Tiếng Việt | English

13/07/2017 - 14:02

6 tháng đầu năm 2017, kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn

Theo đánh giá của UBND tỉnh, 6 tháng đầu năm 2017, Long An đạt kết quả khá toàn diện; kinh tế đạt mức tăng trưởng khá nhưng vẫn còn một số khó khăn, nhất là sản xuất và tiêu thụ một số loại nông sản, dẫn đến tăng trưởng của khu vực I âm 2,02%.

Bên cạnh đó, các dự án (DA) đầu tư vào Long An cũng giảm về số lượng lẫn số vốn, tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp chưa như mong muốn. Trước những khó khăn này, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng quyết tâm khắc phục, đề ra các giải pháp khả thi để đạt mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2017.


UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng quyết tâm khắc phục, đề ra các giải pháp khả thi để đạt mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2017

Còn nhiều khó khăn

6 tháng đầu năm 2017, tình hình thời tiết diễn biến bất lợi cho ngành nông nghiệp; giá cả hầu hết các nông sản đều sụt giảm; tiêu thụ một số mặt hàng nông sản chủ lực gặp rất nhiều khó khăn. Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng, tốc độ tăng trưởng của ngành chưa đạt kế hoạch, giảm 2,02%, trong đó, nông nghiệp giảm 2,62%, lâm nghiệp tăng 7,5% và thủy sản tăng 0,77%.

Tăng trưởng lĩnh vực nông nghiệp giảm 2,62%, có nguyên nhân do năng suất lúa vụ Đông Xuân 2016-2017 giảm (khoảng 5,3 tạ/ha, tương đương giảm 96.400 tấn so với vụ Đông Xuân 2015-2016). Hiệu quả sản xuất một số cây trồng, vật nuôi chưa cao do giá cả tiêu thụ giảm mạnh, nhất là mặt hàng thịt heo và thịt gia cầm. 6 tháng đầu năm 2017, sản lượng lúa đạt 1,56 triệu tấn, đạt 55,6% kế hoạch, trong đó, lúa chất lượng cao đạt 650.600 tấn, tăng 2.100 tấn so cùng kỳ năm 2016. Một số cây trồng chuyển đổi có sản lượng đạt khá và tăng so với cùng kỳ năm 2016: Chanh 55.000 tấn, tăng 3.700 tấn; thanh long đạt 80.000 tấn, tăng 4.000 tấn; tổng sản lượng thủy sản các loại 7.200 tấn, tăng 1.900 tấn (trong đó, tôm đạt 4.700 tấn, tăng 2.300 tấn).

Bên cạnh đó, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh cũng giảm. Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư: Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh thành lập mới 704 doanh nghiệp (DN) với tổng số vốn đăng ký 8.726 tỉ đồng; tăng 7,3% về số lượng DN, giảm 18,9% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016. Đến nay, toàn tỉnh có 8.926 DN đăng ký với tổng vốn đăng ký 213.807 tỉ đồng; cấp mới giấy chứng nhận đầu tư cho 86 DA với số vốn đăng ký 8.605 tỉ đồng (trong đó có 9 DA tăng vốn 2.737 tỉ đồng), tăng 3 DA và giảm 3.200 tỉ đồng vốn đầu tư so với cùng kỳ năm 2016. Đến nay, tổng số DA vốn đầu tư trong nước là 1.387 DA, vốn đầu tư đăng ký 153.275 tỉ đồng.

Trên lĩnh vực đầu tư nước ngoài, từ đầu năm đến nay, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 44 DA, tổng vốn đăng ký 169,7 triệu USD (trong đó có 32 DA tăng vốn 99 triệu USD), giảm 4 DA và số vốn giảm 133,8 triệu USD so với cùng kỳ năm 2016.

Toàn tỉnh hiện có 16 khu công nghiệp đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy khoảng 67,3%. Đến nay, các khu công nghiệp thu hút được 1.250 DA đầu tư, thuê lại 1.875,6ha đất, trong đó có 530 DA đầu tư nước ngoài với tổng vốn trên 3.251 triệu USD và 720 DA đầu tư trong nước với tổng vốn 60.776 tỉ đồng. Ngoài ra, có 15 cụm công nghiệp đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy 85,4%. Hiện, các cụm công nghiệp hoạt động thu hút 275 DA đầu tư gồm 60 DA có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 209,6 triệu USD và 215 DA đầu tư trong nước, tổng vốn đầu tư 6.883 tỉ đồng; thuê lại 417,8ha đất; có 185 DN hoạt động sản xuất, thu hút khoảng 16.000 lao động làm việc.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn tỉnh, tổng diện tích đất cho thuê trong khu, cụm công nghiệp 89ha/350ha, đạt 25,4% kế hoạch (trong đó, khu công nghiệp 71,1ha, cụm công nghiệp 17,9ha).

