Tiếng Việt | English

16/02/2018 - 16:09

“Trái ngọt” từ Nghị quyết 33

Các nẻo đường từ thành thị đến nông thôn đều khởi sắc! Ngoài sự đầu tư của Nhà nước, người dân cũng góp phần “thay áo mới” cho quê hương, tạo nên môi trường văn hóa lành mạnh. Đó là những con người với đức tính tốt đẹp, hướng đến chân - thiện - mỹ như tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014, Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

Nền tảng mùa xuân

Giáp tết, những mảnh đời khó khăn ở ấp Chánh, xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An lại được nhận quà. Những món quà tuy không nhiều về giá trị vật chất nhưng thể hiện tinh thần “Lá lành đùm lá rách”. Bà Đỗ Thị Xinh, ngụ ấp Chánh, xem việc làm này là niềm vui trong cuộc sống. “Tuy không giàu nhưng mấy năm nay, mỗi dịp tết tôi và các con góp tiền, mua vài phần quà tặng những mảnh đời khó khăn trong ấp” - bà Xinh chia sẻ.

Ý thức được trách nhiệm của mình, nhiều người dân tích cực đóng góp, cùng địa phương thực hiện thành công nhiều chủ trương, trong đó có làm đường giao thông nông thôn, góp phần thay đổi diện mạo làng quê

Ý thức được trách nhiệm của mình, nhiều người dân tích cực đóng góp, cùng địa phương thực hiện thành công nhiều chủ trương, trong đó có làm đường giao thông nông thôn, góp phần thay đổi diện mạo làng quê

Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp Chánh - Nguyễn Văn Phúc nói thêm: “Bà Xinh còn mua tập, sách tặng học sinh nghèo vào đầu năm học mới. Ngoài bà Xinh, ông Nguyễn Thanh Hải, bà Trần Thị Gái,... cũng tích cực tham gia công tác từ thiện - xã hội”. Đó là những tấm lòng thảo thơm với lối sống “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người" như Nghị quyết 33-NQ/TW nêu khi nói về nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện.

Những con người giàu lòng “nhân ái, nghĩa tình” là nền tảng mùa xuân vững chắc để xây dựng đời sống văn hóa. Nền tảng ấy còn là những người sống theo pháp luật và ý thức rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với gia đình, địa phương và xã hội. Bà Nguyễn Thị Thương, ngụ ấp Chánh, là một người như thế! 
84 tuổi, mái tóc bạc phơ nhưng bà Thương vẫn tích cực tham gia công tác ở ấp. Khi có chủ trương mở rộng, tráng nhựa tuyến đường trong ấp dài gần 3km, bà đi từng nhà vận động. “Có những hộ khi, tôi phải đi đôi ba lần, người dân mới đồng ý đóng góp. Cũng có trường hợp, trong nhà không có tiền, có 1 chỉ vàng họ cũng đem đi bán để góp làm đường. Thấy vậy, khi đường làm xong, tôi đề nghị, UBND xã tặng giấy khen cho hộ này” - bà Thương kể.

“Có lẽ, thấy bà lớn tuổi lại sống trách nhiệm, nghĩ đến lợi ích chung nên người dân được vận động đồng tình cao. Tính ra, mạnh thường quân và người dân đóng góp hơn 1,5 tỉ đồng làm tuyến đường này. Khi xây dựng Nhà Văn hóa ấp Chánh, thân tộc họ Nguyễn hiến 240m2 đất, tính theo giá đất bây giờ trị giá 1,8 tỉ đồng; người dân cũng góp 273 triệu đồng xây dựng và mua sắm trang thiết bị” - ông Phúc thông tin.

Khi nói về ấp Chánh, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Đức Hòa - Phùng Văn Đức đánh giá: “Ở ấp Chánh, không phải chỉ có những cá nhân thực hiện tốt Nghị quyết 33-NQ/TW mà là cả tập thể. Chính sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng này là sức mạnh xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, tạo môi trường văn hóa lành mạnh từ những con người như thế!”.

