Tiếng Việt | English

16/11/2016 - 16:56

Ấm lòng mùa nước nổi

Nước tràn đồng cũng là lúc cuộc mưu sinh của người dân vùng Đồng Tháp Mười trở nên tất bật hơn. Những sản vật mùa nước nổi mang đến nguồn thu nhập kha khá cho người dân sau những chuyến rong ruổi thả lưới, giăng câu,...

1. Nước đang rút dần! Vài nơi trên cánh đồng trắng xóa, mênh mông nước điểm màu xanh mạ non. Những vùng gò cao vào vụ gieo sạ nhưng những nơi còn ngập nước vẫn thấp thoáng dáng người giăng câu, thả lưới trên những chiếc vỏ lãi, xuồng máy... Vùng lũ về đêm vào những ngày này nhộn nhịp xuồng, ghe bắt cá trên các dòng kênh hơn ngày thường. Bởi theo những người có thâm niên với nghề giăng câu, thả lưới “khi nước rút cũng là lúc việc đánh bắt “được mùa” nhất vì cá, tôm lúc này khá nhiều”.


Vào mùa nước nổi, Bến cá gần chợ Tân Hưng nhộn nhịp từ 4 giờ sáng

Xế chiều! Ăn vội bữa cơm với gia đình, anh Nguyễn Văn Sang, 29 tuổi ở ấp Cả Môn, xã Vĩnh Thạnh, huyện Tân Hưng lại dong xuồng theo con nước thả lưới. “Hành trang” anh mang theo là ít cơm, thức ăn đựng trong chiếc gà-men nhỏ dành cho bữa ăn khuya và 2 dàn lưới 3 màn, mỗi dàn dài 800m. Từ Ngã 5 Vĩnh Thạnh, chiếc xuồng nhỏ của anh Sang lênh đênh trên dòng kênh Ngang đến xã Vĩnh Đại, đến khu vực Bình Châu - giáp với huyện Vĩnh Hưng khi trời sụp tối. Mang chiếc đèn pin lên đầu, anh rọi đèn, định hướng chèo xuồng. Đây cũng là một tín hiệu để các xuồng bắt cá về đêm tránh nhau trên một dòng kênh...

Với kinh nghiệm giăng lưới, bắt cá từ năm 17 tuổi, anh Sang nhìn con nước để chọn vị trí thả lưới. Gần đến đoạn có thể thả lưới, tắt máy xuồng, anh chèo tay để tránh tiếng động. “Thông thường, tôi thả lưới ở 1 đoạn kênh, sau đó gỡ lưới rồi mới chèo xuồng qua đoạn khác. Vì nước lũ đang rút nên cá nhiều, mỗi đêm, tôi bắt được khoảng 50kg cá mè vinh và cá trắng, bán với giá 16.000 đồng/kg. Mỗi đêm bắt cá như thế, tôi kiếm được 700.000-800.000 đồng” - Anh Sang chia sẻ. Nghe chúng tôi trêu “thu nhập như vậy khá quá!”, anh Sang mỉm cười, nói: “Mỗi đêm kiếm được khoảng 800.000 đồng, nhưng trừ tiền xăng, tiền thay lưới 2 tuần/lần cũng còn được vài trăm ngàn thôi!. Tuy nhiên, thu nhập như vậy cũng ổn vì tôi không có ruộng đất sản xuất, phải làm thuê làm mướn với tiền công không cao”.

Nghề thả lưới, đánh cá về đêm trong mùa nước nổi tuy mang đến thu nhập khá nhưng người dân phải trải qua chặng đường vất vả. Mỗi đêm, anh Sang trở về nhà là lúc đồng hồ điểm 22 giờ. Có khi, cá nhiều, đến tờ mờ sáng mới về. Những đêm mưa gió, anh vẫn rong ruổi trên chiếc xuồng nhỏ, lênh đênh trên những dòng kênh kiếm từng con cá. Khi hành trình thả lưới kết thúc trở về nhà, ngã lưng chưa tròn giấc, anh lại vội vã mang mớ cá bắt được đến Ngã 5 Vĩnh Thạnh bán cho các ghe thu mua. Dù cuộc mưu sinh vất vả như thế nhưng đó lại là niềm vui của anh Sang, của nhiều người mỗi khi mùa nước nổi đến!


Trên những dòng kênh về đêm vẫn có người giăng lưới, bắt cá để bán kiếm tiền

2. Không chỉ có xuồng, vỏ lãi nhộn nhịp bắt cá về đêm trên các dòng kênh, điểm tập kết cá mà người dân thị trấn Tân Hưng vẫn quen gọi bằng cái tên thân thuộc - bến cá - cũng tấp nập ghe xuồng neo đậu.

Hôm ấy, mặc cơn mưa như trút nước, ở bến cá gần chợ Tân Hưng vẫn sôi động từ 4 giờ sáng. Gần 20 chiếc xuồng, vỏ lãi, ghe neo đậu nơi này để thu mua cá từ những người dân chài lưới và bán lại cho các tiểu thương. Những loại cá bán ở nơi này là cá đồng “chính hiệu” được bắt trên kênh, rạch và những cánh đồng ngập nước. Giá các loại cá rô, cá chạch, cá lóc,... ở đây từ 50.000-80.000 đồng/kg, tùy theo loại.

Có mặt tại bến cá từ rất sớm khi trời chưa hửng sáng, ông Nguyễn Văn Hợp, 52 tuổi ở thị trấn Tân Hưng là người thu mua quen thuộc của dân chài vùng này. Không phải mùa nước, ông Hợp cũng làm nghề thu mua cá, nhưng không được nhiều. Còn bây giờ đang là mùa lũ nên mỗi ngày, ông thu mua khoảng 200kg các loại cá linh, cá chạch và cá mồi (cá làm mồi cho cá nuôi). Sau mỗi phiên chợ sớm ở bến cá, ông Hợp kiếm gần 500.000 đồng.

Cũng mặc cơn mưa, anh Nguyễn Văn Đông, 38 tuổi ngụ xã Thạnh Hưng, huyện Tân Hưng, đi vỏ lãi mang mớ cá vừa đánh bắt đêm qua đến bến cá này để bán cho các ghe thu mua. Vừa cân cá cho bạn hàng, anh Đông vừa bảo rằng: “Mỗi đêm tôi giăng lưới kiếm khoảng 20kg cá chạch, cá chốt bán được hơn 300.000 đồng. Khi mùa nước chưa về, tôi “đầu tắt mặt tối” với 1ha đất ruộng trồng lúa, còn mùa lũ lại tất bật với việc thả lưới bắt cá. Mùa nào nghề nấy! Mùa lũ cũng là mùa vui khi ruộng đồng được vun đắp phù sa, người dân kiếm được đồng ra đồng vào từ những sản vật mùa lũ”.

Mùa nước nổi về đêm ở vùng Đồng Tháp Mười không còn vẻ tĩnh lặng, yên ả! Tiếng máy chèo khua nước trên những dòng kênh để kiếm con cá, con tôm; tiếng nói cười của người mua, kẻ bán ở bến cá… làm cho nơi đây sinh động, nhộn nhịp hơn ngày thường!

Thuỳ Hương

Chia sẻ bài viết