Tiếng Việt | English

26/05/2017 - 21:44

2 hợp tác xã sinh vật cảnh cần “tiếp sức”

Với hàng trăm con gà kiểng và hàng ngàn con gà tre (gồm gà đá và gà thịt) hiện hữu, hợp tác xã Bảo tồn và Phát triển giống gà tre Chấn Phong đang “ăn nên làm ra”

Giám đốc HTX Thủ công mỹ nghệ Tân An - nghệ nhân Trần Văn Thới

Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Tân An: Lao đao vì thiếu vốn!

Không còn cảnh nhộn nhịp âm thanh cưa bào, đục đẽo,... của hơn chục nghệ nhân lẫn thợ chuyên nghề khắc chạm gỗ mỹ nghệ như ngày nào, mà có vẻ yên ắng. Chỉ với 3 người hì hục với công việc chuyên môn. Tôi thật ngạc nhiên khi gặp lão họa sĩ Đức Lưu - nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch) Long An - mình trần bóng nhẫy mồ hôi đang cắm cúi thao tác một mẩu gỗ trên bàn.

Thấy tôi, ông ngưng việc, kéo tôi đến bàn trà. Tôi hỏi ông có còn phục chế tượng Phật bà ngàn mắt ngàn tay như trước đây không? Ông lặng lẽ bỏ đi rồi quay lại với mẩu tượng Long An “Trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc” được thu nhỏ, chỉ lớn hơn bàn tay đặt trên cái đế gỗ.

Ông giải thích: “Hợp tác xã (HTX) bây giờ mạnh ai nấy tìm nơi đặt hàng mà làm và làm được bao nhiêu hưởng bấy nhiêu chớ không có thu nhập nào khác. Tôi tạo ra cách làm phiên bản tượng đài này bằng chất liệu giả đá để khách hàng dễ di chuyển, dễ trao tặng, dễ trưng bày ở nội thất”.

Tôi nhìn kỹ, thấy nó hệt như chất liệu thạch nhũ ở Ngũ Hành Sơn (Quảng Ngãi). Tôi hỏi ông có phải đục đẽo, khắc chạm gì không? Ông nói không, chỉ làm ra bộ khuôn rồi pha chất liệu bằng bột đá mà đổ. Ở tuổi 80, trông họa sĩ - nghệ nhân Đức Lưu còn sung sức lắm!

Tôi quay qua nghệ nhân Trần Văn Thới - Giám đốc HTX Thủ công mỹ nghệ Tân An. Anh cho biết, HTX thành lập mấy năm nay nhưng chưa phát triển được như mong muốn vì thiếu nguồn lực. Đi gõ cửa nhiều nơi xin vay vốn thì chỗ nào cũng đòi phải có tài sản thế chấp. Mà tài sản của HTX có gì đáng giá đâu!

Thành lập từ 3 năm trước với vốn lưu động chỉ có 150 triệu đồng, gộp với vốn cố định 690 triệu đồng nữa là 840 triệu đồng. Trong khi chỉ có 8/18 xã viên của toàn HTX góp vốn; 10 xã viên còn lại thì không có khả năng góp. Vốn ít, mặt bằng hẹp, cho nên chúng tôi khó thể phát triển.

Theo ông Đức Lưu, hiện nay, ở tỉnh có trên 120 thợ có tay nghề mỹ nghệ cao (đạt đẳng cấp nghệ nhân), còn tay nghề trung bình thì có đến 500-600 người chứ không ít. Mà nghề chạm khắc gỗ mỹ nghệ đòi hỏi phải trang bị đủ dụng cụ thủ công và máy móc chuyên dụng; phải có mặt bằng đủ rộng, vốn liếng đủ giải quyết đầu vào, nhất là mua cây nguyên liệu, sắm máy móc, dụng cụ,... Nói chung, nguồn lực HTX còn yếu, dù tay nghề không thiếu.

Nghệ nhân Trần Văn Thới nói, chúng tôi đến Sở Công Thương xin hỗ trợ thì được trả lời là HTX phải có đủ vốn đối ứng - yêu cầu ít nhất là 300 triệu đồng thì mới được Nhà nước hỗ trợ 30%/vốn vay. Trong khi năng lực tài chính của chúng tôi quá eo hẹp, nên đành chịu!

Hồi mới thành lập, HTX Thủ công mỹ nghệ Tân An từng liên kết với TP.HCM trong sản xuất, kinh doanh các mặt hàng mỹ nghệ như đồ lưu niệm, đồ thờ, đồ trưng bày nội thất,... Bản thân anh Thới cũng từng nhận hợp đồng sản xuất các con tượng cho phim hoạt hình của Nhật như Doremon, Kitty; và cho hãng phim Disney (Mỹ).

Những năm trước đây, khi liên kết với TP.HCM, các sản phẩm của HTX còn xuất khẩu sang Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc,... và rất được khách hàng ưa chuộng. Bây giờ “tự bơi” trong “ao nhà” là chủ yếu; thu nhập của xã viên tùy thuộc vào năng lực “tự sản, tự tiêu” chứ chưa tìm được hướng phát triển nào khác,...

Giám đốc HTX Bảo tồn và Phát triển giống gà tre Chấn Phương - Lương Minh Quang với con gà kiểng

Hợp tác xã Bảo tồn và Phát triển giống gà tre Chấn Phong: Nhiều hứa hẹn!

Với hàng trăm con gà kiểng và hàng ngàn con gà tre (gồm gà đá và gà thịt) hiện hữu, HTX Bảo tồn và Phát triển giống gà tre Chấn Phong đang “ăn nên làm ra” do có sự liên kết hợp tác (đưa gà giống cho các hộ gia đình trong vùng nuôi gia công, HTX thu mua lại gà thịt để cung cấp (theo đơn đặt hàng) cho các nhà hàng ở TP.HCM và xuất khẩu sang Nhật Bản). Đồng thời, HTX cũng tìm được nhiều giống gà kiểng độc đáo để thu hút khách hàng gần xa,...

Giám đốc HTX - Lương Minh Quang cho biết: HTX có đăng ký đề tài nghiên cứu khoa học “Bảo tồn, lai tạo, phát triển giống gà tre Long An” (do Lương Minh Quang làm Chủ nhiệm đề tài) năm 2017, nhưng Sở Khoa học và công nghệ trả lời là do có nhiều cá nhân, tổ chức đăng ký đề tài nghiên cứu khoa học, mà kinh phí có hạn, phải ưu tiên cho số đề tài chuyển tiếp từ năm 2016, nên đề tài của HTX phải chuyển sang năm 2018 mới thẩm định và ký hợp đồng thực hiện.

Hy vọng sau đề tài nghiên cứu khoa học của kỹ sư Hồ Nhuận Đăng Sơn (Hội SVC tỉnh) về “Hoàn thiện quy trình sản xuất giống cá Dĩa bột tại tỉnh Long An” (được nghiệm thu kết quả), đề tài của Lương Minh Quang cũng sẽ mang về kết quả như mong đợi. Và hướng tới, giới hoạt động trong lĩnh vực SVC tỉnh cũng sẽ có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, góp phần làm phong phú, đa dạng và khởi sắc hơn nữa phong trào SVC tỉnh nhà./.

Quang Hảo

Chia sẻ bài viết