Tiếng Việt | English

25/01/2017 - 14:27

Ấm áp gia đình ngày tết

Những ngày cận tết, dù công việc hoàn thành hay dang dở, mọi người vẫn tạm gác lại để về với gia đình, cùng nhau quây quần đón tết. Ở các gia đình truyền thống, tết còn đặc biệt ý nghĩa khi các phong tục ngày tết được lưu giữ và tiếp nối qua từng thế hệ.

1. Năm nào cũng vậy, cứ khoảng 25, 26 tháng Chạp, nhà chị Võ Thị Liên, 39 tuổi, ở phường 2, TP.Tân An, tỉnh Long An lại rộn rã tiếng nói, cười của các anh, chị, em tập họp về nhà thờ dọn đẹp, trang hoàng đón xuân. Mỗi người một việc, từ người lớn đến các em nhỏ cùng giúp nhau để nhà cửa sạch sẽ, đẹp mắt và ngập tràn không khí tết.

Gia đình chị Võ Thị Liên đón tết

Những ngày này cũng là thời điểm bận rộn với chị Liên khi phải đi chợ, chọn những thực phẩm tươi ngon làm củ kiệu, đồ chua, giò thủ,... chuẩn bị cho những ngày tết. Nơi chị chọn mua là những sạp hàng quen, với giá cả phải chăng, biết rõ nguồn gốc thực phẩm để tết không chỉ vui vẻ, tiết kiệm mà còn an toàn cho cả gia đình.

"Gia đình đông người, chuẩn bị tết cũng cực hơn các gia đình khác nhưng với tôi, đó lại là niềm vui trong dịp xuân về. Ngày thường, ai cũng bộn bề công việc nhưng tết đến đều sắp xếp thời gian chung tay với các thành viên trong gia đình chuẩn bị mọi thứ chu toàn đón tết. Trải qua các công việc chuẩn bị tết cùng nhau, tôi cảm nhận được tình yêu thương, sự sẻ chia giữa các thành viên trong gia đình" - chị Liên chia sẻ.

Nhà chị Liên vẫn còn truyền thống gói bánh tét vào mỗi dịp tết. Khoảng 28 tháng Chạp, gia đình trải đệm trước hiên nhà để gói bánh tét. Mẹ chồng chị là "thợ chính" trong việc này. Theo phong cách miền Bắc nên đòn bánh tét nhà chị Liên to hơn đòn bánh tét trong Nam với nhiều đậu xanh và thịt ba rọi. Cách ướp thịt được mẹ chồng chị Liên rất chú trọng, để sau khi bánh chín, thịt quyện cùng đậu xanh và nếp cho ra vị vừa ăn, không bị ngán. Bà cũng là người "cầm tay chỉ việc" cho các cháu nội, ngoại cách chọn lá, gói bánh, cột dây để lưu giữ nét truyền thống của gia đình.

Con cháu quây quần chúc tết ông bà

Nếu những người phụ nữ trong gia đình đảm nhận các công đoạn gói bánh thì phần nấu bánh thuộc về cánh đàn ông. Gia đình có hơn 20 người gồm con, cháu ở các gia đình nhỏ nên gói khoảng 35-40 đòn bánh tét. Do đòn bánh to nên thời gian nấu từ 12 giờ trưa hôm nay đến 12 giờ trưa hôm sau mới được vớt bánh ra.

Khi mọi thứ sẵn sàng, gia đình chị Liên cùng quây quần bên nhau đón năm mới. Trong đêm giao thừa - thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, con cháu cùng thức trọn. Sau khi cúng giao thừa, mọi người lại sum vầy ăn bữa cơm đoàn viên đầu tiên của năm. Và mỗi người đều mang cho mình một niềm tin, niềm hy vọng tốt lành, may mắn trong năm mới.

2. Không xa hoa, cầu kỳ nhưng tết ở gia đình 3 thế hệ của bà Phạm Thị Nga, 60 tuổi, ở ấp 2, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An lại trọn vẹn và đầm ấm với tiếng nói cười của ông bà, cha mẹ và các cháu.

Gia đình làm kinh doanh nên tết lại càng thêm tất bật, dù vậy, bà Nga vẫn dành thời gian để chuẩn bị đón xuân về, tết đến. Vườn kiểng với giàn hoa lan, những chậu mai và một số hoa khác được gia đình bà chăm chút kỹ lưỡng để kịp khoe sắc vào dịp tết. Nhà cửa cũng được cả gia đình dọn dẹp tươm tất.

Trong ngày mùng 1 tết, 4 cháu nội của bà Nga cùng diện quần áo đẹp để chúc tết ông bà, cha mẹ và nhận những bao lì xì đầu năm. "Đây là phong tục mà gia đình tôi luôn gìn giữ để mỗi năm, ông bà, cha mẹ được nghe những lời chúc tốt lành từ con cháu; con cháu được ông bà, cha mẹ bảo ban để đạt nhiều thành công trong năm mới; đồng thời gắn kết tình cảm gia đình giữa các thế hệ với nhau" - bà Nga bộc bạch.


Ông bà lì xì cho con cháu trong dịp tết

Dù bận rộn với kinh doanh nhưng những món ăn truyền thống trong ngày tết chưa bao giờ thiếu ở gian bếp nhà bà Nga. Thịt kho tàu, khổ qua dồn thịt hay các món dưa chua, kiệu chua, củ cải ngâm nước mắm ăn cùng bánh tét luôn sẵn sàng phục vụ các thành viên trong gia đình và khách đến nhà chúc tết.

Ngoài ra, một điểm đặc biệt ở gia đình bà Nga, con cháu dù đi chơi ở đâu, bữa cơm chiều trong những ngày tết đều có mặt đông đủ để đông vui, ấm áp. Đó cũng là nếp nhà được gia đình bà Nga lưu giữ.

Tết đến, người già thêm trường thọ, người trẻ thêm trưởng thành, xua tan đi những điều chưa may mắn để mang đến lộc - tài. Và tết lại càng thêm ý nghĩa khi các thành viên trong gia đình chuẩn bị và đón tết cùng nhau, thắt chặt thêm tình cảm gia đình, phát huy truyền thống tốt đẹp của người Việt mỗi độ xuân về./.

Ngọc Sương

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích