Tiếng Việt | English

28/01/2017 - 10:25

2 chương trình đột phá, 3 công trình trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh Long An: Tầm nhìn - quy hoạch và giải pháp thực hiện

Năm 2016 kết thúc trọn vẹn với ý nghĩa là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh Long An (nhiệm kỳ 2015-2020). Tự hào với những kết quả quan trọng đã đạt trên tất cả các lĩnh vực, Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà đang sẵn sàng tâm thế bước vào năm mới - năm 2017 với quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tận dụng thời cơ, thuận lợi để tạo ra những thành công mới; trong đó, những chuyển biến tích cực của việc triển khai thực hiện 2 chương trình đột phá, 3 công trìnhtrọng điểm của Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh sẽ tạo nền tảng bảo đảm cho tỉnh phát triển nhanh và bền vững đúng như tinh thần Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh.

Bí Thư tỉnh ủy, Chủ tịch HÐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh (bìa trái) tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm rau an toàn tại Hội thảo Kết nối giao thương, tiêu thụ hàng hóa nông sản chủ lực của tỉnh. Ảnh: Kim Khánh

Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Long An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 xác định, tỉnh có 3 vùng kinh tế cơ bản: Vùng trọng điểm nông nghiệp, du lịch và kinh tế cửa khẩu (vùng 1); Vùng đệm giữa 2 con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây, phát triển kết hợp đô thị và nông thôn, giảm thiểu ô nhiễm cho sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây (vùng 2); Vùng kinh tế trọng điểm, tập trung phát triển công nghiệp, đô thị (vùng 3).

Nhằm tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho các vùng theo định hướng quy hoạch, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X bên cạnh việc xác định các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để định hướng cho sự phát triển của tỉnh nhà cũng quyết nghị 2 chương trình đột phá và 3 công trình trọng điểm có tác động trực tiếp đến sự phát triển của các vùng.

Phân vùng quy hoạch - 3 vùng kinh tế của tỉnh (Nguồn: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Long An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030)

Hoàn thiện hạ tầng giao thông

Long An có vị trí địa lý thuận lợi, nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cửa ngõ từ TP.HCM và miền Đông Nam bộ đi các tỉnh miền Tây Nam bộ và ngược lại; có biên giới, cửa khẩu, cảng sông ra biển, nhất là tiếp giáp với TP.HCM - trung tâm kinh tế lớn của cả nước, có nhiều điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh phát triển công nghiệp.

Từ những tiềm năng và lợi thế đó, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X xác định Chương trình huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh là 1 trong 2 chương trình đột phá mang ý nghĩa chiến lược, trọng điểm về phát triển kinh tế cần tập trung lãnh đạo triển khai thực hiện.

Chương trình với danh mục gồm 14 tuyến giao thông huyết mạch nằm trên địa bàn các huyện: Bến Lức, Đức Hòa, Cần Giuộc, Cần Đước, được quy hoạch kết nối đồng bộ đến các khu, cụm công nghiệp, đặc biệt kết nối đến Cảng Long An và kết nối với các tuyến giao thông của TP.HCM. Nguồn lực đầu tư các công trình chủ yếu từ ngân sách tỉnh, riêng đối với một số công trình ngoài hàng rào các khu, cụm công nghiệp sẽ huy động thêm sự đóng góp của các doanh nghiệp hưởng lợi trực tiếp từ dự án. Đến nay, triển khai thi công 7/14 công trình, các công trình còn lại đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.

Song song đó, tỉnh tập trung đầu tư 3 công trình trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh, gồm: Đường tỉnh 830 (đoạn Đức Hòa - Tân Tập) kết nối các huyện công nghiệp trọng điểm của tỉnh với Đường vành đai của TP.HCM, Quốc lộ 50 và Cảng Long An; Đường Vành đai TP.Tân An; Trục hạ tầng giao thông - đô thị kết nối với TP.HCM và tỉnh Tiền Giang.

Với quan điểm xem vốn đầu tư của Nhà nước là nguồn vốn “mồi” để huy động nguồn tài chính ngoài ngân sách nhà nước cùng tham gia, tỉnh phân từng công trình trọng điểm thành các dự án thành phần để kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư bằng nhiều hình thức nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Đến nay, các dự án thành phần đang trong quá trình lập hồ sơ dự án, lập quy hoạch phân khu chức năng, giải phóng mặt bằng,... Trong đó, Đường tỉnh 830 (đoạn từ Quốc lộ 1 đến Quốc lộ 50) triển khai thi công từ giữa năm 2016; Trục hạ tầng giao thông - đô thị kết nối với TP.HCM và tỉnh Tiền Giang cơ bản xác định được hướng tuyến; Đường Vành đai TP.Tân An bước đầu hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư.

Ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất để có vụ mùa bội thu. Ảnh: Huỳnh Nguyên

Chúng ta có thể vững tin rằng, nếu Chương trình huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh được triển khai hiệu quả gắn với việc bảo đảm tiến độ thực hiện 3 công trình trọng điểm của tỉnh, khi hoàn thành sẽ tạo thuận lợi, thông thoáng trong giao thương, tạo điều kiện đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp ở vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, từ đó, thúc đẩy kinh tế tỉnh phát triển nhanh, mạnh hơn trong thời gian tới.

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Với tiềm năng và thế mạnh của tỉnh, Long An hoàn toàn có thể phát triển mạnh mẽ trên lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC).

Hiện nay và trong thời gian tới, nông nghiệp vẫn là một bộ phận quan trọng trong cơ cấu kinh tế tỉnh, đất sản xuất nông nghiệp hiện chiếm trên 80% diện tích tự nhiên, dân số khu vực nông thôn trên 1,21 triệu người, chiếm gần 82% dân số tỉnh; tiềm năng để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp toàn diện còn rất lớn.

Từ thực tế đó, Đại hội X Đảng bộ tỉnh thống nhất chọn Chương trình phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp là 1 trong 2 chương trình đột phá của nhiệm kỳ. Các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu mà chương trình hướng đến là xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp ƯDCNC phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, có sức cạnh tranh cao, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; đáp ứng yêu cầu phát triển của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Tỉnh cũng chọn 3 cây trồng (lúa, rau, thanh long) và 1 vật nuôi (bò thịt) để thực hiện ƯDCNC vào các khâu của quy trình sản xuất. Theo đó, đến năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu có ít nhất 4 vùng sản xuất nông nghiệp ƯDCNC gồm: 20.000ha sản xuất lúa ở các huyện Đồng Tháp Mười; 2.000ha thanh long tại huyện Châu Thành; 2.000ha rau tại Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa và TP.Tân An; vùng chăn nuôi bò thịt tại Đức Hòa và Đức Huệ.

Hiện nay, tỉnh ban hành kế hoạch và triển khai thực hiện chương trình trên từng cây, con đến từng địa phương cụ thể. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến đến từng vùng, địa phương về chủ trương, định hướng đầu tư phát triển nông nghiệp ƯDCNC. Tập trung lựa chọn các hợp tác xã, tổ hợp tác điển hình nhằm thí điểm áp dụng sản xuất ƯDCNC, bảo đảm tiêu chuẩn GAP để mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu, góp phần từng bước đổi mới tư duy, phương thức tổ chức sản xuất truyền thống của người dân.

Phát huy tối đa nội lực, tranh thủ mọi nguồn lực cho 2 chương trình đột phá, 3 công trình trọng điểm

Thời gian tới, trên cơ sở dự báo thời cơ, thuận lợi và những thách thức, khó khăn, Tỉnh ủy xác định phát huy tối đa nội lực, tranh thủ mọi nguồn lực triển khai thực hiện hiệu quả 2 chương trình đột phá và 3 công trình trọng điểm của Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai thực hiện một cách quyết liệt, đồng bộ trong năm 2017 - năm thứ hai triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

Trồng thanh long ứng dụng công nghệ cao, mở ra hướng đi mới bền vững cho nông dân. Ảnh: Phương Phương

Theo đó, đối với Chương trình phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh chỉ đạo tập trung củng cố, kiện toàn ban chỉ đạo thật sự hoạt động hiệu quả, thành lập các ban điều hành tương ứng với từng loại cây, con của chương trình để theo dõi, giám sát chặt chẽ việc thực hiện.

Tăng cường việc phối hợp, tham vấn, gắn kết chặt chẽ với các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp, chính quyền địa phương để thông tin, tuyên truyền một cách cụ thể, thực tế, dễ hiểu về chương trình đến từng hộ dân, nhất là ở các vùng chuyên canh của chương trình.

Đồng thời, trên cơ sở đánh giá hiệu quả các mô hình thí điểm, tiến hành rút kinh nghiệm và nhân rộng toàn vùng chuyên canh, gắn chặt từ khâu thu hoạch sản phẩm đầu ra với chuỗi bảo quản, phân phối, tiêu thụ cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Ði vào hoạt động, Cảng quốc tế Long An sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội không chỉ cho tỉnh Long An mà còn cho cả vùng Ðồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Thanh Hiểu

Đối với Chương trình huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm, tỉnh sẽ nghiên cứu các giải pháp khả thi, đồng bộ, hiệu quả để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông thuộc chương trình đột phá gắn kết chặt chẽ với 3 công trình trọng điểm của Đại hội X Đảng bộ tỉnh và các tuyến giao thông kết nối với TP.HCM theo chương trình hợp tác đã ký kết.

Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành tỉnh với các địa phương, đoàn thể để thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận xã hội trong thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng và tái định cư, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án sớm được triển khai, xây dựng.

Tiếp tục nâng cao năng lực quản lý, điều hành của các cấp, các ngành trong đầu tư xây dựng cơ bản từ vốn ngân sách nhà nước; thực hành tiết kiệm và có biện pháp chống thất thoát trong đầu tư xây dựng cơ bản. Tổ chức lại công tác quản lý dự án, phát huy vai trò giám sát đầu tư cộng đồng; quản lý chặt chẽ trình tự quy hoạch, triển khai dự án bảo đảm lộ trình.

Ước tính tổng nhu cầu vốn để triển khai thực hiện 2 chương trình đột phá và 3 công trình trọng điểm khoảng 10.000 tỉ đồng, bình quân hàng năm khoảng 2.000 tỉ đồng, với cơ cấu vốn 30% từ ngân sách nhà nước, 70% vốn huy động từ các thành phần kinh tế; do vậy, thời gian tới, bên cạnh việc nỗ lực, phấn đấu khai thác hiệu quả các nguồn thu và cơ cấu lại chi ngân sách để tập trung nguồn vốn đầu tư các công trình trọng điểm và chương trình đột phá; tỉnh tăng cường kêu gọi xã hội hóa, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, khuyến khích huy động vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông thông qua hình thức hợp tác công - tư (PPP),...; đồng thời, kêu gọi, nhờ sự hỗ trợ, giúp sức của Trung ương đối với các dự án có tác động lan tỏa đến việc phát triển kinh tế - xã hội của vùng, khu vực nhằm bảo đảm các dự án được triển khai thực hiện đúng tiến độ.

Khởi công Dự án nâng cấp, mở rộng Đường tỉnh 830 và Đường tỉnh 824. Ảnh: Mai Hùng Dũng

Một trong những giải pháp quan trọng nữa là tỉnh tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư bằng việc tạo mọi điều kiện thuận lợi, thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và các hoạt động kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo vệ lợi ích chính đáng cho nhà đầu tư, doanh nghiệp bằng cam kết “khó khăn của doanh nghiệp cũng chính là khó khăn của chính quyền tỉnh Long An”.

Mùa xuân năm 2017 bắt đầu, với sức mạnh nội lực của truyền thống năng động, sáng tạo trong thời kỳ đổi mới, với ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết, thống nhất của cả hệ thống chính trị, nhất là sự đồng thuận tham gia của người dân và cộng đồng doanh nghiệp sẽ góp phần thực hiện thắng lợi 2 chương trình đột phá, 3 công trình trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh, tạo nền tảng vững chắc cho Long An phát triển nhanh và bền vững trong thời kỳ mới - hội nhập và phát triển./.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh

Chia sẻ bài viết