Không riêng ấp Chánh, các địa phương đều có sự tham gia tích cực của mọi người trong quá trình xây dựng, phát triển văn hóa. Ở xã Tân Lân, huyện Cần Đước, sức dân đóng góp vô cùng to lớn. Ông Nguyễn Thanh Danh, ngụ ấp Bà Chủ, từng là hộ khó khăn của xã nhưng nhờ cần cù, sáng tạo trong lao động, ông thoát nghèo và ổn định cuộc sống từ khi trồng rau màu. “Gia đình có 8.000m2 đất, trồng lúa không hiệu quả nên tôi học tập kinh nghiệm, tự nghiên cứu kỹ thuật chuyển đổi sang trồng rau màu. Nhờ đó, tôi có điều kiện sửa nhà, nuôi con học hành” - ông Danh chia sẻ. Cuộc sống khá giả, mỗi khi địa phương vận động đóng góp các loại quỹ, làm đường, ông đều tích cực tham gia. Ông từng hiến 100m2 đất làm đường ở ấp.

Con người văn hóa còn là những người giữ truyền thống tốt đẹp giữa nhịp sống hiện đại hôm nay. Nhà có 9 anh, chị, em và khi lập gia đình, mỗi người sống một nơi; xa nhất là anh trai đầu định cư ở Hoa Kỳ, còn lại ở một số tỉnh miền Tây và thị trấn Cần Đước, huyện Cần Đước. Dù vậy, nhưng mỗi độ xuân về, tết đến, đại gia đình lại quây quần bên nhau đông đủ vào ngày mùng 1 tết. “Mấy chục năm nay, gia đình tôi đều duy trì truyền thống này. Mấy anh, chị, em về chúc thọ mẹ, lì xì con cháu. Anh hai tôi dù sống ở nước ngoài, tiếp xúc nền văn minh ở xứ người nhưng vẫn giữ truyền thống ông cha nên các con của anh cũng vậy” - ông Nguyễn Văn Phục, ngụ thị trấn Cần Đước, chia sẻ. Giữ nếp nhà để tạo môi trường văn hóa từ gia đình, hướng con người phát triển toàn diện, sống nghĩa tình, tốt đẹp, là nền tảng vững chắc cho xã hội.

Góp phần xây dựng môi trường văn hóa

Năm 2017, có hơn 5.100 trường hợp được khen thưởng trên các lĩnh vực. Nhiều địa phương cũng xây dựng mô hình tiêu biểu trong xây dựng con người mới và mang lại hiệu quả: Người con hiếu thảo, Học sinh nghèo vượt khó, Phụ nữ hai giỏi, Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền,... Tất cả là “trái ngọt” sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW.

“Toàn tỉnh hiện có 97,6% hộ gia đình văn hóa; 98,2% ấp, khu phố văn hóa; 116/192 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn văn hóa, văn minh đô thị, đạt 60,4%. Việc người dân tham gia xây dựng xã văn hóa gắn với nông thôn mới tạo bước chuyển biến tích cực, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, khơi dậy tinh thần đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần” - Phó Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và Gia đình, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch - Trần Ngọc Thái cho biết.

Mặt khác, một số hoạt động trong đời sống văn hóa cũng chuyển biến tích cực từ con người văn hóa. Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch - Nguyễn Thị Thủy: Việc tổ chức lễ cưới phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc, tập quán của địa phương và điều kiện kinh tế gia đình. Việc tang được tổ chức chu đáo, trang nghiêm, cơ bản không còn hủ tục. Các lễ hội trong tỉnh diễn ra nghiêm túc, theo quy định pháp luật, đáp ứng nhu cầu đời sống tâm linh của người dân, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống và quảng bá đặc trưng văn hóa địa phương.

Giữa nắng xuân ấm áp, về vùng nông thôn hay đến thành thị, nơi nào cũng in dấu sự đóng góp của người dân - những con người văn hóa theo tinh thần Nghị quyết 33-NQ/TW. Những con người ấy kết nối, xây dựng cộng đồng văn hóa, cùng dệt nên mùa xuân vững chắc./.

Việc tổ chức lễ cưới phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc, tập quán của địa phương và điều kiện kinh tế gia đình. Việc tang được tổ chức chu đáo, trang nghiêm, cơ bản không còn hủ tục. Các lễ hội trong tỉnh diễn ra nghiêm túc, theo quy định pháp luật, đáp ứng nhu cầu đời sống tâm linh của người dân, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống và quảng bá đặc trưng văn hóa địa phương.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch - Nguyễn Thị Thủy

Nguyễn Ngọc

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích