Tiếng Việt | English

09/08/2015 - 08:09

Ai thông tin sai lệch về amiang trắng có thể bị khởi kiện

Thông tin amiang trắng gây ung thư gây hoang mang, ảnh hưởng tới kinh doanh của doanh nghiệp. Người bị thiệt hại có thể khởi kiện tổ chức, doanh nghiệp thông tin sai lệch về amiang trắng.

Trước 2 luồng ý kiến cho rằng cấm hay không cấm sử dụng amiang trắng ở Việt Nam TS Võ Quang Diệm- Chủ tịch Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam khẳng định: “Các hoạt động chống amiang trắng, tuyên truyền bịa đặt sai sự thật, không có bằng chứng thuyết phục, gây hoang mang dư luận bằng các nguồn tài trợ của các Tổ chức chống amiang trong và ngoài nước là vi phạm pháp luật Việt Nam cần phải được kiểm soát và ngăn chặn”.

Ngoài ra, theo ông Võ Quang Diệm, một số kết luận tại một số cuộc Hội thảo có thiên hướng chống amiang hết sức cực đoan, dẫn đến có cơ quan đề xuất cấm amiang trắng vội vàng, thiếu các bằng chứng thuyết phục, thiếu cơ sở khoa học.


Tấm lợp amiang xi măng

Để phản biện lại các quan điểm đó Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam đã hai lần gửi kiến nghị đến Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, các Bộ, ngành: Y tế, LĐTB&XH, Xây dựng, Công Thương, TN&MT, KH&CN, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trình bày quan điểm, cung cấp thông tin, bằng chứng khoa học và kiến nghị Chính phủ tiếp tục cho phép sử dụng amiang trắng có kiểm soát để sản xuất tấm lợp. Đặc biệt có hơn 20 doanh nghiệp có kiến nghị tập thể gửi đến các Bộ, ngành trên. Các đoàn đại biểu của Hiệp hội cũng đã làm việc trực tiếp với một số Bộ, ngành đưa kiến nghị và phản ánh nguyện vọng chính đáng của doanh nghiệp.

Với tư cách là người hỗ trợ pháp lý cho Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam, Tiến sĩ, Luật sư Nguyễn An – Giám đốc Công ty Luật Cộng Đồng cho biết: Các văn bản của Chính phủ liên quan đến việc sử dụng amiang trắng đều thể hiện rõ chủ trương là tiến hành rà soát các bệnh liên quan đến amiang của các nhà máy. Trong Quyết định 1469/QĐ-TTg ngày 22/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành VLXD Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 tiếp tục cho phép sử dụng amiang trắng để sản xuất tấm lợp. Ngày 23/12/2014, Quốc hội thông qua Luật Đầu tư số 67/2014/QH13, trong đó quy định: Kinh doanh amiang trắng là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Và cùng các quy định về tiêu chuẩn môi trường (nước thải, khí thải, tiếng ồn..) liên quan đến sản xuất amiang của các Bộ ban hành từ trước tới nay. Như vậy, không có căn cứ pháp lý nào để có thể loại bỏ amiang trắng nếu sản xuất có kiểm soát. Doanh nghiệp sản xuất nào không đáp ứng đủ các điều kiện về môi trường và bảo vệ sức khoẻ con người thì sẽ căn cứ vào Bộ Luật dân sự, Luật bảo vệ môi trường để xử lý.

Theo chủ trương của Chính phủ (văn bản 7307) là "Bộ Y tế chủ trì phối hợp các Bộ, ngành xây dựng kế hoạch hành động quốc gia loại trừ các bệnh liên quan đến amiang, tổ chức triển khai các nghiên cứu nhằm đánh giá ảnh hưởng lâu dài và xác định biện pháp giảm thiểu, tác động độc hại của amiang trắng đối với sức khỏe và môi trường Việt Nam". Nhưng tại bản Kế hoạch hành động quốc gia loại trừ các bệnh liên quan đến amiang giai đoạn 2016-2020 và định hướng 2030 của Bộ Y tế có liệt kê tại mục tiêu số 3 là "Giảm dần và chấm dứt sử dụng amiang nhằm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong bệnh liên quan đến amiang". Việc này là hoàn toàn vô lý và không có căn cứ theo đúng chỉ thị của Chính phủ thể hiện tại văn bản 7037. Nếu chấm dứt sử dụng amiang như theo đề xuất của Bộ Y tế thì việc gì chúng ta phải đánh giá, phòng ngừa các bệnh liên quan đến amiang nữa.

“Tại sao Bộ Y tế lại đưa ra tiêu chí loại bỏ amiang trắng, trong khi chủ trương là đánh giá, ngăn chặn các bệnh. Chúng tôi đang đi sâu vào vấn đề này để giám sát việc thực hiện của Bộ Y tế” – Tiến sĩ, Luật sư Nguyễn An nhấn mạnh.

Tiến sĩ, Luật sư Nguyễn An cho biết thêm: “Chúng tôi cũng đề nghị Bộ Y tế làm rõ danh sách trường hợp bị bệnh liên quan đến amiang tại Việt Nam. Nếu cần thiết sẽ mời những đơn vị đánh giá độc lập để đánh giá lại xem có đúng những người này bị bệnh về amiang trắng thật không hay chỉ là những thông tin chung chung, hoặc những người này có các bệnh liên quan tới các nguyên nhân từ việc sản xuất các sản phẩm khác có thể độc hại hơn amiang trắng nhiều (bụi đá..). Ngoài ra, chúng tôi cũng đang xem xét có thể khởi kiện các đơn vị, cá nhân đã thông tin sai lệch về amiang trắng gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng tới quyền lợi của nhà sản xuất và người tiêu dùng”.

Liên quan đến nội dung này, ông Lê Văn Nghĩa – Tổng Giám đốc Công ty tấm lợp Đông Anh khẳng định không đồng tình với cách làm, cách công bố thông tin, số liệu của Bộ Y tế về tình hình bệnh liên quan đến amiang ở Việt Nam. Các số liệu do Bộ Y tế đưa ra là con số lấy từ các nước trên thế giới chứ không phải ở Việt Nam. “Chúng tôi là một doanh nghiệp lớn nhưng Bộ Y tế chưa một lần đến khảo sát, kiểm tra, làm xét nghiệm về bệnh nghề nghiệp… thì làm sao có đánh giá chính xác được? Chúng tôi không hài lòng và bất bình về cách làm của Bộ Y tế, vì đã lấy số liệu của nước ngoài để đánh giá tình hình trong nước là không hợp lý. Chúng ta có bề dày gần 60 năm sản xuất tấm lợp chứa amiang thì hoàn toàn có người thực, việc thực để Bộ Y tế khảo sát. Chúng tôi rất mong, Bộ Y tế hãy một lần tới kiểm tra các dây chuyền sản xuất tấm lợp để thấy rằng chúng tôi tuân thủ nghiêm ngặt vấn đề an toàn vệ sinh lao động như thế nào. Hiện nay, gần như 100% người lao động không còn tiếp xúc trực tiếp với amiang. Bộ Y tế cần công khai, minh bạch thông tin về tình hình amiang liên quan tới sức khỏe con người ở trong nước. Với cách Bộ Y tế đã làm thời gian qua đã ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất, kinh doanh, đời sống của người lao động trong doanh nghiệp".

Với điều kiện kinh tế, xã hội, tự nhiên của nước ta, theo TS Võ Quang Diệm, Chủ tịch HHTLVN thì tấm lợp amiang xi măng là sản phẩm vật liệu hữu dụng đối với nông dân vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển, những hộ gia đình có thu nhập thấp. Đặc biệt khi cần khắc phục hậu quả thiên tai bão lụt, các thảm họa thiên nhiên hoặc các tình huống khẩn cấp thì tấm lợp amiang xi măng là mặt hàng rất có hiệu quả, dễ huy động, giá rẻ, dễ dàng, đơn giản để tạo ra chỗ ở tạm tránh mưa, nắng, giữ ấm cho người, chỗ trú ngụ cho gia súc và kho chứa nông sản. Sản phẩm tấm lợp amiang xi măng rẻ tiền nhưng bền, nhẹ, cách nhiệt, chống ồn tương đối tốt và phù hợp khí hậu ven biển có độ mặn cao. Đến nay tấm lợp amiang xi măng vẫn đang là mặt hàng thiết yếu đối với bộ phận lớn dân cư có thu nhập thấp tại nước ta.

“Vì vậy Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam mong muốn các cơ quan tham mưu cho Chính phủ xây dựng và ban hành chính sách phải phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, mức sống người dân, trước hết là đại bộ phận là người nghèo” – ông Võ Quang Diệm nói./.

Vũ Hạnh/VOV.VN

Chia sẻ bài viết