"Nhằm thu hút đầu tư đạt kết quả tốt, tỉnh củng cố, tăng cường trách nhiệm của từng cơ quan trong việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông để rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính của nhà đầu tư, doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư lành mạnh, thông thoáng, bình đẳng giữa các doanh nghiệp."

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư - Nguyễn Thanh Nguyên

Để phát triển hiệu quả

Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư - Nguyễn Thanh Nguyên: Nhằm thu hút đầu tư đạt kết quả tốt, Long An quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh gắn với thực hiện tốt về cải cách hành chính; củng cố, nâng cao chất lượng công tác cải cách hành chính ở các ngành, địa phương, trung tâm hành chính công tỉnh, cấp huyện; củng cố, tăng cường trách nhiệm của từng cơ quan trong việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông nhằm rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính của nhà đầu tư, DN, tạo môi trường đầu tư lành mạnh, thông thoáng, bình đẳng giữa các DN.

Đặc biệt, tỉnh sẽ tổ chức đoàn kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp và DN thứ cấp theo kế hoạch được UBND tỉnh phê duyệt; kiên quyết thu hồi chủ trương đầu tư, thu hồi đất đối với các DA chậm hoặc không triển khai đầu tư theo đúng cam kết do nguyên nhân chủ quan của nhà đầu tư; hướng dẫn lập các thủ tục theo quy định để thành lập các khu, cụm công nghiệp mới sau rà soát.


Sản xuất và tiêu thụ nông sản còn nhiều khó khăn

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng cho biết: “Lũ năm 2017 có khả năng về sớm và cao hơn trung bình nhiều năm. Giá cả một số mặt hàng nông nghiệp có khả năng giảm, nhất là giá thịt heo hơi có khả năng giảm đến quí II-2018. Để sản xuất nông nghiệp đạt mục tiêu tăng trưởng dương đến cuối năm 2017, ngành tập trung chỉ đạo chăm sóc, bảo vệ sản xuất lúa Hè Thu, gieo sạ lúa Thu Đông 2017; theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết và tình hình dịch hại trên đồng ruộng, đặc biệt là rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá, sâu năn, bệnh đạo ôn,...

Song song đó, ngành tăng cường công tác khuyến nông, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hướng dẫn chăm sóc, chống lũ, bảo vệ tốt vùng chanh, thanh long,... phấn đấu sản lượng thu hoạch thanh long đến cuối năm 2017 tăng 40.600 tấn; qua rà soát, dự kiến sản lượng chanh tăng 27.200 tấn và sản lượng rau màu các loại tăng 17.700 tấn, trong đó, dưa hấu tăng 1.000 tấn; chuối tăng 600 tấn so với năm 2016; phối hợp các huyện vùng hạ theo dõi chặt chẽ và hướng dẫn kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên tôm; tăng cường công tác kiểm dịch giống thủy sản, phấn đấu đến cuối năm, tổng sản lượng thủy sản các loại đạt 45.000 tấn/kế hoạch 44.500 tấn.

Ngoài ra, sở tăng cường công tác xúc tiến thương mại các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh, trong đó, ưu tiên cho các mặt hàng được sản xuất an toàn, chứng nhận GAP, theo chuỗi trên cơ sở những thỏa thuận ký kết với TP.HCM. Đồng thời, sở phối hợp Sở Công Thương thực hiện các phiên chợ nông sản an toàn tại TP.Tân An; chủ động phối hợp các doanh nghiệp xây dựng các chuỗi sản xuất và điểm bán thực phẩm được xác nhận an toàn, tập trung thực hiện trước tại khu vực TP.Tân An, các huyện: Châu Thành, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc”./.

Mai Hương - Lê Huỳnh

Chia sẻ bài viết