Tiếng Việt | English

27/09/2017 - 02:20

10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới: Phụ nữ ngày càng khẳng định vai trò, vị trí trong xã hội

Thời gian qua, Long An thực hiện tốt việc đưa Luật Bình đẳng giới (BĐG) đi vào cuộc sống và đạt nhiều kết quả: Phụ nữ (PN) không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tham gia vào công tác quản lý, làm chủ gia đình, tiếp cận các dịch vụ y tế, văn hóa,...

Đưa Luật Bình đẳng giới đi vào cuộc sống

Để triển khai Luật BĐG, UBND tỉnh ban hành nhiều quyết định, kế hoạch thực hiện Chương trình Quốc gia về BĐG và vì sự tiến bộ PN. Trên cơ sở đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có văn bản hướng dẫn các địa phương tổ chức triển khai thực hiện, xây dựng kế hoạch truyền thông về BĐG và hướng dẫn nghiệp vụ công tác BĐG cho các đơn vị, địa phương.

Sau thời gian triển khai, Luật BĐG được các cấp, các ngành thực hiện hiệu quả. Điểm nổi bật trong việc thực hiện Luật BĐG của Long An là xây dựng được nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, góp phần thay đổi nhận thức về giới, nhất là xóa dần quan niệm “trọng nam, khinh nữ”, giảm dần tình trạng PN và trẻ em gái bị bạo lực gia đình.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội thi Tìm hiểu pháp luật về Luật Bình đẳng giới

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Thị Bạch Huệ chia sẻ: “Từ khi triển khai Luật BĐG, vai trò của PN ngày càng được nâng lên và xóa bỏ dần khoảng cách về giới trên các lĩnh vực: Chính trị, y tế, giáo dục, gia đình,... Đặc biệt, trong lĩnh vực kinh tế, 10 năm qua, tỉnh đào tạo, bồi dưỡng 5.315/16.350 cán bộ nữ, chiếm 32,5%; giải quyết việc làm cho 332.503 lao động (nữ chiếm 53%), góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị xuống còn 3,55%; tuyển sinh đào tạo 115.098 lao động (nữ chiếm 38%), trong đó, dạy nghề cho lao động nông thôn có 13.560 nữ/40.180 người, chiếm 33,75%,...

Nhìn chung, khoảng cách về giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm giảm rõ rệt; PN nghèo ở nông thôn, PN vùng sâu, biên giới được tiếp cận các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động. Qua đó, xuất hiện nhiều mô hình mới và được duy trì trên địa bàn dân cư trong lĩnh vực BĐG ”.

Nhiều mô hình mới, cách làm sáng tạo

Năm 2013, phường 3, TP.Tân An được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chọn làm điểm thành lập mô hình Câu lạc bộ (CLB) Ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới và 9 địa chỉ tin cậy. Theo đó, CLB gồm 1 chủ nhiệm là phó chủ tịch UBND phường, 2 phó chủ nhiệm CLB là công chức văn hóa - xã hội và công chức lao động. CLB có sự tham gia của 15 cặp vợ chồng có nguy cơ bị bạo lực của 9 khu phố. Các thành viên tham gia sinh hoạt 1 lần/tháng, tìm hiểu về Luật BĐG, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình,... Ngoài ra, CLB còn tổ chức nhiều buổi nói chuyện chuyên đề về BĐG, thi hái hoa dân chủ, xử lý các tình huống mâu thuẫn trong gia đình,...

Phó Chủ tịch UBND phường 3 - Ngô Thanh Hùng cho biết: “CLB góp phần giúp người dân nâng cao nhận thức, có tinh thần trách nhiệm trong việc phòng, chống bạo lực gia đình. Nếu như năm 2012, toàn phường xảy ra 6 vụ bị bạo lực gia đình thì đến năm 2016 giảm còn 1 vụ”. Điển hình là trường hợp của bà Phạm Thị Giàu, ngụ khu phố 3. Trước đây, chồng bà thường tổ chức tiệc nhậu, có hành vi bạo lực gia đình. Mỗi lần như vậy, bà Giàu phải sang nhà hàng xóm trốn. Nhờ sự can thiệp của địa phương và sự hỗ trợ từ CLB, chồng bà bỏ được nhiều tật xấu và biết thương yêu, chăm sóc gia đình.

Bên cạnh CLB Ngăn ngừa và giảm tác hại của bạo lực trên cơ sở giới, đến nay, toàn tỉnh có 714 CLB gia đình phát triển bền vững với 10.636 thành viên và 980 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng. Ngoài ra, mô hình “Nam giới điểm 10” tiếp tục được phát động góp phần tác động đến nhận thức và hành động của mọi người trong việc tạo điều kiện cho nữ tham gia các hoạt động xã hội, được tham gia giải trí, chia sẻ công việc gia đình, cải thiện điều kiện sống và làm việc của PN.

Anh Trần Văn Thông luôn biết chia sẻ công việc gia đình cùng vợ, từ đó, vợ chồng anh sống rất hạnh phúcAnh Trần Văn Thông (giáo viên Trường THPT Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa) cho biết: “Vợ chồng tôi rất bình đẳng, chồng nói thì vợ nghe, vợ nói thì chồng nghe. Sau giờ làm việc, tôi sẵn lòng giúp vợ làm việc nhà, chăm sóc các con. Ngoài ra, tôi còn khuyến khích vợ tham gia các hoạt động bên ngoài xã hội để có thêm kinh nghiệm và vốn sống. Chính vì vậy, vợ chồng tôi luôn sống rất vui vẻ và hạnh phúc”.

Sau 10 năm triển khai Luật BĐG, nhận thức của các cấp, các ngành và người dân được nâng lên, góp phần xóa dần khoảng cách về giới, giảm bạo lực gia đình. Đặc biệt, PN ngày càng khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong xã hội./.

Theo báo cáo thống kê của các huyện, từ 2008-2016, chính quyền, các ngành chức năng và tổ hòa giải cơ sở hòa giải 2.033 vụ bạo lực gia đình (BLGĐ); đưa ra cộng đồng dân cư góp ý, phê bình 1.914 trường hợp BLGĐ; áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc 15 đối tượng có hành vi BLGĐ; áp dụng biện pháp giáo dục 89 đối tượng BLGĐ; xử phạt vi phạm hành chính 596 đối tượng BLGĐ; xử lý hình sự 69 đối tượng có hành vi BLGĐ nghiêm trọng.

Lê Ngọc 

Chia sẻ bài viết