Tiếng Việt | English

15/07/2016 - 22:09

Ấm tình đồng đội

Không chỉ là những người mở đường, tiếp lương thực, tải đạn dược,... trong 2 cuộc kháng chiến ác liệt chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ,bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ biên giới Tây Nam của Tổ quốc mà lực lượng cựu thanh niên xung phong (TNXP) trong thời bình vẫn hăng hái hoàn thành nhiệm vụ. Khép lại một thời hoa lửa, những cựu TNXP ấy hàng ngày vẫn phát huy phẩm chất, giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ, ra sức phát triển kinh tế và chia sẻ khó khăn với đồng chí, đồng đội.


Bà Võ Thị Chi Mai (ngoài cùng bên trái) chụp ảnh cùng nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết

Những năm tháng không quên!

15 tuổi, chàng thanh niên có vóc người nhỏ bé Trần Văn Trân (hiện là Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Cần Giuộc) tham gia lực lượng TNXP giải phóng miền Nam, trở thành đội viên Đội Thành đồng và bắt đầu với công việc tải đạn, tải lương thực, thuốc men. Đầu mùa xuân năm 1968, ông cùng đơn vị và quân dân miền Nam xuống đường tổng tiến công và nổi dậy. Sau đó, ông được đơn vị cử đi học y tá ở Tây Ninh.

Điều đáng nhớ nhất trong cuộc đời TNXP của ông chính là vào năm 1969, ông cùng 2 đồng đội diệt được 15 tên lính trong đại đội biệt kích Mỹ bên bờ sông Tha La, tỉnh Tây Ninh. Tiếp theo đó, vào năm 1970, khi địch đổ quân, ông cùng một số đồng đội kìm chân địch ở ngoài để đơn vị sơ tán an toàn. Trong một trận đánh khác, ông và đồng đội diệt được trên 40 tên lính Mỹ. Từ đó, ông vinh dự được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ” và đồng đội đặt cho ông biệt danh 3 giỏi (y tá giỏi, thồ tải giỏi và chiến đấu giỏi).

Ông chia sẻ: “Trong kháng chiến, cận kề giữa sự sống và cái chết, tôi cảm nhận tình đồng chí, đồng đội thật cao cả biết bao! Có người còn hy sinh bản thân mình để bảo vệ đơn vị được an toàn. Ký ức hào hùng ấy trở thành hành trang và động lực cho tôi phấn đấu”. Có lẽ vì cái tình, cái nghĩa mà đến nay, ông liên tục đạt danh hiệu TNXP lao động sản xuất, kinh doanh giỏi. Bước qua độ tuổi 60, ông vẫn cùng Hội Cựu TNXP tỉnh đi quy tập hài cốt đồng đội đưa về quê hương yên nghỉ.


Những người cựu TNXP xã Long Thuận, huyện Thủ Thừa vui mừng ngày gặp mặt

Năm 1978, ở tuổi 17, người con gái Võ Thị Chi Mai (TP.Tân An) bỏ ngang việc học để hưởng ứng phong trào “Tham gia xây dựng, khai hoang phục hóa vùng Đồng Tháp Mười - phục vụ chiến đấu tại chiến trường biên giới Tây Nam”. Chị cho biết: “Khi bỏ học tham gia lực lượng TNXP, ban đầu, gia đình cấm cản vì lo tôi sẽ gặp nguy hiểm. Nhưng thấy tôi cương quyết, ba mẹ cũng đành chịu. Những ngày cùng đồng đội đi đào kênh, mở đường,... quả thật có vất vả nhưng rất vui. Có những lần chúng tôi suýt đụng trúng bom mìn vương vãi trên mặt đất nhưng may mắn tránh được. Sống trong gian khó giúp bản thân tôi trưởng thành hơn”.


