Tiếng Việt | English

28/01/2020 - 08:54

90 mùa xuân có Đảng

Một mùa xuân mới lại về. Khắp các ngả đường rực rỡ cờ hoa. Lòng người phơi phới đón xuân trong niềm vui, niềm tin vào sự lãnh đạo, con đường của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân Long An đoàn kết chiến đấu dệt nên 8 chữ vàng: “Trung dũng  kiên cường, toàn dân đánh giặc”

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân Long An đoàn kết chiến đấu dệt nên 8 chữ vàng: “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”

Đảng là mùa xuân của đất nước

Mùa Xuân Canh Ngọ 1930, ngày 3/2, đúng vào thời khắc giao hòa giữa đất trời, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Và kể từ mùa xuân ấy, Đảng đem lại những mùa xuân bất tận cho dân tộc ta. Nhìn lại chặng đường 90 năm qua, Đảng luôn hòa cùng nhịp thở và mạch sống của dân tộc. Để rồi ý Đảng - lòng dân hòa quyện tạo nên sức mạnh quật khởi, trở thành vũ khí “bách chiến, bách thắng” đưa nước ta, dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Đảng bộ Long An được kế thừa truyền thống của những Đảng bộ ra đời sớm nhất ở Nam bộ và từng đóng góp cho Đảng những cán bộ lãnh đạo ưu tú như Châu Văn Liêm, Võ Văn Tần, Trần Văn Giàu,… Trong thời kỳ Đảng chưa có chính quyền và đang vận động cách mạng, vùng đất Tân An - Chợ Lớn luôn là địa bàn hoạt động của nhiều chiến sĩ cách mạng, phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng cũng diễn ra vô cùng sôi nổi.

Khi thời cơ giành chính quyền ở Nam bộ đã đến, cuộc khởi nghĩa đầu tiên giành thắng lợi cũng diễn ra ở Tân An. Điều đó không phải ngẫu nhiên mà là sự phản ánh trình độ giác ngộ cách mạng rất cao của nhân dân và năng lực lãnh đạo nhạy bén của Đảng bộ Tân An - Chợ Lớn. Trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Tân An - Chợ Lớn luôn là một bộ phận gắn bó và góp phần không nhỏ vào những thắng lợi vẻ vang của Đảng, của đất nước.

Sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, đất nước thống nhất, Đảng bộ Long An tập trung lãnh đạo toàn diện công cuộc khôi phục, cải tạo, phát triển kinh tế, tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới và làm nhiệm vụ quốc tế trên nước bạn Campuchia. Tiếp đó, Đảng bộ tỉnh vừa góp phần tìm tòi, kiến tạo cơ chế quản lý kinh tế mới, vừa lãnh đạo thực hiện công cuộc đổi mới và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo nên nhiều chuyến biến tích cực về mọi mặt.

Quê hương đổi mới từng ngày

Thành tích đáng tự hào của Đảng bộ Long An trong 34 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng là lãnh đạo cải tiến phân phối, lưu thông, thực hiện cơ chế “một giá” để khắc phục tình trạng nhiều giá, nắm được tiền - hàng, phá bỏ rào cản “ngăn sông, cấm chợ”. Những năm 1980, Long An trở thành một trong những địa phương đi đầu cả nước trong việc xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế phát triển, bình ổn giá thị trường.

Cầu, đường giao thông nông thôn được bê tông hóa

Cầu, đường giao thông nông thôn được bê tông hóa

Năm 1983, Tỉnh ủy đề ra chủ trương mang ý nghĩa lịch sử, đó là tiến quân khai phá vùng Đồng Tháp Mười, điều phối lao động, dân cư, tạo tăng trưởng sản lượng lương thực, thực phẩm vượt bậc. Từ vùng đất hoang hóa, nhiễm phèn, Đồng Tháp Mười trở thành vùng trọng điểm sản xuất lương thực của tỉnh và cả khu vực. Đời sống người dân nơi đây có những chuyển biến tích cực.

Xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa, nằm trong vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh, sau gần 2 năm được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, có nhiều thay đổi. Những tuyến đường nhỏ, hẹp, sình lầy được thay thế bằng đường nhựa, bêtông, trải đá rộng rãi đến tận các xóm, ấp, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, sản xuất. Những căn nhà lá tạm bợ cũng được thay bằng nhà tường, mái ngói hay ít nhất cũng đạt chuẩn “3 cứng”. Cơ sở vật chất văn hóa, trường học, trạm y tế, hệ thống điện, nước,... không ngừng được nâng cấp, đáp ứng nhu cầu nhân dân. Ông Hồ Văn Phương (SN 1970), ngụ ấp Ông Quới, vui mừng nói: “Nếu không tận mắt chứng kiến thì khó mà tin được vùng đất này lại thay đổi nhanh như vậy. Ở nông thôn mà được như thế này, người dân còn mong muốn gì hơn!”.

