Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Chiểu – Những hồi ức hào hùng

 

Ở tuổi “xưa nay hiếm”, thế nhưng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND) – Nguyễn Văn Chiểu (Tư Chiểu) vẫn có trí nhớ rất tốt, vẫn kể lại rành mạch những trận chiến hào hùng trong cả 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, khi ông cùng đồng đội góp tuổi xuân của mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, vì quê hương hòa bình, độc lập hôm nay.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Chiểu – Những hồi ức hào hùng

AHLLVTND Nguyễn Văn Chiểu sinh năm 1930, quê ở xã Mỹ Thành, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Ông tham gia cách mạng từ năm 16 tuổi, đến năm 19 tuổi thì trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam rồi trực tiếp chiến đấu trong đội ngũ Quân đội Nhân dân Việt Nam.

 

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Chiểu – Những hồi ức hào hùng

Nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang (phải) đến thăm Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Chiểu. Ảnh: Giản Thanh Sơn

Ở tuổi 90, ông vẫn nhớ như in những ngày mới tham gia kháng chiến, trong đó, trận đánh ông tham gia đầu tiên là tại xã Mỹ Thành Bắc. Trải qua 9 năm kháng chiến chống Pháp đến 21 năm chống Mỹ, biết bao lần gặt hái chiến công, góp phần cùng cả nước có được tự do, độc lập, nhưng có lẽ, ông luôn tự hào khi là Tiểu đoàn trưởng đầu tiên của “Tiểu đoàn 3 lần anh hùng” – Tiểu đoàn Bộ binh 1 Long An, hay còn được biết đến truyền thống “Điều đâu đi đó, chỉ đâu đánh đó, đánh đâu thắng đó”.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Chiểu – Những hồi ức hào hùng

 

Theo AHLLVTND Nguyễn Văn Chiểu, Đơn vị 1 cơ động tỉnh (hay còn gọi là Đại đội 1 cơ động, tiền thân của Tiểu đoàn Bộ binh 1) thành lập ngày 17/6/1960, lúc ấy đơn vị chỉ gần 100 người, sau đó mới mang tên “Tiểu đoàn 1 Long An” khi chính thức ra mắt ngày 21/01/1964.

 

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Chiểu – Những hồi ức hào hùng

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trương Hòa Bình và lãnh đạo tỉnh Long An thăm Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Chiểu

 

Được biết, đơn vị có nguồn gốc từ những cán bộ, đảng viên và những người yêu nước còn lại ở địa bàn Tân An, Chợ Lớn, sau khi phần lớn lực lượng vũ trang ta chuyển quân tập kết theo Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954. 

 

Những chiến sĩ cách mạng ấy đã bám địa bàn, lãnh đạo quần chúng đấu tranh để tồn tại, chống lại chính sách “tố cộng diệt cộng” của Mỹ - Diệm, sau đó thành lập các đơn vị vũ trang đầu tiên của tỉnh Long An với các phiên hiệu Tiểu đoàn 506, Tiểu đoàn 508.
 
 

Đơn vị 1 là sự kết tinh của chất lượng và truyền thống của các đơn vị mang phiên hiệu Tiểu đoàn 506 và 508. Những cán bộ có công gây dựng những đội vũ trang đầu tiên vẫn là những cán bộ chỉ huy chủ chốt của đơn vị như đồng chí Tư Chiểu, Tư Ấp (Nguyễn Văn Ấp), Mười Xưởng (Trương Công Xưởng).

 

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Chiểu – Những hồi ức hào hùng

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Chiểu hồi tưởng lại những ngày thành lập Tiểu đoàn 1

Vừa thành lập xong, đơn vị đã nhận lệnh tổ chức trận đánh đầu tiên để gây khí thế và chuẩn bị cho đợt 2 Đồng Khởi. Ý định của Tỉnh đội là đánh vận động tiêu diệt 1 đại đội bảo an hàng ngày thường đi từ Giồng Bún đến Tho Mo – Cốc Rinh.

Tuy nhiên, trong trận đánh này, ta lại không cân sức khi gặp đánh với Tiểu đoàn Cọp Đen do bà Trần Lệ Xuân (vợ của Ngô Đình Nhu đỡ đầu), nổi tiếng hung ác. Tuy nhiên, địch lại mất gần 100 tên, còn ta thương vong rất cao, đồng chí Tư Chiểu cũng bị thương trong trận này.

