Tiếng Việt | English

23/07/2020 - 11:30

“Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ rồi!”

Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Châu Thành, tỉnh Long An lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra Nghị quyết Xây dựng huyện Châu Thành đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Đó là trọng trách lớn đặt lên vai tân Bí thư Huyện ủy - Trương Văn Biết. Năm 2019, Châu Thành thực hiện thành công nghị quyết đề ra, trở thành huyện NTM đầu tiên của tỉnh.

Ngày Châu Thành đón nhận danh hiệu huyện nông thôn mới, ông Trương Văn Biết cười rạng rỡ: “Coi như tôi hoàn thành nhiệm vụ rồi!”

Ngày Châu Thành đón nhận danh hiệu huyện nông thôn mới, ông Trương Văn Biết cười rạng rỡ: “Coi như tôi hoàn thành nhiệm vụ rồi!”

Sâu sát, thấu hiểu

Hơn 19 giờ, trời mưa rả rích, ngoài đường vắng người nhưng trong Nhà văn hóa ấp Bình Sơn, xã Bình Quới thì không khí lại hoàn toàn trái ngược. Nhà văn hóa sáng đèn, người ngồi chen kín. Họ dự buổi tiếp xúc cử tri của HĐND huyện. Micro được chuyền tay liên tục, người dân thay nhau nói, giãi bày những vấn đề khúc mắc trong cuộc sống. Chuyện con đường công cộng bỗng dưng bị bít lại, chuyện cống thoát nước chung mấy ngày mưa bị ngập úng, chuyện sản xuất thanh long,... đều được nói ra. Trên bàn đại biểu, Chủ tịch HĐND huyện - Trương Văn Biết cùng các đại biểu khác chăm chú lắng nghe và ghi chép. Ông Biết và tổ đại biểu hứa với người dân những vấn đề nào chưa thể giải trình sẽ ghi nhận và kiến nghị với UBND huyện giải quyết cho người dân trong thời gian sớm nhất.

Ngồi xa xa phía ngoài hành lang, ông Nguyễn Kim Hùng (ấp Bình Sơn) kể: “Ở đây tiếp xúc cử tri chủ yếu vào ban đêm vì ban ngày ai cũng đi làm. Cứ tiếp xúc cử tri là có ông Biết dự”. Với ông Biết, những cuộc tiếp xúc cử tri rất quan trọng, nếu không bận những chuyến công tác đột xuất, ông sẽ không vắng bao giờ. Mặc dù những buổi tiếp xúc cử tri của HĐND huyện diễn ra vào giờ nghỉ trưa hoặc buổi tối nhưng sau buổi làm việc, người dân đều mời ông lại dùng một bữa cơm. Những chia sẻ bên mâm cơm với vị Bí thư như cuộc chuyện trò của những người thân trong nhà nên những nông dân mộc mạc thường “nói hết ruột gan”. “Đi như vầy mới biết được thực tế dân đang khó chỗ nào, cần cái gì, như vậy mới có thể chỉ đạo sát sao và đúng thực tế được”, đó là kinh nghiệm ông rút ra trong suốt nhiệm kỳ làm Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện. Hiểu được dân nên chính sách, nghị quyết đề ra cũng hợp lòng dân: Nghị quyết thực hiện đề án sản xuất 2.000ha thanh long ứng dụng công nghệ cao, công trình đường T2, công trình cầu Vuông,… đều là những điều người dân mong mỏi.

Là đại biểu HĐND tỉnh, ông Biết từng ý kiến nhiều vấn đề bức xúc, góp phần thúc đẩy các cơ quan chức năng giải quyết nhanh hơn. Trạm biến áp 110kV Tầm Vu đưa vào sử dụng, giải quyết khó khăn về điện cho người dân Châu Thành, cũng có một phần công sức của ông Biết. Ông đã đem bức xúc của người trồng thanh long lên nghị trường, trình bày, chất vấn, thúc đẩy cơ quan chức năng sớm có động thái tháo gỡ giúp dân.