Từng bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh nhưng sau 45 năm xây dựng và phát triển, với nhiều chủ trương đúng đắn và giải pháp quyết liệt, đồng bộ, cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được tỉnh hết sức quan tâm. Điều này thể hiện rõ qua Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018 của tỉnh  (tăng 1 bậc so năm 2017, xếp hạng 3/63 tỉnh, thành cả nước, đứng đầu nhóm Tốt). Mỗi nhiệm kỳ đều để lại những chương trình đột phá, công trình trọng điểm mang nhiều ý nghĩa thiết thực. Từ chương trình xóa đói - giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới giúp đời sống người dân không ngừng được nâng lên, đến các dấu ấn về đầu tư hệ thống hạ tầng (giao thông, điện, nước), xây dựng các khu, cụm công nghiệp, các đô thị,... Tỉnh ủy các thời kỳ với những quyết sách đúng đắn đưa Long An trở thành điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Đổi thay nhờ có Đảng lãnh đạo

Năm 2019 là năm thứ 4 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020), Long An đạt nhiều kết quả nổi bật: Tăng trưởng kinh tế ở mức khá cao 9,41%; thu ngân sách ước đạt khoảng 18.000 tỉ đồng. Diện mạo quê hương khởi sắc theo hướng văn minh, hiện đại. 

Thu nhập bình quân đầu người đạt 72,67 triệu đồng/năm. Hộ nghèo giảm còn 2,21%. Toàn tỉnh hiện có 77 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 46,3% tổng số xã).

Đầu năm mới, chúng tôi trở lại xã Thanh Phú, huyện Bến Lức, khi địa phương đang nỗ lực thực hiện chương trình xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. Hệ thống kết cấu hạ tầng ngày càng hoàn thiện, đặc biệt là tuyến đường chính dẫn về trung tâm xã được nâng cấp, trải nhựa rộng rãi. “Người dân đóng góp tiền cùng địa phương lắp đặt đèn chiếu sáng, camera giám sát an ninh, trồng hoa, cây xanh. Bộ mặt nông thôn hôm nay không thua gì thành thị” - ông Ngô Văn Các, ngụ ấp 1B, phấn khởi chia sẻ.

Được biết, Đảng bộ xã Thanh Phú, huyện Bến Lức, là một trong những Đảng bộ trong sạch, vững mạnh nhiều năm liền. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đảng bộ xã liên tục được xếp loại “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thanh Phú - Lê Văn Lộc cho biết: “Để có được kết quả trên, Đảng bộ xã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy, người đứng đầu, tập trung xây dựng Đảng toàn diện trên cả 3 mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức”.

Hệ thống nước sạch được đầu tư, người dân không còn phải sử dụng nước sông, kênh, rạch để sinh hoạt

Hệ thống nước sạch được đầu tư, người dân không còn phải sử dụng nước sông, kênh, rạch để sinh hoạt

Nhiều năm qua, Đảng ủy xã Thanh Phú lãnh đạo chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chăm lo tốt đời sống nhân dân. Năm 2019, các chỉ tiêu phát triển KT-XH địa phương đều đạt và vượt kế hoạch. Nổi bật nhất là việc thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân. Đến nay, toàn xã không còn hộ nghèo, giảm 11 hộ so với cuối năm 2018. Thu nhập bình quân đầu người tiếp tục tăng lên, đạt khoảng 60 triệu đồng/năm.

Có thể nói, sau 34 năm thực hiện đường lối đổi mới, KT-XH của tỉnh có những bước phát triển vượt bậc, đời sống nhân dân được cải thiện, chính trị ổn định, quốc phòng - an ninh giữ vững, quan hệ đối ngoại được mở rộng, tạo nên thế và lực mới đưa Long An từng bước phát triển nhanh và bền vững. Thành quả đó là nhờ sự lãnh đạo đúng đắn của các cấp ủy Đảng, sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền, cả hệ thống chính trị và sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân.

Những ngày này, khi cả nước đang thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, mừng 90 năm Ngày thành lập Đảng, mừng xuân mới và mừng đất nước phát triển, mỗi chúng ta càng thêm tự hào vì được tiến bước dưới lá cờ Đảng vinh quang./.

An Kỳ

Chia sẻ bài viết