Tiếng Việt | English

26/06/2019 - 11:26

10 năm thực hiện Chiến lược Phát triển văn hóa

Ngày 06/5/2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 581/QĐ-TTg về phê duyệt Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2020. Quyết định này như một “luồng gió mới” thúc đẩy sự nghiệp văn hóa của cả nước nói chung và Long An nói riêng không ngừng phát triển trong 10 năm qua. Nó gắn liền với việc tổ chức triển khai thực hiện 2 nghị quyết của 2 kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, X.

Sau 10 năm thực hiện Chiến lược Phát triển văn hóa gắn với triển khai thực hiện nghị quyết của 2 kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh, thành tựu nổi bật nhất là đầu tư xây dựng phát triển hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở (chủ yếu là cấp xã). Tính đến nay, toàn tỉnh có 144/192 trung tâm văn hóa - thể thao và học tập cộng đồng (TTVHTT&HTCĐ) cấp xã được xây mới với tổng kinh phí trên 500 tỉ đồng, có 1 hội trường trên 200 chỗ ngồi và các phòng chức năng. Nếu tính cả hội trường UBND một số xã và các cơ sở cũ được các địa phương sửa chữa, nâng cấp (kinh phí 100 tỉ đồng) thì đến nay, toàn tỉnh có 192/192 xã, phường, thị trấn có TTVHTT&HTCĐ (chỉ tiêu Chiến lược Phát triển văn hóa là 80%).

Việc đầu tư xây dựng nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng thể hiện sự quan tâm đặc biệt của tỉnh, qua đó góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân. Song song với đầu tư xây dựng TTVHTT&HTCĐ cấp xã, cơ chế chính sách, tổ chức bộ máy để vận hành thiết chế văn hóa này cũng được quan tâm. Ngày 06/02/2012, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 03/2012/QĐ-UBND về tổ chức và hoạt động TTVHTT&HTCĐ xã, phường, thị trấn. Đồng thời, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 79/2012/NQ-HĐND, ngày 07/12/2012 về phụ cấp kiêm nhiệm đối với ban giám đốc trung tâm. Đây là 2 văn bản được xem là “chìa khóa” để thiết chế văn hóa được vận hành, phát huy công năng. Đặc biệt, trong 3 năm (2017-2019), ngân sách tỉnh hỗ trợ 30 triệu đồng/năm/trung tâm để hoạt động. Với chức năng “3 trong 1” (vừa là hội trường UBND xã, vừa là trung tâm học tập cộng đồng do ngành giáo dục quản lý, vừa là trung tâm văn hóa - thể thao), TTVHTT&HTCĐ cấp xã thu hút nhiều tầng lớp nhân dân đến tham gia sinh hoạt, họp,... Trung tâm trở thành nơi mà hệ thống chính trị địa phương tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, nghị quyết, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến với nhân dân, nơi sinh hoạt cộng đồng dân cư, diễn ra nhiều hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể thao, qua đó nâng cao đời sống tinh thần và thắt chặt tình làng, nghĩa xóm.

Tuy nhiên, hiện nay, một số trung tâm chưa phát huy hết công năng. Nguyên nhân Đảng ủy, chính quyền một số địa phương chưa quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo thường xuyên. Ngoài ra, hơn 7 năm thực hiện Quyết định 03 của UBND tỉnh và Nghị quyết 79 của HĐND tỉnh bộc lộ những hạn chế, bất cập cần sửa đổi, nhất là sau khi thực hiện Đề án 02 của Tỉnh ủy. Nhiều trung tâm xây dựng liền kề hoặc trong khuôn viên UBND xã hoặc xa trung tâm xã, không thuận lợi để người dân đến sinh hoạt.

Để tiếp tục phát huy hiệu quả của trung tâm, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, đưa chỉ tiêu hoạt động của trung tâm vào nghị quyết của đảng ủy xã. Rà soát tổng thể hệ thống trung tâm trên địa bàn tỉnh để phân loại, đề ra chương trình, kế hoạch cụ thể trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ kinh phí, chuyên môn nghiệp vụ,... Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh và các trung tâm văn hóa - thông tin và truyền thanh các huyện, thị xã, thành phố tăng cường hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ đối với hệ thống trung tâm cấp xã. Đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa, từng bước thực hiện cơ chế tự chủ đối với hệ thống trung tâm cấp xã được xác định là đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của nhà nước./.

Trần Ngọc Thái

 

Chia sẻ bài viết