Quyết liệt

Có dịp dự những cuộc họp do ông chủ trì khi còn làm Bí thư Huyện ủy mới thấy sự quyết liệt và sâu sát của ông. Những vấn đề liên quan đến lợi ích của dân, chính sách, chương trình huyện đã đề ra, ông đều chỉ đạo địa phương thực hiện một cách ráo riết, không chấp nhận tâm lý chần chừ, e ngại.

Nắm rõ tình hình địa phương, ông chỉ đạo quyết liệt. Những vấn đề khó, ông trực tiếp bắt tay vào giải quyết. Giờ nhắc lại, người dân vẫn nhớ những cuộc làm việc mà Bí thư Huyện ủy trực tiếp có mặt. Đó là lần cưỡng chế thi hành án đấu giá tài sản để trả nợ. Người bị cưỡng chế có thái độ chống đối, hành xử liều lĩnh khiến cơ quan thi hành án gặp không ít khó khăn. Ông Biết có mặt, trực tiếp chỉ đạo các đơn vị phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, nhờ vậy tiến độ thi hành án được đảm bảo, trả lại công bằng cho người dân. Khi giải tỏa mặt bằng thi công các công trình giao thông, vài người dân lấn chiếm đất công và có thái độ chống đối, chính quyền địa phương không giải quyết được, Bí thư Huyện ủy - Trương Văn Biết tự mình vào cuộc. Giải tỏa xong, các công trình được thi công nhanh chóng. Những tuyến đường thẳng tắp, phẳng phiu thay đường đầy rẫy "ổ gà", những cây cầu giao thông rộng, vững chắc thay cho cầu cây gập ghềnh, nhỏ, hẹp làm nức lòng mong đợi của dân. Ông giải thích rằng: “Khi người dân làm sai, cán bộ ta làm đúng luật, đúng chức năng, vì lợi ích chung của tập thể thì phải kiên quyết, nếu không sẽ gây tâm lý bất bình. Mình làm đúng thì không có gì phải sợ!”.

Ông Trương Văn Biết chăm chú lắng nghe và ghi chép các ý kiến của cử tri

Ông Trương Văn Biết chăm chú lắng nghe và ghi chép các ý kiến của cử tri

Thái độ rốt ráo, quyết tâm đó cũng là một trong những lợi thế khiến Châu Thành tranh thủ được nhiều nguồn vốn đầu tư từ Trung ương. Châu Thành từ huyện thuần nông xuất phát điểm thấp giờ trở thành huyện NTM đầu tiên của tỉnh. Cách đây 5 năm, những tuyến đường chính của Châu Thành còn đầy rẫy "ổ voi", "ổ gà". Hệ thống cầu trên tuyến Đường tỉnh 827A, đường 30/4,… hầu hết là cầu gỗ có niên đại hàng mấy mươi năm. Người dân chủ yếu trồng lúa, đời sống còn nhiều khó khăn. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 62,5 triệu đồng/năm. Biệt thự mini mọc lên khắp các ngõ đường quê, đường sá đi lại thuận tiện, xe ô tô về tận nhà dân.

Từng là người lãnh đạo chủ chốt tại huyện, ông Biết nhận định rằng, kết quả đó là nhờ sức mạnh tổng hợp của cả một hệ thống chính trị mà quan trọng nhất là sự quyết liệt của chính quyền và sự đồng thuận của người dân. Dẫu biết sức mạnh trong dân là rất lớn nhưng không thể vì thế mà “trăm sự” đều dựa vào dân. Ông Biết tâm sự, suốt nhiệm kỳ ở vị trí Bí thư Huyện ủy, hầu như ông không cho mình ngày cuối tuần. 2 ngày nghỉ là thời điểm ông đi vận động kinh phí từ mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh. Hàng loạt công trình lớn tại địa phương được khởi công xây dựng tạo nên diện mạo mới cho Châu Thành và niềm hân hoan, phấn khởi trong dân đều mang đậm dấu ấn của nguyên Bí thư Huyện ủy - Trương Văn Biết.

Giờ sắp đến tuổi nghỉ hưu, ông thôi giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy. Ngày Châu Thành đón nhận danh hiệu huyện NTM, ông cười rạng rỡ: “Coi như tôi hoàn thành nhiệm vụ rồi!”./.

Phương Phương

Chia sẻ bài viết