Tiếng Việt | English

28/06/2016 - 21:01

Anh đứng trước cuộc khủng hoảng kép sau Brexit

Anh đang đứng trước cuộc khủng hoảng kép: khoảng trống quyền lực và bất ổn kinh tế sau kết quả cuộc trưng cầu dân ý Brexit gây chấn động thế giới.

Đảng Bảo thủ cầm quyền cho biết, nước Anh sẽ có Thủ tướng mới vào đầu tháng 9 sau khi thủ tướng David Cameron tuyên bố sẽ từ chức, “nhường” việc thực hiện các thủ tục rút khỏi EU cho người kế nhiệm ông.

"Con tàu" Anh đang chao đảo trước sóng dữ sau Brexit. Ảnh AP

Chính phủ Anh đứng trước sức ép phải khỏa lấp khoảng trống quyền lực sau khi Thủ tướng Cameron thông báo sẽ từ chức trước đại hội hàng năm của đảng Bảo thủ, với tuyên bố không thể chèo lái đất nước theo hướng đi mới nằm ngoài sự lựa chọn của ông.

Trong cuộc đua vào chính trường Anh đã xuất hiện một số cố vấn thân cận của thủ tướng đương nhiệm như Bộ trưởng Lao động và Hưu trí Stephen Crabb, Bộ trưởng nội vụ Theresa May, Bộ trưởng Y tế Jeremy Hunt....

Tuy nhiên, gương mặt được quan tâm nhất là cựu Thị trưởng Boris Johnson, nhân vật nổi bật trong chiến dịch vận động "Brexit".
Ông Graham Brady, Chủ tịch "Ủy ban 1922" của đảng Bảo thủ, vốn là nhóm đặt ra luật lệ nền tảng của đảng này trong quốc hội cho biết quá trình chọn thủ tướng mới cần diễn ra ngay trong tuần tới và người kế nhiệm Thủ tướng Cameron cần phải nhậm chức vào tháng 9 tới.

Bản thân Thủ tướng Anh Cameron cho biết, ông đã thành lập một đơn vị độc lập để giúp tư vấn cho chính phủ về việc rời EU cũng như định hướng tương lai cho Anh sau khi không còn trong Liên minh.

Về đề xuất xin tổ chức cuộc trưng cầu thứ hai việc đi hay ở lại EU sau khi có những ý kiến hối hận về việc lựa chọn Brexit, Thủ tướng Cameron tuyên bố, kết quả của cuộc bỏ phiếu hôm 23/6 phải được chấp nhận. Ông cũng khẳng định sẽ không có bầu cử Quốc hội mới trước khi Anh đàm phán về ra khỏi EU.

Những ngày qua, sự kiện Brexit đã gây ra những cú sốc đối với thị trường thế giới và trùm tài phiệt George Soros cảnh báo tình cảnh sẽ còn tệ hại hơn ngày thứ 4 đen tối mà nước Anh từng trải qua hồi đầu những năm 1990.

Trả lời phỏng vấn báo chí ngày 27/6 bên lề Diễn đàn Davos Mùa hè ở Thiên Tân (Trung Quốc), ông Chu Dân, Phó Tổng Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nói: “IMF đã tiến hành các phân tích cho thấy, nếu nước Anh rời EU thì GDP của nước này sẽ mất 1,4% trong 3 năm tới. Nếu nền kinh tế Anh không vận hành tốt, người dân thiếu niềm tin, đầu tư giảm đáng kể thì khi đó, GDP có thể mất tới 5,6%”.

Hôm qua, hai hãng xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới là Standard & Poor's và Fitch đều đã hạ mức tín nhiệm của Anh, đồng thời cảnh báo các nguy cơ dẫn tới những biến động về kinh tế và chính trị sau khi đa số cử tri nước này bỏ phiếu ủng hộ Brexit.

Standard & Poor's phân tích, quyết định Brexit là sự kiện có tác động mạnh đến sự phát triển lâu dài, khiến các chính sách của Anh ít ổn định và kém hiệu quả hơn.

Brexit cũng có thể làm giảm hiệu suất kinh tế của nước này, trong đó có phân khúc các dịch vụ tài chính lớn vốn góp phần chủ yếu tạo việc làm cho người lao động. Hãng Fitch cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Anh năm 2017 và 2018 xuống 0,9%, từ mức 2% trước đó.

Trước những cảnh báo này, Bộ trưởng Tài chính Anh Osborne phải lên tiếng trấn an rằng việc Anh rời EU có thể gây ra những bất ổn trên thị trường tài chính nhưng nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới này có thể đối phó với các thách thức phía trước.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo châu Âu chủ chốt như Đức, Pháp và Italy đã hối thúc Anh không lãng phí thời gian, mà ngay lập tức phải bắt đầu các thủ tục “ly hôn” với EU nhằm tránh kéo dài thời gian “treo” có thể gây thêm bất ổn.

Thủ tướng Đức Angle Merkel, Tổng thống Pháp Hollande và Thủ tướng Italia Matteo Renzi đều nhất trí sẽ không có các cuộc thảo luận không chính thức nào với Anh cho tới khi Anh chính thức nộp đơn xin ra khỏi EU lên Hội đồng châu Âu.

27 thành viên còn lại của EU sẽ phối hợp hành động để đảm bảo an ninh biên giới, thúc đẩy kinh tế và tạo việc làm cho giới trẻ trong hành trình mới mà không có nước Anh./.

Trần Nga/VOV

Chia sẻ bài viết