Ông Trần Văn Trân chăm sóc hoa kiểng

Nghĩa tình đồng đội

Người thiếu nữ TNXP Chi Mai ngày ấy, bây giờ là bà của những đứa trẻ. Sau khi rời đơn vị trở về quê hương, bà tiếp tục việc học và hành nghề kinh doanh. 9 năm trước, khi tình cảm vợ chồng rạn nứt cũng là lúc bà gặp lại những người đồng đội cũ của mình. Họ động viên bà tham gia công tác và hiện là Chủ tịch Hội Cựu TNXP phường 2, TP.Tân An. Nhiều đồng đội của bà ngày nay cuộc sống vẫn còn khó khăn. Do đó, bà đứng ra vận động gây quỹ, chăm lo đời sống hội viên như tặng quà, hỗ trợ họ vươn lên trong cuộc sống. Đây chính là điểm nổi bật của Hội Cựu TNXP phường 2 được Tỉnh hội đánh giá cao.


Nhờ tham gia Câu lạc bộ TNXP sản xuất, giúp nhau thoát nghèo, bà Phạm Thị Bé được hỗ trợ vốn để trồng trọt

Kháng chiến chống Mỹ đã se duyên cho ông Nguyễn Văn Đáo và bà Phạm Thị Bé, ngụ ấp 3, xã Long Thuận, huyện Thủ Thừa. Ngày ấy, trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, 2 người TNXP cùng đơn vị, cùng làm nhiệm vụ vận chuyển thuốc men, vũ khí và lương thực; cùng vào sinh ra tử đã phải lòng nhau. Sau khi chiến tranh kết thúc, tháng 10-1975, họ nên duyên vợ chồng.

Lập nghiệp tại vùng đất hoang hóa với 2 công đất ruộng ba mẹ cho, 6 người con ra đời, cuộc sống của họ khá chật vật. Ấy vậy, họ vẫn động viên, yêu thương nhau, cùng lao động sản xuất và nuôi dạy các con nên người. Cách đây khoảng 1 năm, khi xã Long Thuận thành lập Câu lạc bộ TNXP sản xuất, giúp nhau thoát nghèo, cả 2 vợ chồng cùng tham gia. Với hình thức góp lúa quy ra tiền, từ số vốn ban đầu 6 triệu đồng, đến nay tăng lên hơn 42 triệu đồng với 39 thành viên. Đây là mô hình mới, có hiệu quả của huyện Thủ Thừa. Nhờ số tiền này, giúp các thành viên có vốn đầu tư chăn nuôi, chăm sóc cây kiểng, xây dựng giếng nước, trồng rau sạch,... vươn lên thoát nghèo và ổn định cuộc sống.

Riêng vợ chồng ông Đáo và bà Bé sử dụng số tiền vay với lãi suất ưu đãi từ câu lạc bộ để trồng bàng. Ông bà cho rằng, cây bàng hiện nay có giá. 7 năm nay, vợ chồng ông chuyển từ trồng lúa sang trồng bàng và bước đầu mang lại hiệu quả.

Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Thủ Thừa - Trần Văn Tỷ thông tin, những người cựu TNXP của huyện dù không giàu về vật chất nhưng sống với nhau rất tình cảm. Trong nhà của các đồng chí đều thờ ảnh Bác Hồ với 4 câu thơ Người tặng cho đơn vị TNXP: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”.

Chánh Văn phòng Hội Cựu TNXP tỉnh - Nguyễn Hữu Thông cho biết, hơn 10 năm thành lập, Hội Cựu TNXP tỉnh luôn quan tâm đến công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên. Nổi bật trong đó là công tác Đền ơn đáp nghĩa và Nghĩa tình đồng đội. 5 năm qua, Hội huy động cán bộ, hội viên, doanh nghiệp được hơn 2,7 tỉ đồng xây dựng Quỹ Nghĩa tình đồng đội. Bên cạnh đó, Hội vận động trao tặng trên 100 sổ tiết kiệm trong chương trình Dấu ấn tuổi xuân, xây dựng trên 95 căn nhà tình nghĩa, Nghĩa tình đồng đội, nhà đại đoàn kết cho hội viên nghèo, trợ cấp khó khăn đột xuất,... lên đến hơn 14 tỉ đồng. Hơn 3 năm qua, có trên 250 hộ cựu TNXP vươn lên thoát nghèo.

Khánh Minh

Chia sẻ bài viết