Sau đó, ta chuẩn bị bước vào đợt 2 Đồng Khởi (bắt đầu từ tháng 8/1960), lần này, Đại đội 1 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Kết thúc Đồng Khởi đợt 2, Long An đã giải phóng được 12 xã, làm chủ nhiều xã, thu thêm gần 200 khẩu súng. Đây là thành tích chung của toàn quân và dân Long An mà Đại đội 1 là lực lượng nòng cốt.

Đến cuối 1960, ta chuẩn bị Đồng Khởi đợt 3 với khẩu hiệu “Đuổi kịp và vượt Bến Tre”. Theo lời kể của đồng chí Tư Chiểu, Long An thực hiện vũ trang – chính trị. Nhiệm vụ của lực lượng vũ trang nói chung và của Đại đội 1 nói riêng có những thay đổi về phương thức hoạt động, không chỉ đánh đồn bót và diệt sinh lực địch mà còn trực tiếp làm công tác vận động quần chúng nổi dậy đấu tranh chính trị.

 

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Chiểu – Những hồi ức hào hùng

Hiệp Hòa là trung tâm huấn luyện biệt kích do Mỹ thiết lập, có tầm quan trọng đối với chiến trường Nam bộ vì cung cấp lính biệt kích cho chiến trường miền Đông và một phần miền Tây. Khi Tỉnh ủy Long An xin đánh, Quân khu chấp thuận.

Bộ phận đi nghiên cứu mục tiêu gồm các đồng chí chỉ huy chủ chốt của Đại đội 1: Tư Ấp, Mười Xưởng, Nguyễn Văn Chiểu,… cùng các chiến sĩ đặc công trinh sát giỏi nhất của Tỉnh đội Long An.

Chỉ huy toàn bộ các lực lượng tham gia trận đánh là đồng chí Tư Vũ – Tỉnh đội trưởng và Tư Thân – Chính trị viên Tỉnh đội, đồng chí Tư Chiểu và một số cán bộ tác chiến của tỉnh. Năm 1963 này, đồng chí Nguyễn Văn Chiểu chỉ vừa tròn 33 tuổi, ông là 1 trong 3 cán bộ trực tiếp chỉ huy 3 mũi đánh vào Trại biệt kích Hiệp Hòa.

Xác định đây là đòn quyết định, chuyển từ tình thế bị động khó khăn sang phản công, tấn công phá tan chương trình bình định của địch và vươn lên đánh quỵ Sư đoàn 25, mở rộng vùng giải phóng, do đó, Long An đã sử dụng hầu hết lực lượng tập trung của tỉnh và tất cả cán bộ nòng cốt cho trận đánh này.

Đồng chí Nguyễn Văn Chiểu, với vai trò là một trong những cán bộ chỉ huy trực tiếp trận đánh phải có sự sáng suốt, tinh thần trách nhiệm rất cao để cùng đồng đội hoàn thành nhiệm vụ.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Chiểu – Những hồi ức hào hùng

Sa bàn diễn biến Trận Hiệp Hòa được trưng bày tại Công viên Tượng đài Long An Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc

Đêm 22 rạng 23/11/1963, Tỉnh đội quyết định tiến hành trận đánh. Chỉ sau hơn 30 phút chiến đấu, ta đã làm chủ hoàn toàn trận địa, diệt hàng trăm tên biệt kích, bắt hơn 100 tên, trong đó có 4 cố vấn Mỹ. Sáng hôm sau, địch còn mất thêm 2 trung đội biệt kích vì bị nhân dân tấn công binh vận và bị nghi ngờ làm nội ứng cho Việt cộng nên tự tan rã.

 

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Chiểu – Những hồi ức hào hùng

Hộp hình Trận Hiệp Hòa tại Công viên Tượng đài Long An Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc

Chiến thắng Hiệp Hòa là thành tích chung của quân và dân Long An, trong đó, Đại đội 1 đóng vai trò là lực lượng chủ yếu. Thắng lợi của trận đánh có ý nghĩa rất lớn đối với nhiệm vụ phá ấp chiến lược của Long An vì đây là trận đánh mở đầu cho việc thực hiện nghị quyết quyết tâm phá ấp chiến lược của Tỉnh ủy.

Thắng lợi này đã tạo ra khí thế mới, chấm dứt một thời kỳ khó khăn khi chưa tìm ra cách đánh. Trận đánh còn thu được số lượng vũ khí rất lớn cho các lực lượng trên toàn tỉnh. Số vũ khí này có ý nghĩa thiết thực vì thời kỳ đó, khi sự chi viện về vũ khí từ miền Bắc còn rất hạn chế.

 

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Chiểu – Những hồi ức hào hùng

Đây là trận điển hình của sự vận dụng và tạo sức mạnh tổng hợp bằng cách kết hợp chặt chẽ 3 mũi giáp công chính trị, binh vận, quân sự. Đặc biệt, sự kiện này cũng ghi dấu lần đầu ta bắt được sĩ quan cố vấn Mỹ ở Nam bộ, sau trận đánh, các hãng thông tấn Mỹ đã đưa tin: “Lần đầu tiên một trại huấn luyện biệt kích Mỹ bị chiếm chỉ sau 40 phút chiến đấu, không kịp kêu cứu!”.

 

Trận Hiệp Hòa trở thành điểm son sáng chói trong truyền thống chiến đấu của đơn vị, đó cũng là trận đánh lớn sau cùng của thời kỳ đơn vị mang tên “Đại đội 1 cơ động” để chuẩn bị chuyển sang một thời kỳ phát triển rực rỡ hơn khi chính thức mang tên “Tiểu đoàn 1 Long An”. 

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Chiểu – Những hồi ức hào hùng

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Chiểu – Những hồi ức hào hùng
 

Lúc bấy giờ, Tiểu đoàn 1 được giao đánh điểm Đức Lập, một vị trí hết sức quan trọng đối với địch ở Đức Hòa. Đối với ta, vị trí Đức Lập án ngữ trên hành lang cơ động từ An Ninh - Lộc Giang đi xuống vùng Hạ Đức Hòa.

Trong trận Đức Lập lần 1 (đêm 28, rạng 29/9/1965), sau khi điều nghiên quy luật hoạt động của địch, Ban Chỉ huy trận đánh gồm các đồng chí Nguyễn Văn Chiểu, Trương Công Xưởng. Khi ấy, Ban Chỉ huy đưa ra chiến thuật: Tập kích, bí mật, bất ngờ, đánh nhanh, diệt gọn. Chỉ sau 45 phút chiến đấu, ta tiêu diệt gọn Tiểu đoàn 33 biệt động quân.

Đến trận Đức Lập 2 (27/10/1965), sau 3 giờ chiến đấu, ta tiêu diệt 514 tên địch. Trận đánh này làm cho quân địch hoang mang, khí thế cách mạng trong vùng lên cao, quần chúng rất tin tưởng, phấn khởi.

Sau 2 trận đánh, ta quyết tâm giải phóng Đức Lập, cô lập tỉnh lỵ Hậu Nghĩa, Tỉnh ủy và Tỉnh đội Long An hạ quyết tâm đánh trận Đức Lập lần 3 vào ngày 20/11/1965. Lần này, ta đã đánh diệt cơ bản 2 tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 46, Sư 25 ngụy, 2 đại đội Bảo an, dân vệ, chết tại chỗ 78 tên. Sau trận này, địch bỏ không đóng tại Đức Lập nữa.

 

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Chiểu – Những hồi ức hào hùng

Mô hình Đồn Đức Lập trưng bày tại Công viên Tượng đài Long An Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc

Để có được những chiến công trên, toàn bộ Ban Chỉ huy và lực lượng cán bộ, chiến sĩ có lòng quyết tâm cao độ, sự nghiên cứu kỹ lưỡng, chuẩn bị chu đáo về mọi mặt cùng trình độ chiến thuật, kỹ thuật cao, sự phối hợp giữa các binh chủng cùng các lực lượng của khu, tỉnh, huyện và du kích xã.

Chiến thắng này cũng minh chứng cho sự trưởng thành vượt bậc của lực lượng vũ trang Long An, đẩy mạnh phong trào cách mạng, làm suy yếu lực lượng kẻ thù.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Chiểu – Những hồi ức hào hùng

Tên tuổi của AHLLVTND Nguyễn Văn Chiểu gắn liền với Tiểu đoàn 1 không chỉ ở những trận đánh Hiệp Hòa, Đức Lập mà còn rất nhiều trận đánh khác như Phước Lý, Hựu Thạnh, Nhựt Chánh, Cầu chữ Y.

