Tiếng Việt | English

14/12/2018 - 08:58

Anh hùng - phi công huyền thoại giữa đời thường

Đại tá về hưu Nguyễn Hồng Vĩnh ở TP.Tân An, tỉnh Long An cùng nhóm bạn vừa đi thăm Đại tá, Anh hùng Nguyễn Văn Bảy ở Đồng Tháp về. Đại tá Hồng Vĩnh có chụp ảnh, quay phim toàn cuộc gặp gỡ lý thú này và có nhã ý trao tư liệu “kiến kỳ hình” nhân vật trên đây cho người viết tùy nghi sử dụng. Sau đây là một ít nội dung từ tư liệu trên.

Anh hùng, phi công huyền thoại Nguyễn Văn Bảy (bên phải) với giọng cười hào sảng đậm chất Nam bộ

Anh hùng, phi công huyền thoại Nguyễn Văn Bảy (bên phải) với giọng cười hào sảng đậm chất Nam bộ

Đến thị trấn Lai Vung, vào quán cà phê, nghe người ta tán tụng về ông, gọi ông là Anh hùng Bảy Lúa với sự tôn vinh, trọng vọng bởi Bảy Lúa là cựu chiến binh - Đại tá, Anh hùng phi công về hưu, từ giã chốn phồn hoa, về nơi sinh ra ông hơn 80 năm trước, sống đời thường đạm bạc cùng nông dân ấp Hậu Thành, xã Tân Dương (Lai Vung, Đồng Tháp). Họ bảo, trước khi ông về, đây là vùng sâu không điện, không nước sạch; mưa to là ngập hết các lối đi. Từ khi về trên mảnh đất cha mẹ để lại, ông chạy đôn chạy đáo vận động và tự thân đóng góp để cả ấp - dù vẫn trong đồng sâu - có đủ điện, đường, trường, trạm, nước máy cho mỗi hộ dân.

Theo con đường bờ kênh, chúng tôi đi vào ấp Hậu Thành chừng hơn một cây số là thấy ngôi nhà cấp 4 nằm bên kia dòng kênh hẹp, lọt thỏm trong vườn cây, nổi lên biểu tượng binh chủng Không quân trên mặt dựng ngôi nhà, là nhà Anh hùng Bảy Lúa. Ông dáng gầy, nụ cười luôn rạng rỡ trên môi, hàm răng trắng đều, râu dài viền quanh càng tôn vẻ quắc thước của ông già 82 tuổi. Ông đang bơm nước từ ao sen lên tưới cây và những luống rau trên khu vườn cây trái đặc sản miền Tây. Thấy khách đến, ông dừng tay, cười hiền. Dẫu chưa quen biết nhau, ông vẫn bảo chúng tôi vào nhà chơi hay đi dạo vườn cho khỏe... Nói chưa dứt câu, bất chợt ông nhảy ùm xuống cái ao trong vườn mát lạnh. Chúng tôi rảo quanh vườn cây ra trái lúc lỉu và sân kiểng có lẽ đã thấm nhiều mồ hôi công sức của ông nên chỗ nào cũng chỉn chu.

Trong gian nhà đơn sơ mà ngăn nắp. Ở một bức tường treo chiếc áo lính với đầy đủ quân hàm Đại tá và huân chương gắn trên ngực áo. Có chỗ treo ảnh lưu niệm; nhiều tấm ảnh ông chụp với các đoàn khách, có đoàn là cựu binh Mỹ cùng dự bữa cơm gia đình với ông có đủ món cây nhà lá vườn. Có ảnh chú thích ông đi Mỹ theo lời mời của các cựu phi công Mỹ và họ ra tận sân bay đón ông. Họ là những phi công từng tham chiến ở Việt Nam, từng đọ cánh với ông trên bầu trời miền Bắc (1965-1968), tức thời gian 3 năm ông bắn rơi 7 chiếc máy bay chiến đấu của Mỹ gồm 2 chiếc tiềm kích siêu thanh F-105 và 5 chiếc F-4 khiến họ hết sức nể phục ông, bởi Mig-17 ông lái bay chậm hơn và chỉ được trang bị pháo 37mm ngắm bắn chứ chưa có tên lửa mà lại hạ được “Thần sấm” (Thunderchief) F-105 của họ trang bị vũ khí hiện đại đến tận chân răng!

“Ê! Lại đây làm ba miếng rồi tao nói cho nghe” - tiếng ông rổn rảng. Ông dùng đại tự nhân xưng “tao” với chúng tôi kiểu như “ông già Nam bộ” nói chuyện với con cháu, dễ gần gũi, hòa đồng. Thì ra, nãy giờ ông đi làm món đãi khách! “Cá này tao nhảy ùm xuống ao giở mấy cái dớn, cái vèo lên là có. Toàn cá thả ao phó mặc cho thiên nhiên, lâu lâu tao mò bắt cho vui rồi biếu hàng xóm người một ít ăn chơi” - ông nói và cười bỗ bã khi rót rượu từ cái bình 20 lít to đùng đặt trên bàn vào cái ly uống cà phê, nhưng ông chỉ nhấp từng chút một, chớ không uống cả hớp. Đặt ly xuống bàn, ông chậm rãi kể chuyện mà tiếng cười nhiều hơn tiếng nói. Ông bảo, đời ông toàn ứng với con số 7. Ông thứ Bảy, tên Bảy. Năm 17 tuổi, tía má ông bắt lấy vợ, ông không chịu, trốn đi du kích đánh Tây. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, ở đơn vị Bộ binh. Văn hóa chưa qua hết lớp 3, đơn vị đưa ông đi Lạng Sơn học bổ túc văn hóa một lèo 7 năm từ lớp 4 lên hết lớp 10. Năm 1960, ông đổi qua binh chủng Không quân, được cử đi học lái máy bay phản lực ở Liên Xô. Mới đầu học lái Yak- 52, sau học lái Mig-17 (lại cũng con số 7!). Ông nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 1967 (cũng số 7 nữa!). Bất chợt, bà bê thêm đồ nhậu để lên bàn. Ông nắm tay bà:“Tụi bây biết không, năm 1966, tao đang huấn luyện ở Sân bay Cát Bi (Hải Phòng) thì gặp bà này. Hổng dè cùng quê với tao ở trong Nam, tập kết ra Bắc, là học sinh miền Nam. Tháng 4/1966, đang làm đám cưới còn dở dang thì nghe còi báo động có máy bay Mỹ. Vậy là tao phải tức tốc lên máy bay chiến đấu...”. Rồi ông đi bê cái hộp kính đến, bảo đây là quà Ban Liên lạc Câu lạc bộ Truyền thống Không quân phía Nam tặng trong dịp ông tròn 80 tuổi vào năm 2016. Đó là mô hình bay mô phỏng cuộc đọ sức giữa Mig-17 của ông với F-4 của Mỹ và tấm ảnh chân dung ông trong bộ quân phục Đại tá Không quân với lời đề tặng:“Kính tặng Anh hùng Nguyễn Văn Bảy, phi công huyền thoại Mig-17. Kỷ niệm anh tròn 80 tuổi; tròn 50 năm anh cưới chị Trần Thị Niên; tròn 50 năm anh bắn rơi chiếc F-4 trên bầu trời Hà Bắc vào ngày 26/4/1966”.

Ông kể tiếp: Tháng 4/1965, ông hoàn thành xuất sắc chương trình học lái Mig-17, trở về nước nhận nhiệm vụ lái Mig đi đánh “giặc lái” Mỹ. Ông sửa lại thế ngồi, đặt 1 bàn chân lên ghế, đưa 2 bàn tay to bè gân guốc ra mô tả, biểu diễn từng trận không chiến với Mỹ trên bầu trời Bắc bộ. Ông có tất cả 13 lần xuất kích, trong đó có 7 lần ông bắn hạ 7 máy bay Mỹ (2 chiếc F-105 và 5 chiếc F-4). “Tao nhớ mãi lần đầu tiên là ngày 19/6/1965, biên đội Mig-17 của tao được lệnh xuất kích vì máy bay Mỹ đang quần trên bầu trời Yên Thế. Khi Mig-17 của tao lao tới, chúng nó kéo cả bầy ùa lại phản kích, bắn đạn quá rát làm tao phải luồn lách liên tục để né. Tới chừng Mig-17 của tao chao lắc dữ quá, biết “nó” bị thương nhiều rồi, tao “bậm gan” bay vút ra ngoài vòng vây máy bay Mỹ rồi tìm chỗ hạ cánh. Xuống đất coi lại, ôi thôi, nguyên phần đuôi Mig-17 của tao bị trúng đạn, đếm có hơn 80 lỗ thủng! Vậy mà hạ cánh an toàn được mới hay chớ! Khà... khà...”. Uống cạn ly, ông vẫn chưa dứt tiếng cười. Liên tiếp các trận sau, ông rút kinh nghiệm xương máu. Năm 1966, từ trận 21/6 đến trận 24/6, mỗi trận ông hạ 1 máy bay Mỹ. Trận 24/6 là trên bầu trời Bắc Thái, 2 máy bay Mỹ đang ném bom bừa bãi. Phi đội ông mỗi người một chiếc Mig từ xa bất ngờ lao thẳng vào đội hình máy bay Mỹ (ông biểu diễn linh hoạt bằng 2 bàn tay). Mig-17 của ông có lúc bay theo trục thẳng đứng vút lên, bổ nhào xuống, nã đạn. Một chiếc F-4 Mỹ trúng đạn bốc cháy trên không trung. Chiếc còn lại cũng bị đồng đội ông bắn rớt. Ông dừng nói, ngẫm nghĩ. Rồi như chợt nhớ qua cảm xúc, ông vỗ đùi: “Đúng là trận ngày 05/9, tao và Võ Huy Mẫn mỗi phi công một chiếc Mig trên bầu trời, phát hiện hướng Cầu Giẽ, Phủ Lý nằm giữa Hà Tây và Nam Hà, có 2 chiếc F-8 ném bom rồi lủi lên đám mây mù dày đặc để trốn. Tao gọi cho Mẫn cùng bất thần lao Mig tới mục tiêu và nã đạn. Cả 2 chiếc oanh tạc cơ Mỹ cùng rụng cánh ngay! Khi bay trở về, tao, Mẫn đều vinh dự được Bác Hồ tặng Huy hiệu Chủ tịch Hồ Chí Minh!”. Bất chợt mắt ông mọng nước, giọng như thì thầm: “Mấy năm chiến đấu trên bầu trời Bắc bộ, Nguyễn Văn Bảy này luôn được vinh dự chào đón Bác Hồ đến thăm. Lần nào Bác cũng ân cần thăm hỏi, động viên, dặn dò...”.

***

Chúng tôi ra về khi có tốp nông dân trong xóm đi vào nhà ông. Lão Anh hùng phi công huyền thoại cười rộn lên, vồn vã bắt tay từng người và mời ngồi vào bàn thật rôm rả. Một người nói với tôi: “Tánh ông Bảy vậy đó! Tụi tui hổng tới, ổng cũng đem rượu, mồi tới kêu đến một nhà nào đó để chén tạc chén thù cho vui. Ổng ghiền bạn chớ hổng phải ghiền rượu đâu nghen!”./.

Quang Hảo

Chia sẻ bài viết