Tiếng Việt | English

01/08/2017 - 01:45

Anh đã sống và hy sinh như thế

Tạp chí Hồn Việt (số 66, tháng 01/2013) có đăng bài hồi ức nhan đề “Người bạn trên đường ra chiến trường”của nhà thơ Thanh Quế mà sau khi đọc ta không khỏi cảm kích trong lòng. Bài hồi ức trên cho biết tác giả khi ấy là học sinh miền Nam tốt nghiệp đại học 2 năm và đang công tác ở Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương.

Chân dung liệt sĩ Võ Dũng, con trai cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (Ảnh của Tạp chí Hồn Việt)

Vào tháng 9/1969, anh đến Vụ Miền Nam-thuộc Ban Tổ chức Trung ương - xin đi Nam, rồi được triệu tập đến Trường 105B - Trường Huấn luyện cán bộ đi B ở Hòa Bình.Tại đây, mọi người tập bắn súng, mang gạch đi bộ để chuẩn bị đi B (chiến trường miền Nam). Thanh Quế ở Chi II đi khu V. Anh quen với một cậu độ 18-19 tuổi, người roi roi, ở Chi I đi Nam bộ, mà mọi người bảo “con ông to đấy”. Họ còn nói “nó hư lắm nên ông bố gọi về Nam để rèn luyện. Mà nó cũng tỏ ra có dũng khí dân Nam kỳ lắm; trên cho đi máy bay vào Campuchia rồi về Nam bộ mà nó không chịu. Nó bảo đã đi Nam thì phải vượt Trường Sơn, nên về đây tập luyện để đi”. Ngay lập tức Thanh Quế có cảm tình với “con ông quan to” ấy, dù anh còn ngại mang tiếng “thấy người sang bắt quàng làm họ”. Một hôm tổ chức liên hoan văn nghệ, Thanh Quế được mời đọc thơ. Anh đọc bài thơ “Ta sẽ trở về” nói lên nguyện vọng tha thiết về Nam của mình như bài thơ “Về đi em” của nhà thơ chiến sĩ/liệt sĩ Lê Anh Xuân kêu gọi các bạn học sinh miền Nam trở về quê hương chiến đấu. Sau buổi liên hoan văn nghệ ấy, thì cậu học sinh kia tới níu tay Thanh Quế lại và tự giới thiệu tên Dũng- Phan Chí Dũng - đi Nam lấy tên Võ Dũng, và nói “em nghe anh đọc thơ tình cảm quá, lại có quen nhà thơ Lê Anh Xuân người Nam bộ của em, nên em muốn làm quen và từ nay anh em chơi với nhau”.

Sau đó, Dũng thường hay đến chơi với Thanh Quế và cho biết cha mình là Sáu Dân nhưng không nói làm gì ở trong Nam. Anh Quế cũng chẳng rõ Sáu Dân là ai. Ba Dũng ở chiến trường miền Nam có ra Bắc họp vài lần và có đến trường thăm con; có gởi gắm các chú quan tâm chăm sóc con. Tuy nhiên, “trước mặt ba Dũng, họ “vâng, dạ” dữ lắm. Họ nói họ sẽ lo cho Dũng còn hơn con họ. Nhưng ba Dũng về Nam, họ lại chẳng yêu thương gì Dũng, đôi lúc Dũng chơi với con họ, con họ làm sai mà cứ đổ cho Dũng này nọ, mắng chửi Dũng. Dũng chán quá. Dũng bắt đầu nghịch ngợm, đánh lộn. Đứa nào “chơi” Dũng là Dũng “chơi” lại liền” - tác giả Thanh Quế viết. Và Dũng cũng bày gan ruột với anh rằng, chính cái sự “tức khí” ấy làm cho mình hư và ba Sáu Dân phiền lòng. Các chú viết thư báo tin cho ba Dũng, không biết nói thế nào mà ba rất buồn và viết cho con: “Từ khi má con mất ba buồn lắm. Ba lại nghe các chú nói con rất hư, ba buồn hơn. Thôi, con hãy về đây, cha con mình có nhau, để ba có điều kiện giúp con tiến bộ, trưởng thành, để con sưởi ấm lòng ba…”. Đó cũng là một trong những động cơ giục Dũng tình nguyện về Nam. Mặc cho tổ chức bố trí Dũng đi máy bay qua Campuchia, rồi giao liên sẽ đưa Dũng về gặp ba, nhưng cậu dứt khoát “con không đi máy bay đâu. Đã đi Nam là phải vượt Trường Sơn…”.

Hồi ức trên cho biết, sau đó Dũng vẫn trang bị bình thường như mọi người, trèo đèo leo núi như mọi người và hay mang vác giúp bạn đồng hành khi vượt dốc cao; san sẻ từng miếng ăn, từng điếu thuốc (cậu không ghiền, nhưng có mang theo). Tới lúc Thanh Quế hết thuốc, hỏi xin, Dũng bảo em cũng hết rồi. Nhưng khi đến Quân khu V, phải chia tay nhau, cậu lại moi ba lô lấy ra 2 tút thuốc Tam Đảo đưa cho Thanh Quế, nói anh cầm mà hút, anh ghiền hơn em. Bữa trước em lo có thuốc anh sẽ “đục” liền miệng, lúc chia tay sẽ không còn gì để tặng anh. Rồi Dũng ghi vội địa chỉ “chú Sáu Dân, hòm thư…” đưa cho người anh kết nghĩa; mắt rưng rưng ngấn lệ: “Thống nhất, anh em mình nhớ tìm nhau ở địa chỉ này nghen”.

Sau giải phóng, nhà thơ Thanh Quế vào Sài Gòn gặp bạn - nhà thơ Diệp Minh Tuyền - vốn ở gần chú Sáu Dân (lúc này là đồng chí Võ Văn Kiệt, Chủ tịch Ban Quân quản Sài Gòn-Gia Định). Người này cho biết Dũng vào Nam xin làm lính trinh sát ở Quân khu 9. “Nó dũng cảm lắm, cứ bám đơn vị mãi. Ông Lê Đức Anh, Tư lệnh Quân khu, biết Dũng là con trai chú Sáu Dân, Chính ủy Quân khu nên có ý rút về Quân khu để đỡ tổn thất. Nhưng chính chú Sáu Dân gởi con trai vào trinh sát để rèn luyện, trưởng thành, nên chưa kịp rút Dũng về với cha, Dũng đã hy sinh!” - nhà thơ Diệp Minh Tuyền nói.

Bài hồi ức cho thấy tính cách một “con ông cháu cha” hiền mà “ngang tàng-hảo hán”, chỉ vì bị các chú ở trường đối xử không công bằng mà dám “chơi” lại đám con ngỗ ngáo của họ, để rồi các chú ấy viết thư “méc” ba cậu, ba cậu lo sợ con mình bị hư, bức xúc gọi con về Nam với mình để mình kịp thời giáo dục, uốn nắn.

Người viết bài này có đọc một tư liệu khác đăng trên tờ báo nọ với nội dung đại khái: Sau này, khi đang là Thủ tướng Chính phủ, mà vợ và con trai hy sinh trong chiến tranh chưa tìm được hài cốt, chú Sáu Dân có tổ chức một cuộc họp mặt bạn học cùng lớp với Võ Dũng. Chú hỏi các cháu cùng học, cùng chơi với Võ Dũng thấy Dũng thế nào? Dũng có bạn gái không? Bạn gái Dũng có con với Dũng không? Nếu có, chú xin nhận con dâu và cháu nội. Các bạn đồng môn của Võ Dũng xúc động cùng òa khóc vì quá yêu thương tấm lòng “ông già”. Một bạn đứng lên thưa chuyện: “Bạn Dũng chỉ lo học, rồi xung phong về Nam chiến đấu ở tuổi đôi mươi chưa kịp có người yêu”. Bài báo còn nêu chi tiết: Trong một đêm công đồn, Võ Dũng đã ngã xuống một cánh đồng ở Quân khu 9…

Xin chân thành thắp nén hương lòng tưởng nhớ anh-liệt sĩ Võ Dũng!

Quang Hảo

(Cảm kích sau khi đọc hồi ức về liệt sĩ Võ Dũng, con trai cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) 

Chia sẻ bài viết