Sau này, còn có những trận đánh lớn trong chiến dịch Mậu Thân 1968, cuộc tấn công và nổi dậy năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông đã cùng đồng đội lập nên những chiến công vang dội, khiến quân thù bạt vía, trong đó, có nhiều trận tạo nên bước chuyển biến lớn trên chiến trường, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Hiện nay, dù đã cao tuổi nhưng trí nhớ của ông vẫn còn rất tốt. Ông như một quyển lịch sử “sống”, từng địa danh lịch sử, đồng chí nào cùng tham gia tác chiến, trận đánh diễn ra vào thời gian nào,… ông vẫn nhớ như in.

 

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Chiểu – Những hồi ức hào hùng

9 năm chống Pháp, 21 năm chống Mỹ, bản thân ông trực tiếp chiến đấu và chỉ huy chiến đấu khoảng 450 trận lớn nhỏ, trong đó, diệt gần 50 đại đội, 10 tiểu đoàn địch (9 tiểu đoàn chủ lực cùng 1 liên đoàn bảo an).
 

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Chiểu – Những hồi ức hào hùng

Trận đánh Đình Mương Trám cũng là một trong những chiến công nổi bật của Tiểu đoàn 1 

Trong đó, những trận tiêu biểu diệt được tiểu đoàn địch là Chi khu Đức Huệ - khu vực Quéo Ba, trận đánh đồn Đức Lập 1, 2, 3; trận ngã ba Hòa Khánh; trận Cầu Bắc (xã Hựu Thạnh Hạ); trận Đình Mương Trám (xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức); trận Bình Đức (xã Bình Đức, huyện Bến Lức) – đây là trận diệt Liên đội Bảo An, 5 Trung đội, 1 Đại đội và Thiếu tá ngụy; trận Cống Tám Liễu; trận Long Hòa (xã Long Hòa, huyện Cần Đước); trận xã Phước Lý (huyện Cần Giuộc). 

 

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Chiểu – Những hồi ức hào hùng

Suốt quãng thời gian tham gia kháng chiến, ông bị thương 4 lần với 6 vết thương, trong đó, có những lần tưởng “không qua khỏi”, nhờ có đồng đội luôn cận kề, sự quyết tâm của chính bản thân ông để tiếp tục được chiến đấu vì hòa bình, độc lập, từ đó góp phần tô thắm 8 chữ vàng “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” của quê hương Long An.

 

Sau này, AHLLVTND Nguyễn Văn Chiểu là Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Trưởng Ty Công An tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Long An, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VII, Phó Ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương, Phó Ban Tổ chức Trung ương, ông tiếp tục có những đóng góp đáng kể cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì hạnh phúc, bình yên của nhân dân.
 

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Chiểu – Những hồi ức hào hùng

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An - Phạm Văn Rạnh trao Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng cho Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Chiểu
 
Cả cuộc đời mình, với những cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng chí Nguyễn Văn Chiểu được tặng thưởng 2 Huân chương Quân công, Huân chương Độc lập hạng Nhì, 2 Huân chương Chiến công, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất và 10 Huân chương cao quý khác.

 

Ngày 24/6/2005, ông được Nhà nước tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.
 

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Chiểu – Những hồi ức hào hùng

 

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Chiểu – Những hồi ức hào hùng

Dù tuổi đã cao, AHLLVTND – Nguyễn Văn Chiểu vẫn vô cùng tâm huyết với quê hương. Trong gian phòng nhỏ của mình, con cháu vẫn bố trí tivi, sách báo để ông theo dõi tình hình thời sự, vẫn ngày ngày dõi theo sự phát triển của đất nước.

 

 

Trân trọng biết bao những người đã dành cả cuộc đời với quê hương, đến khi tóc bạc, da mồi vẫn nặng tình cùng đất nước. Giờ đây, những người sống, chiến đấu cùng thời với ông không còn nhiều nữa, thế nên, cơ hội được gặp gỡ, trò chuyện cùng ông là niềm vinh dự không phải ai cũng có được.

Qua những câu chuyện của ông, thế hệ hôm nay càng hiểu thêm sự gian khổ của cha anh ngày trước, có được độc lập, tự do phải đánh đổi bằng mất mát, hy sinh của bao lớp cha anh,…/.

Thanh Hiểu - Phạm Ngân

Ngày xuất bản: 19/08/2020
Chia sẻ: