Tiếng Việt | English

20/05/2019 - 10:14

An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn

Tai nạn lao động (TNLĐ) không chỉ gây ra những cái chết thương tâm hoặc để lại nỗi đau thể xác cho chính người bị nạn mà còn gây khó khăn về kinh tế lẫn tinh thần kéo dài, âm ỉ cho người thân. Thế nhưng thực tế, vẫn còn nhiều đơn vị, doanh nghiệp và cả người lao động chưa chấp hành tốt các quy định pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ).

Từ thực tế những vụ tai nạn lao động

Mới 16 tuổi, Chau Konl cùng cha mẹ từ huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang đến huyện Đức Hòa, tỉnh Long An xin làm việc tại một công ty ở xã Đức Hòa Hạ. Chưa làm được bao lâu, trong lúc vận hành máy, tay trái của Chau Konl bị máy cuốn giập nát. Dù được đưa đến bệnh viện kịp thời nhưng cánh tay giập nát phải cắt bỏ gần hết.

Hiện trường một vụ tai nạn lao động sập sàn bêtông ở Bến Lức

Hiện trường một vụ tai nạn lao động sập sàn bêtông ở Bến Lức

Vụ tai nạn này cho thấy, người lao động có phần chủ quan. Đáng lẽ ra trong trường hợp này, Chau Konl phải ngắt máy nhưng vì kiến thức về an toàn lao động hạn chế, kinh nghiệm chưa nhiều nên em dùng tay để trực tiếp đẩy vật liệu khi máy đang vận hành. Gặp chúng tôi, bà Neang Nhây không ngừng khóc khi nhìn thấy đứa con trai khỏe mạnh, mới lớn, sắp là trụ cột của cả gia đình bỗng chốc trở thành người tàn tật. Bà kể, vì hoàn cảnh nghèo khó nên cả gia đình gồm 5 người đã rời quê An Giang đến huyện Đức Hòa, thuê phòng trọ ở với giá 1,1 triệu đồng/tháng để làm thuê. Sau khi con trai bị tai nạn thì cuộc sống gia đình càng gặp rất nhiều khó khăn. 

Hay như trường hợp anh N.A.T (SN 1982, ngụ xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) bị điện giật tử vong tại chỗ khi đang sử dụng máy bắn bêtông để thi công một công trình xây dựng ở TP.Tân An. Anh T. mất khi tuổi đời còn rất trẻ để lại người con mới 10 tuổi. Có mặt tại công trình ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, chúng tôi thấy nhiều bất cập, nguy hiểm tiềm ẩn đã báo trước. Nơi làm việc có sử dụng điện nhưng xung quanh lại có nhiều hố đọng nước sau mưa, anh làm ở nơi nguy hiểm, khuất nhưng chỉ có một mình.

Công nhân làm việc tại một doanh nghiệp

Công nhân làm việc tại một doanh nghiệp

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2018, toàn tỉnh Long An xảy ra 16 vụ TNLĐ làm chết 17 người và bị thương nặng 4 người. Từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 2 vụ TNLĐ làm chết 2 người. Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Mai Thành Khải cho biết:  “TNLĐ chết người thường xảy ra nhiều ở lĩnh vực sử dụng điện, vận hành máy cuốn, xây dựng công trình”.

Công tác an toàn lao động phải được làm thực chất

Nguyên nhân xảy ra tai nạn đã được các ngành chức năng phân tích và chỉ ra rất rõ. Trong đó, người sử dụng lao động chưa thật sự quan tâm đến công tác ATVSLĐ; không cử người giám sát việc thực hiện quy định, nội quy ATVSLĐ trong doanh nghiệp. Không tổ chức huấn luyện hoặc huấn luyện sơ sài biện pháp ATVSLĐ đối với người lao động; chưa xây dựng nội quy, quy trình sử dụng máy và thiết bị. Hàng năm, chưa xây dựng kế hoạch biện pháp ATVSLĐ và cải thiện điều kiện lao động. Mặt khác, có những nơi người sử dụng lao động không trang bị hoặc trang bị phương tiện bảo hộ lao động còn thiếu. Máy móc, thiết bị không bảo đảm, không thực hiện việc kiểm tra, kiểm định máy móc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Không tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động. Thời gian làm việc tăng ca quá nhiều gây ra mệt mỏi, mất tập trung của người lao động.

Thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động không chỉ bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho người lao động mà còn vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp

Thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động không chỉ bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho người lao động mà còn vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp

Trong khi đó, người lao động còn chủ quan, thiếu ý thức trong việc chấp hành những quy định, quy trình vận hành máy, thiết bị về ATVSLĐ; không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân được trang cấp. Người lao động chưa mạnh dạn khai báo với người sử dụng lao động hoặc cơ quan chức năng khi môi trường lao động không bảo đảm an toàn đến tính mạng, sức khỏe của người lao động.

Qua ghi nhận thực tế tại một số công trình xây dựng đang thi công tại địa bàn TP.Tân An, chúng tôi nhận thấy, nhiều công nhân, lao động làm việc không sử dụng bảo hộ lao động như giày, nón; trèo trên cao nhưng chỉ đứng trên một tấm ván nhỏ bắc qua giàn giáo được kê rất đơn giản. Cũng có nơi doanh nghiệp, nhà thầu trang bị bảo hộ nhưng người lao động không sử dụng vì lý do không quen và bị vướng víu. Trong khi đó, việc kiểm tra, nhắc nhở, xử lý vi phạm của ngành chức năng thì không thường xuyên, liên tục.

“Quan trọng là người sử dụng lao động và người lao động phải thay đổi và nâng cao nhận thức, xác định tầm quan trọng của việc thực hiện tốt các quy định pháp luật lao động để phòng, tránh. Công tác an toàn lao động phải được doanh nghiệp, đơn vị, người lao động thực hiện thực chất bởi liên quan đến tính mạng, sức khỏe con người và cả uy tín, danh dự, sự phát triển bền vững của chính doanh nghiệp” - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Hoa Thanh Niên nhấn mạnh.

Lĩnh vực xây dựng vẫn luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn lao động

Lĩnh vực xây dựng vẫn luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn lao động

Ông Hoa Thanh Niên nhìn nhận, TNLĐ vẫn luôn tiềm ẩn và xảy ra bất cứ lúc nào. Theo đó, người sử dụng lao động phải luôn tăng cường công tác tự kiểm tra, kiểm định các phương tiện, máy móc để kịp thời khắc phục, sửa chữa những hư hỏng, nguy cơ mất an toàn. Đồng thời, có trách nhiệm cải tiến, đầu tư trang thiết bị, cải thiện môi trường làm việc bảo đảm an toàn hoạt động sản xuất, sức khỏe, tính mạng của người lao động.

Trong khi đó, người lao động không được chủ quan mà phải thường xuyên thực hiện, chấp hành nghiêm các nội quy, quy định ATVSLĐ, sử dụng bảo hộ trang cấp khi lao động; mạnh dạn kiến nghị, đề xuất người sử dụng lao động thực hiện tốt công tác ATVSLĐ, chỉ ra những mối nguy hiểm, tiềm ẩn TNLĐ để kịp thời khắc phục.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh - Nguyễn Văn Quí thông tin, từ những vụ TNLĐ xảy ra thời gian qua cho thấy, việc chấp hành pháp luật ATVSLĐ còn nhiều hạn chế. Theo đó, các cơ quan quản lý nhà nước phải luôn tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật an toàn lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp. Qua đó, kịp thời phát hiện những bất cập, nguy cơ mất ATVSLĐ để yêu cầu chấn chỉnh, khắc phục. Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm những sai phạm nhằm răn đe.

Tháng 5 - Tháng Công nhân, các cấp Công đoàn đồng loạt tổ chức các hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động, các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2019,... Theo đó, phấn đấu mỗi công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp đều có hoạt động chăm lo lợi ích đoàn viên./.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết