thể, đặc trưng từng nơi. Các tỉnh trong vùng liên kết phải ngồi lại, xây dựng sản phẩm chung, có phân công, tránh trùng lắp; thống nhất cách làm, chia sẻ trách nhiệm và hợp lực từ điểm đến, ăn uống, dịch vụ,...”.

Long An xác định, một trong những sản phẩm đặc trưng là du lịch sinh thái điển hình vùng Đồng Tháp Mười, trong đó, Làng nổi Tân Lập, xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa là điểm nhấn

Long An xác định, một trong những sản phẩm đặc trưng là du lịch sinh thái điển hình vùng Đồng Tháp Mười, trong đó, Làng nổi Tân Lập, xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa là điểm nhấn

“Dù có sản phẩm DL nhưng điểm đến phải hoàn thành để thu hút khách tham quan. Đây là mấu chốt vực dậy DL Long An” - đại diện Công ty Cổ phần DL Bông Sen (Long An) nói. Khi các điểm DL hoàn chỉnh, việc liên kết tour, tuyến mới thành công, không làm du khách “thất vọng”. Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch - Nguyễn Thị Thủy: Long An hiện xây dựng các tuyến DL liên vùng, liên tỉnh: TP.HCM - Long An - Tiền Giang, TP.HCM - Long An - Đồng Tháp, TP.Tân An - Cần Thơ - các tỉnh ĐBSCL,...

Có thể thấy, trong các tuyến DL ấy, vai trò của TP.HCM rất quan trọng. Ngoài 3 tỉnh trong tiểu vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM) và 6 tỉnh cụm phía Đông vùng ĐBSCL, việc liên kết với TP.HCM sẽ tạo một thị trường lớn, kết nối và đẩy mạnh phát triển DL vùng ĐTM nói chung, tỉnh Long An nói riêng. Theo Phó Giám đốc Sở DL TP.HCM - Nguyễn Thị Ánh Hoa: “Đồng lúa, sông nước, vườn cây ăn trái, phong tục, tập quán, nét văn hóa và sinh hoạt cộng đồng của vùng ĐTM giống nhau nên nhiều người vẫn nói, đến một địa phương là biết sản phẩm DL những nơi còn lại. Nhưng, từng địa phương vẫn có đặc trưng riêng tạo sự độc đáo, thu hút du khách, nhất là du khách từ miền Bắc, Tây Nguyên và nước ngoài”.

Sản phẩm DL của 3 tỉnh trong tiểu vùng ĐTM: Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp tuy “na ná” nhưng đã được xác định, mang đặc trưng từng nơi. Nếu Đồng Tháp hấp dẫn du khách bởi làng hoa trải dài ngút mắt ở Sa Đéc hay vẻ nguyên sơ của thiên nhiên Vườn Quốc gia Tràm Chim thì Tiền Giang là mảnh đất của chợ nổi Cái Bè, cồn Thới Sơn,... và những vườn trái cây trĩu quả “nức tiếng” gần, xa: Xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn, sơ ri Gò Công,... “Còn Long An tập trung phát triển các sản phẩm DL đường thủy trên sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây và DL sinh thái điển hình vùng ĐTM; trong đó, Khu DL Làng nổi Tân Lập, Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát triển dược liệu ĐTM, Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen là điểm nhấn” - bà Nguyễn Thị Thủy thông tin.

Từ những đặc trưng này, theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, các địa phương trong tiểu vùng ĐTM nói chung, Long An nói riêng nên tạo sức hút bằng DL sông nước miệt vườn, DL văn hóa - lịch sử gắn làng nghề, du lịch homestay, tham quan, nghiên cứu giá trị văn hóa,... Muốn vậy, các địa phương hỗ trợ nhau cải tạo, nâng cấp các điểm DL hiện có thành chuỗi sản phẩm DL đặc trưng. Các doanh nghiệp DL cũng cần liên kết để khai thác tối đa thế mạnh từng địa phương, đưa ra chương trình cụ thể để có các sản phẩm trọn gói chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh, phù hợp từng đối tượng.

Muốn phát triển DL, Long An phải làm bật lên đặc trưng riêng trong chuỗi kết nối các sản phẩm DL, tránh trùng lắp với các địa phương trong vùng.

Tạo điểm nhấn

Lúc còn là Phó Chủ tịch UBND tỉnh, phụ trách lĩnh vực văn hóa, xã hội, ông Lê Tấn Dũng - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, từng chỉ ra những định hướng khả quan cho DL Long An. Ông nói: “DL Long An nên hướng vào DL sinh thái và trải nghiệm để thu hút du khách, nhất là đối tượng gia đình, người lớn tuổi, các bạn trẻ và cả trẻ em từ TP.HCM. Ở một số điểm DL nên tái hiện mô hình “Nam bộ thu nhỏ” với lối sống, sinh hoạt đặc trưng vùng sông nước và khai thác thành hoạt động trải nghiệm phục vụ du khách. Việc tát đìa bắt cá, dạy trồng lúa, năn, bàng, xúc cá lia thia, thi đá cá,... là những trò chơi thú vị, hấp dẫn du khách tìm đến. Những hoạt động dạy trồng lúa, năn,... có thể tổ chức thành cuộc thi, sau thời gian những loại cây này phát triển, tổ chức chấm điểm và trao thưởng để kích thích tính tò mò, “níu chân” du khách quay lại”.

Một trong những hoạt động du lịch sông nước

Một trong những hoạt động du lịch sông nước

Đó là những ý tưởng mới, tạo điểm nhấn cho DL Long An. Ngoài ra, phát triển DL cũng cần nguồn lực. Cùng với đội ngũ hướng dẫn viên được đào tạo bài bản, sự vào cuộc của công ty lữ hành, cộng đồng làm DL cũng rất quan trọng. Ở Đồng Tháp, người dân được dạy trồng hoa phục vụ DL hay tỉnh Tiền Giang, người dân tham gia dịch vụ homestay. Còn ở Long An, bà Nguyễn Thị Thủy cho biết: “Trong các giải pháp phát triển DL Long An, tỉnh cũng chú trọng tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, cộng đồng làm DL. Theo đó, tỉnh tạo điều kiện thuận lợi để người dân trực tiếp làm DL, hưởng lợi từ DL, có chính sách hỗ trợ phát triển DL cộng đồng”.

“Nhà nước và doanh nghiệp phải kết hợp, định hướng cho người dân sống gần điểm DL cùng làm DL theo kiểu “buôn có chợ, bán có phường” và tạo những sản phẩm DL truyền thống có chất lượng, mang giá trị văn hóa đặc thù của vùng, miền phục vụ du khách” - đại diện Công ty TNHH DL Tháp Mười chia sẻ về việc cộng đồng làm DL. Việc tham gia, làm ra sản phẩm phục vụ DL từ đôi tay, sự sáng tạo của người dân cũng tạo “điểm nhấn” riêng cho DL Long An như các địa phương khác từng làm.

Cảnh sông nước là một trong những điểm tương đồng của các tỉnh miền Tây Nam bộ; vì vậy, muốn phát triển du lịch, mỗi địa phương phải xây dựng sản phẩm đặc trưng của từng vùng

Cảnh sông nước là một trong những điểm tương đồng của các tỉnh miền Tây Nam bộ; vì vậy, muốn phát triển du lịch, mỗi địa phương phải xây dựng sản phẩm đặc trưng của từng vùng

Liên kết, xây dựng sản phẩm đặc trưng sẽ “mở lối, đưa đường” cho DL Long An cất cánh. Tất cả những điều này cùng với “Bộ quy tắc ứng xử văn minh DL trên địa bàn tỉnh” sẽ xây dựng hình ảnh đất và người Long An hiếu khách, văn minh, lịch sự trong phát triển DL.

Cùng với những giải pháp trên, công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu, thông tin DL, văn hóa, lễ hội, ẩm thực của tỉnh luôn được đẩy mạnh. Nhờ đó, lượng khách DL ngày càng tăng. Đến cuối năm 2017, có hơn 1,06 triệu lượt khách đến Long An, tăng 16%, trong đó có 15.000 lượt khách quốc tế, tăng 25% so với năm 2016. Doanh thu đạt 485 tỉ đồng, tăng 18% so với năm 2016./.

Du lịch Long An nên hướng vào du lịch sinh thái và trải nghiệm để thu hút du khách, nhất là đối tượng gia đình, người lớn tuổi, các bạn trẻ và cả trẻ em từ TP.HCM. Ở một số điểm du lịch nên tái hiện mô hình “Nam bộ thu nhỏ” với lối sống, sinh hoạt đặc trưng vùng sông nước và khai thác thành hoạt động trải nghiệm phục vụ du khách.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Lê Tấn Dũng

Thùy Hương

Chia sẻ bài viết