Tiếng Việt | English

10/05/2017 - 09:13

An toàn thực phẩm - “Vàng”, “thau” lẫn lộn

Thực phẩm không rõ nguồn gốc, trang thiết bị chế biến thức ăn không bảo đảm vệ sinh, dùng nguyên liệu, phẩm màu trôi nổi,... đang là nỗi ám ảnh thường ngày của người tiêu dùng. Tình trạng trên là do các cơ sở sản xuất, kinh doanh cố tình phớt lờ các nguyên tắc trong chế biến thực phẩm, nhằm đạt lợi nhuận tối đa.


Đoàn kiểm tra xuất xứ, hạn sử dụng nguyên liệu tại một điểm kinh doanh ăn uống

“Vàng”, “thau” lẫn lộn

Xu hướng bán hàng trực tuyến, mua và bán hàng qua mạng xã hội hiện rất quen thuộc đối với nhiều người. Bất cứ thứ gì, người ta cũng có thể mua bán qua mạng, trong đó có cả các loại thực phẩm. Nắm bắt tâm lý này, trên địa bàn TP.Tân An, tỉnh Long An cũng như nhiều địa phương khác, có nhiều cửa hàng mua hàng qua mạng xã hội về bán lại cho người tiêu dùng.

T.N là một chủ cửa hàng kinh doanh trà sữa trên địa bàn phường 3, TP.Tân An. Ngoài bán trà sữa, N. kiêm bán nhiều mặt hàng khác: Chè (trà) Vằng Quảng Trị (theo quảng cáo thì loại chè này có tác dụng thải độc cơ thể, giảm cân), hạt mac-ca, hà thủ ô, yến mạch, thuốc uống giảm cân,... T.N cho biết, tất cả hàng hóa này, chị mua thông qua mạng xã hội và được giao hàng qua đường bưu điện. Khi được hỏi khi mua bán như thế, chị có biết chất lượng hàng hóa ra sao, có đúng nguồn gốc, xuất xứ như những gì người bán buôn quảng cáo trên mạng xã hội? Chị T.N trả lời: “Tôi thấy người ta quảng cáo trên mạng, lấy về bán, bán đắt hàng nên bán thôi! Còn chất lượng và tác dụng hay tác hại, tôi không tìm hiểu kỹ!”.

Chè Vằng Quảng Trị mà chị T.N bán là một loại cây và lá khô, khi dùng, nấu như trà để uống. Chị T.N cho biết, khi mua hàng trên mạng, người bán giao 1 bịch lớn có trọng lượng 20kg nhưng không có nhãn mác, không có hướng dẫn sử dụng. Sau đó, chị chia nhỏ, mỗi bịch có trọng lượng 0,5kg rồi dán nhãn mác cửa hàng mình. Ngoài loại chè này, tất cả hàng hóa khác như các loại hạt: Mac-ca, chia, hạnh nhân; thuốc giảm cân; dầu tràm;... mà chị bán đều được sản xuất, đóng gói tại nước ngoài nhưng không có tem phụ bằng tiếng Việt.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP.Tân An - Lê Văn Tuấn, các loại hàng hóa nêu trên mà chị T.N bán đều không xác định rõ nguồn gốc, hàng thật hay giả, do vậy, có thể tác hại đến sức khỏe người tiêu dùng qua các tác dụng phụ. Đa phần các loại thực phẩm chức năng bán trên mạng không qua kiểm định của Bộ Y tế, thậm chí là không có nguồn gốc rõ ràng. Nếu chỉ nghe qua quảng cáo hay mua theo đám đông thì rất nguy hiểm, dễ gặp phải rủi ro cho sức khỏe.

Trên thị trường hiện nay, cà phê bột xay sẵn khá đắt hàng. Trong một lần kiểm tra các cơ sở chế biến cà phê, Đoàn kiểm tra liên ngành (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp (NN&PTNT)) tiến hành kiểm tra một cơ sở chế biến cà phê bột tại địa bàn phường 2, TP.Tân An. Cà phê thành phẩm tại đây được sản xuất và bán ra cho người tiêu dùng có rất nhiều giá từ 50.000-120.000 đồng/kg.

Qua kiểm tra, đoàn chỉ ghi nhận được cà phê thành phẩm, còn quá trình tập trung nguyên liệu, rang, tẩm ướp đều không có. Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm, kết quả kiểm nghiệm định kỳ sản phẩm, hóa đơn chứng từ mua bán cà phê nguyên liệu,... Về vấn đề này, theo một chủ doanh nghiệp kinh doanh cà phê trên địa bàn TP.Tân An, hiện nay, tại vườn, nông dân bán ra với giá từ 40.000-50.000 đồng/kg (tùy loại). Do vậy, cơ sở sản xuất kinh doanh này bán 1kg cà phê có giá 50.000-120.000 đồng thì khó có thể là cà phê.

Trong quá trình đoàn kiểm tra liên ngành làm việc, chủ cơ sở sản xuất cà phê luôn mập mờ khi nói về nguồn nguyên liệu, phương thức chế biến. Riêng các hóa đơn chứng từ mua bán hàng hóa, ông cho rằng đã làm mất. Khi được hỏi vì sao cà phê ông bán ra có giá quá rẻ so với cà phê trên thị trường thì ông nói: “Ở các quán cà phê lớn tại Tân An, không ai mua cà phê này cả, tôi chỉ bán ở các tiệm tạp hóa vùng ven Tân An hoặc các huyện vùng sâu, vùng xa thôi”.


Kiểm tra quy trình chế biến thức ăn tại một điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống

Kỹ năng thực hành kém

Có dịp đi cùng Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm (ATTP) của TP.Tân An trong những ngày vừa qua, ghi nhận của đoàn là kỹ năng thực hành của người trực tiếp chế biến, tiếp xúc với thực phẩm khá kém. Điển hình như tại quán giải khát nằm trong khuôn viên công viên phường 3, TP.Tân An, hầu hết trang thiết bị dùng chế biến thực phẩm như thau, rổ chứa nguyên liệu: Chanh, bơ,... rất dơ bẩn, bám đầy bụi sau nhiều ngày không được vệ sinh; tủ lạnh đựng thực phẩm cũng bám bụi bẩn; ly tách ố vàng;...

Tại quán ăn, cũng nằm trong công viên phường 3, ghi nhận từ đoàn kiểm tra, việc thực hiện ATTP cũng tương tự, nhiều dụng cụ chứa thức ăn đều dơ bẩn, khu vực bếp và khu rửa chén khá bề bộn, không đúng quy định; riêng người làm bếp chỉ mặc độc chiếc quần lỡ, không có các trang thiết bị cần thiết như găng tay, khẩu trang, tạp dề,...

Gà rán (chiên) là món ăn được khá nhiều phụ huynh chọn cho con mình dùng hàng ngày. Tuy nhiên, khi tìm hiểu cách chế biến, bảo quản, người viết mới cảm nhận, rất nhiều người vẫn đang phó thác sức khỏe con em mình thông qua thực phẩm tại những quán ăn như thế này. Tại gian bếp của một quán gà rán nằm trên địa bàn phường 3, TP.Tân An, có rất nhiều ngăn chứa dầu với nhiều màu sắc khác nhau; ở những ngăn cuối, màu sắc của dầu càng đen đặc dần. Khi được hỏi, nhân viên tại đây cho biết, mỗi ngày, quán này rán khoảng 160-200 miếng gà. Dầu ăn dùng để rán gà, 4 ngày được thay 1 lần. Và nhân viên ấy khẳng định, đây là quy trình chế biến của công ty mẹ đưa ra.

Trong khi đó, các chuyên gia về dinh dưỡng lẫn chuyên gia về y tế có khuyến cáo về tác hại nghiêm trọng của việc sử dụng dầu ăn chiên đi, chiên lại nhiều lần,... Khi dầu bị đun nóng nhiều lần, thành phần hóa học thay đổi khiến một số chất dinh dưỡng trong dầu bị phá hủy và sẽ xuất hiện một số độc tố. Những chất này, khi vào cơ thể, sẽ phá hủy các men tiêu hóa làm khó tiêu, gây nhức đầu, chóng mặt, đau bụng, tiêu chảy, huyết áp tăng cao,... Ngoài ra, dầu ăn sử dụng nhiều lần sẽ dễ bị oxy hóa do tiếp xúc với oxy từ bên ngoài môi trường. Điều này không chỉ dẫn đến sự thay đổi bất lợi về mùi vị và màu sắc của món ăn mà còn gây các bệnh lý mãn tính như ung thư, tiểu đường, tim mạch,...


Màu dầu rán gà đen đặc tại một điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống

Tập trung kiểm tra

Xuất phát từ tình hình ATTP trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp thời gian qua nên các ngành: Y tế, NN&PTNT, Công Thương xây dựng kế hoạch, tập trung kiểm tra chuyên đề về ATTP nhằm kịp thời chấn chỉnh, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm, cảnh báo các mối nguy cơ về ATTP.

Tại thời điểm này, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) là đơn vị trực tiếp của Sở Công Thương thực hiện việc kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, các đội QLTT tăng cường công tác kiểm tra, chủ yếu trên các mặt hàng: Rượu, bánh kẹo, nước giải khát,... ở các đại lý, cửa hàng kinh doanh về hạn sử dụng, nhãn mác hàng hóa. Phòng y tế các địa phương chủ trì kiểm tra các cơ sở kinh doanh, chế biến thức ăn, dịch vụ ăn uống. Riêng Đoàn kiểm tra liên ngành thuộc Sở NN&PTNT tập trung kiểm tra về các sản phẩm có nguồn gốc từ nông, lâm và thủy sản.

Đoàn kiểm tra liên ngành thuộc Sở NN&PTNT tiến hành kiểm tra các quy định của pháp luật tại cơ sở sản xuất chao ở xã Lương Hòa, huyện Bến Lức. Tại đây, đoàn lập biên bản vi phạm hành chính đối với cơ sở này vì chưa thực hiện các biện pháp ngăn ngừa côn trùng, động vật gây hại, quy trình sắp xếp trang thiết bị, dụng cụ, nhà xưởng theo nguyên tắc một chiều,... Ngoài ra, đoàn cũng kiểm tra, thu mẫu thịt, rau tại chợ trên địa bàn tỉnh và tiến hành test nhanh mẫu rau về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; kiểm tra chất tạo nạc, chất cấm trong mẫu thịt heo, thủy hải sản.

Theo Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Phạm Văn Luân: “Thời gian qua, các đơn vị liên quan triển khai nhiều hoạt động tăng cường tuyên truyền, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhằm bảo đảm ATTP, góp phần nâng cao ý thức của người sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra, chúng tôi nhận thấy, nếu lãnh đạo đơn vị quan tâm, giám sát tốt nguồn nguyên liệu, cộng với người trực tiếp tiếp xúc thực phẩm thực hành tốt các nguyên tắc chế biến thực phẩm thì nguồn thực phẩm cung cấp đến người tiêu dùng sẽ tốt”.

Phó phòng Kinh tế TP.Tân An - Phạm Ngọc Long chia sẻ, trong quá trình kinh doanh, chính sự kém hiểu biết, vô tâm, bất chấp sức khỏe người tiêu dùng chỉ vì lợi nhuận của người kinh doanh là nhân tố ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Qua kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, đoàn kiểm tra liên ngành chú trọng kiểm tra, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về ATTP; yêu cầu chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ hợp vệ sinh; sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và có hợp đồng với nhà cung cấp; có chế độ kiểm tra, giám sát, ghi chép lại quá trình nhập nguyên liệu;... Có như vậy mới bảo đảm việc quản lý ATTP từ những cơ sở sản xuất, kinh doanh đến dịch vụ ăn uống,... ./.

Gia Hân

Chia sẻ bài viết