Tiếng Việt | English

27/02/2017 - 19:44

34 giám đốc ngân hàng bị xét xử trong "đại án OceanBank"

Bên cạnh 34 giám đốc ngân hàng bị khởi tố còn 227 cán bộ khác có dấu hiệu vi phạm pháp luật vì chi lãi suất ngoài hợp đồng; 51.860 khách hàng nhận tiền cao hơn lãi suất trần…

Hà Văn Thắm tại phiên tòa sang 27-2 - Ảnh: Thân Hoàng
Đó là những con số khiến nhiều người giật mình trong đại án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) đang được TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử.

Hàng loạt cán bộ ngân hàng "nhúng chàm"

Thực tế vừa qua cho thấy do cần huy động vốn từ nguồn tiền gửi của khách hàng, các ngân hàng đã bước vào cuộc đua lãi suất bất tận. Oceanbank dưới thời chủ tịch HĐQT Hà Văn Thắm cũng không phải ngoại lệ.

Kết quả điều tra cho thấy do cần huy động tiền vốn nên Hà Văn Thắm và Nguyễn Xuân Sơn (nguyên tổng giám đốc Oceanbank) đã đề ra chủ trương chi lãi ngoài cho các khách hàng gửi tiền trên toàn bộ hệ thống Oceanbank.

Cụ thể, ngoài mức lãi suất tiền gửi theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, các khách hàng khi gửi tiền tại Oceanbank (từ 1 tỉ đồng trở lên) sẽ được nhận một khoản lãi suất ngoài.

Khoản lãi suất này không được thể hiện trong hợp đồng tiền gửi, sổ tiết kiệm khách hàng đã ký với OceanBank mà được chuyển thẳng cho khách hàng.

Trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến tháng 11-2014, tổng số tiền OceanBank đã chi cho chủ trương này là hơn 1.500 tỉ đồng.

Đã có hơn 51.000 cá nhân và 392 tổ chức kinh tế gửi tiền tại OceanBank để nhận các khoản tiền chi ngoài lãi suất hợp đồng tiền gửi.

Tài liệu điều tra cho thấy các cá nhân này có dấu hiệu móc ngoặc với lãnh đạo, nhân viên Oceanbank để nhận tiền lãi ngoài, hiện đang bị Cơ quan Cảnh điều tra Bộ Công an tiếp tục điều tra, xử lý.

Trong đại án xảy ra tại Oceanbank, có 34 bị can nguyên là giám đốc các chi nhánh, phòng giao dịch Oceanbank trên cả nước phải hầu tòa vì biết việc chi lãi ngoài hợp đồng tiền gửi, sổ tiết kiệm là trái quy định nhưng vẫn chỉ đạo cấp dưới thực hiện.

Điều đáng nói là ngoài 34 bị can, còn có 227 cán bộ ngân hàng đã có chung hành vi tiếp nhận chủ trương chi trả lãi ngoài cho khách hàng gửi tiền.

Tuy nhiên cơ quan điều tra cho rằng nếu khởi tố, xử lý hình sự hết 227 đối tượng nêu trên thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống của Oceanbank trong giai đoạn tái cơ cấu.

Vì vậy, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an và Viện KSND tối cao thống nhất không xem xét trách nhiệm hình sự của các đối tượng nêu trên mà yêu cầu xử lý nghiêm về mặt hành chính và liên đới bồi thường một phần thiệt hại.

Bài học xương máu từ cuộc đua lãi suất

Đây không phải là lần đầu tiên các cán bộ ngân hàng phải hầu tòa vì chi tiền lãi suất ngoài hợp đồng.

Thực tế, rất nhiều vụ đại án khiến dư luận quan tâm như Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên), Huỳnh Thị Huyền Như, Phạm Công Danh.... nhiều cán bộ ngân hàng đã phải vướng vào vòng lao lý.

Đứng trước tòa, ông Phạm Công Danh (nguyên chủ tịch HĐQT ngân hàng Xây Dựng) khai đã phải chi hàng ngàn tỉ đồng tiền lãi suất vượt trần.

Bởi nếu không chi trả tiền lãi suất cao ngoài hợp đồng thì khách hàng sẽ rút tiền đi gửi ngân hàng khác. Khi đó, ngân hàng Xây Dựng sẽ đứng trước nguy cơ không đảm bảo tính thanh khoản.

Trên thực tế, không chỉ có khách hàng gửi tiền vào ngân hàng để hưởng lãi suất vượt trần mà còn có hiện tượng ngân hàng gửi tiền vào ngân hàng để hưởng lãi suất trái quy định.

Có 10 bị can là cán bộ ngân hàng Nam Việt (Navibank) đang chuẩn bị được đưa ra xét xử vì đã thống nhất chủ trương mang tiền đi gửi tại Viettinbank để hưởng lãi suất cao từ 16,5% đến 22,5%. Trong khi đó, lãi suất trần của nhà nước thời điểm 2011 chỉ có 14%.

Trước đó, trong đại án Bầu Kiên, hàng loạt cán bộ ngân hàng ACB đã phải lãnh án vì ủy thác cho nhân viên đi gửi tiền tại ViettinBank để hưởng tiền “hoa hồng” ngoài hợp đồng.

Lãi suất tiền gửi trong hợp đồng là 14%/năm, trong khi đó lãi suất thỏa thuận ngoài hợp đồng tiền gửi lên tới 3,7% đến 13%/năm.

Điều bi kịch ở chỗ số tiền của ACB và Navibank gửi vào Viettinbank đều bị Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên quyền trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, VietinBank chi nhánh TP.HCM) chiếm đoạt.

ACB và Navibank vừa mất tiền, vừa vướng vào vòng lao lý bởi hàng loạt lãnh đạo cấp cao và nhân viên phải hầu tòa về hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, vi phạm các quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Phạm Công Danh cùng các bị cáo trong phiên tòa xét xử vụ án tại Ngân hàng Xây dựng
Nguy cơ hầu tòa

Lý giải về thực trạng nêu trên, TS. Đinh Thế Hưng (trưởng phòng pháp luật hình sự Viện nhà nước và pháp luật - Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng việc đầu tư nhiều, kinh tế tăng trưởng nóng khiến các ngân hàng phải giải bài toán thanh khoản.

Ngân hàng nào cũng cần tiền để cho vay và hút tiền gửi từ người dân.

“Các ngân hàng đứng trước bài toán không huy động lãi suất cao thì không ai gửi tiền mà huy động lãi suất cao sẽ vi phạm pháp luật. Tiếc rằng, nhiều ngân hàng chọn cách thứ hai, tung ra đủ chiêu trò như lãi suất hấp dẫn, trả thêm tiền “hoa hồng”, tiền thưởng để hút tiền gửi vào ngân hàng” - Ông Đinh Thế Hưng cho biết.

Cũng chính vì mức lãi suất hấp dẫn, nhiều khách hàng đã chọn cách gửi tiền vào ngân hàng thay vì mang tiền đi kinh doanh.

“Tiền vào ngân hàng lại chảy lòng vòng vào các lĩnh vực ảo. Điều này có lợi cho ngân hàng nhưng lại có hại cho nền kinh tế, làm lạm phát tăng cao.

Cán bộ ngân hàng và tổ chức, cá nhân gửi tiền để hưởng lãi suất vượt trần đều có nguy cơ phải hầu tòa vì hành vi này là trái pháp luật” - Ông Đinh Thế Hưng cảnh báo./.

Tâm Lụa/tuoitre online

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích