Tiếng Việt | English

16/04/2019 - 20:30

An toàn lao động - Trách nhiệm của doanh nghiệp được đặt lên hàng đầu

Long An có trên 6.000 doanh nghiệp đang hoạt động, do đó, công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) phải được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, việc thực hiện các quy định về vấn đề này còn nhiều bất cập, nhất là ý thức của các đơn vị sử dụng lao động trong bảo đảm ATVSLĐ.

Công nhân thường chưa được chú trọng trang bị các phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động

Theo báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), bên cạnh các doanh nghiệp thực hiện quy định về phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động, tại một số nơi, nhất là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ lại không trang bị đầy đủ cho người lao động (NLĐ) theo danh mục phương tiện bảo vệ cá nhân do Bộ LĐ-TB&XH ban hành hoặc chưa bảo đảm chất lượng cho người sử dụng. 

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH - Hoa Thanh Niên cho biết, việc chấp hành pháp luật trong thực hiện chế độ bồi dưỡng chống độc hại bằng hiện vật cũng là một trong những nội dung mà các doanh nghiệp vi phạm nhiều nhất. Các vi phạm này thường là không bồi dưỡng chống độc hại bằng hiện vật cho NLĐ đủ điều kiện; bồi dưỡng không đúng mức quy định hay bồi dưỡng những hiện vật không có tác dụng thải độc;… Với vấn đề này, Sở chỉ đạo Thanh tra LĐ-TB&XH xử lý nghiêm những vi phạm, bảo vệ quyền lợi NLĐ.

Ngoài ra, theo quy định của pháp luật, NLĐ bị tai nạn giao thông trên đường đi làm việc hoặc hết giờ trở về nhà cũng được xem là tai nạn lao động; doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm trợ cấp tai nạn.

Cán bộ Đoàn kiểm tra trao đổi với công nhân về công tác an toàn vệ sinh lao động tại doanh nghiệp

Bên cạnh đó, việc khai báo điều tra, thống kê, báo cáo tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là một trong những căn cứ quan trọng để đề ra biện pháp phòng ngừa. Tuy nhiên, trong những năm qua, khi có tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì phần lớn người sử dụng lao động tìm cách che giấu, không khai báo (ngoại trừ các doanh nghiệp nhà nước). Điều này dẫn đến các số liệu thống kê về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp không chính xác.

Khi thực hiện điều tra tai nạn lao động, còn nhiều vụ chưa xác định được nguyên nhân cụ thể mà chỉ nêu các tác nhân bên ngoài. Đơn cử như một số trường hợp bị điện giật có thể do thiếu sót từ hệ thống quản lý nhưng chỉ được báo cáo do NLĐ bất cẩn. Từ đó, các biện pháp khắc phục được đưa ra cũng không thể giải quyết được gốc rễ của vấn đề vì đa phần doanh nghiệp cho rằng NLĐ chủ quan mà "né tránh", không đề cập đến lỗi của doanh nghiệp.

"Sở LĐ-TB&XH yêu cầu các đơn vị sử dụng lao động chấp hành nghiêm quy định của pháp luật nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe lâu dài cho NLĐ", ông Hoa Thanh Niên nhấn mạnh.

Sức khỏe, tính mạng của NLĐ là tài sản vô giá. Do đó, việc chăm lo, bảo đảm ATVSLĐ là quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động, thể hiện trách nhiệm, sự quan tâm, tạo niềm tin cho NLĐ an tâm sản xuất, đóng góp vì sự phát triển của doanh nghiệp./.

Minh Đăng

Chia sẻ bài viết