Tiếng Việt | English

22/12/2015 - 17:13

Long An

An toàn lưới điện nông thôn - Chuyện không bao giờ cũ

Những ai có dịp về những vùng nông thôn xa xôi, hẻo lánh, đôi lúc không khỏi "rợn người" về mạng lưới điện chằng chịt phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của người dân. Thực tế có không ít những vụ tai nạn thương tâm, gây chết người vì sử dụng điện bất cẩn. Do đó, việc thận trọng và cảnh giác khi sử dụng điện là vấn đề không bao giờ cũ.


Đường điện ở nông thôn nhiều đoạn chỉ cao quá đầu người gây nguy cơ mất an toàn về điện

Những tai nạn thương tâm

Việc sử dụng điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất là nhu cầu thiết yếu của mỗi người dân. Ở vùng thanh long Châu Thành, người dân dùng điện để bơm nước tưới và xông đèn trái vụ. Ở một số xã của huyện Đức Huệ, nông dân sử dụng điện để xông đèn cho hoa thiên lý ra bông mùa nghịch. Ở miền hạ, người nuôi trồng thủy sản dùng điện chạy quạt sục khí nuôi tôm,...

Nói chung, điện gắn bó mật thiết với cuộc sống hằng ngày của người dân trên mọi vùng sản xuất nông nghiệp khác nhau. Bên cạnh lợi ích việc điện khí hóa nông thôn thì việc sử dụng bất cẩn nguồn năng lượng hữu ích này cũng đáng báo động.

Vào lúc 21 giờ 10 phút ngày 5-7-2015, anh Bùi Văn Giậm (giáo viên) ở ấp 4, xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa trong lúc đi ruộng chạm vào hàng rào kẽm của ông Trần Văn Lang và bị điện giật tử vong (do đường dây hạ áp có mối nối hở chạm vào cáp thép của dây thông tin mắc trên hàng rào).

Hay trường hợp anh Hồ Thanh Hải, ngụ ấp 3, xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ khi đi làm ruộng vào buổi trưa ngày 4-8-2015, bị vướng vào dây kẽm bẫy chuột có điện của ông Nguyễn Thanh Bạo, gây tử vong.

Còn cháu Nguyễn Minh Trường, 9 tuổi, học sinh tiểu học, ngụ ấp 4, xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ bị chết rất thương tâm. Nguyên nhân là do người dân sử dụng điện hạ áp (sau điện kế) kéo ra ruộng để bơm nước nhưng lại sử dụng dây điện bị đứt có mối nối hở, được cuộn lại nhưng không cắt nguồn điện. Khi cháu Trường đi học về té ngã chạm vào mối nối dây điện bị hở nên tử vong tại chỗ.

Ngoài những trường hợp kể trên, còn khá nhiều trường hợp tử vong do bị điện giật khác mà ngành chức năng chưa thống kê hết do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do sự bất cẩn của người dân khi sử dụng điện, họ chấp nhận rủi ro ấy và xem đây là số mạng.


Nguy cơ tai nạn bị điện giật do hệ thống đường dây điện không an toàn và sự thiếu cẩn trọng của người dân

Sử dụng điện an toàn là bảo vệ chính mình

Trưởng phòng Năng lượng Sở Công Thương - Nguyễn Tấn Bửu Trân cho biết: "Việc hộ dân sử dụng điện bị sự cố mà lỗi do bất cẩn từ đường dây dẫn sau điện kế thì ngành Điện lực không chịu trách nhiệm. Vì theo Luật Điện lực thì ngành điện chỉ chịu trách nhiệm về sự an toàn lưới điện đến điện kế còn việc sử dụng, duy tu, bảo dưỡng đường dây sau điện kế là của người sử dụng điện".

Chính vì vậy, người dân và nhất là bà con nông dân phải có ý thức cảnh giác cao khi sử dụng điện vì đây là nguồn nguy hiểm cao độ. Bên cạnh đó, ngành chức năng cần tuyên truyền nâng cao ý thức tự bảo vệ trước nguy cơ bị điện giật của người dân, nhất là đối với các em thiếu nhi, thiếu niên vùng sâu, vùng xa; thường xuyên kiểm tra nhắc nhở và xử phạt nặng những cá nhân, tổ chức không tuân thủ quy tắc về an toàn lưới điện.

Bà con nông dân khi sử dụng xong thì phải cắt nguồn điện. Nếu sử dụng qua đêm thì phải có biển cảnh báo nguy hiểm, tuyệt đối không sử dụng điện vào mục đích mà pháp luật cấm như: Bẫy chuột, xuyệt cá,... Khi phát hiện người bị điện giật thì người dân xung quanh phải nhanh chóng cách ly nguồn điện bằng dụng cụ cách điện, áp dụng biện pháp cứu chữa như: Hô hấp nhân tạo, đưa ngay người bị nạn đến cơ sở cấp cứu gần nhất để hạn chế thương tích cho nạn nhân, nhất là người bị bỏng do điện./.

Hải Đăng

Chia sẻ bài viết