Tiếng Việt | English

02/03/2020 - 16:28

Áp dụng kỹ thuật cao phục vụ, chăm sóc sức khỏe nhân dân

Thời gian qua, nhiều trung tâm y tế (TTYT) tuyến huyện, trong đó có Bến Lức, tỉnh Long An đã mạnh dạn đầu tư, triển khai nhiều kỹ thuật mới, cao phục vụ chăm sóc sức khỏe người dân. Nhờ đó, người dân được tiếp cận, chăm sóc sức khỏe ngay tại cơ sở y tế của địa phương, không phải đi xa, tốn kém nhiều chi phí điều trị.

Ông Nguyễn Văn Chưởng được bác sĩ chăm sóc sức khỏe trong quá trình thực hiện chạy thận nhân tạo
Ông Nguyễn Văn Chưởng được bác sĩ chăm sóc sức khỏe trong quá trình thực hiện chạy thận nhân tạo

Áp dụng kỹ thuật cao

TTYT huyện Bến Lức, tỉnh Long An có quy mô 200 giường, mỗi ngày tiếp nhận hàng trăm lượt người đến khám, điều trị ngoại trú và nội trú. Nhằm tăng sự hài lòng, chất lượng điều trị, chẩn đoán hình ảnh, năm 2019, TTYT huyện được đầu tư, đưa vào sử dụng máy CT-Scanner 32 lát (máy CT). Việc tại TTYT có máy CT giúp quá trình chẩn đoán bệnh qua hình ảnh nhanh chóng, chính xác. Máy CT có thể chụp hình ảnh bệnh nhân trong các trường hợp tai nạn giao thông có chấn thương đầu hay phát hiện hiệu quả trong việc chẩn đoán các bệnh lý về tai biến mạch máu não. Ngoài ra, máy CT có thể thực hiện tầm soát bệnh giúp ngăn ngừa đột quỵ, phát hiện sớm ung thư, khối u ở não, chẩn đoán các bệnh lý về mạch máu, viêm xoang,... 

Giám đốc TTYT huyện Bến Lức - Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Hồng Thái chia sẻ, từ khi máy CT đưa vào sử dụng đã tạo điều kiện thuận lợi cho TTYT trong khám và chẩn đoán bệnh lý qua hình ảnh. Từ đó, bệnh nhân được chăm sóc sức khỏe tốt hơn hoặc chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế phù hợp để điều trị. 

Đến nay, chạy thận nhân tạo được TTYT huyện Bến Lức thực hiện gần 4 năm; đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng ở khoa hoàn toàn làm chủ kỹ thuật này, mang đến những lợi ích thiết thực cho người bệnh trong và ngoài huyện. Hiện tại, TTYT huyện có 5 máy chạy thận nhân tạo. Bác sĩ Lê Thị Hoài Ân - Khoa Thận nhân tạo, cho biết, hiện khoa có 18 bệnh nhân đăng ký thực hiện chạy thận nhân tạo. Bệnh nhân là người trong huyện Bến Lức và cả bệnh nhân ở khu vực lân cận như Cần Đước, Cần Giuộc. 

Ông Nguyễn Văn Chưởng (xã Bình Đức) - bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại TTYT huyện Bến Lức, cho biết ông bệnh suy thận 8 năm nay. Từ khi khởi bệnh, ông uống thuốc điều trị gần 4 năm nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Sau đó, ông thực hiện chạy thận nhân tạo 7 tháng tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Từ tháng 4-2016, Khoa Thận nhân tạo tại TTYT huyện Bến Lức đi vào hoạt động, ông đến đây điều trị, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí. Trước đây, khi thực hiện chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Chợ Rẫy, ông mất gần 9 giờ cho cả thời gian đi và về. Từ khi điều trị tại TTYT huyện Bến Lức, chỉ mất hơn 5 giờ. Do có bảo hiểm y tế nên ông chỉ đóng tiền thuê máy chạy thận 150.000 đồng/lần, các chi phí khác được bảo hiểm y tế chi trả.

Bác sĩ thực hiện chẩn đoán hình ảnh bệnh nhân qua kỹ thuật CT

Bác sĩ thực hiện chẩn đoán hình ảnh bệnh nhân qua kỹ thuật CT

Nâng cao tay nghề, y đức

Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Hồng Thái chia sẻ thêm, chạy thận nhân tạo là kỹ thuật không quá mới mẻ ở các bệnh viện tuyến trên, nhưng khi áp dụng tại TTYT tuyến huyện, thời gian đầu những người thực hiện không khỏi lo lắng. Thuận lợi lớn của TTYT huyện là ê kíp thực hiện chạy thận nhân tạo được sự hỗ trợ của Bệnh viện Chợ Rẫy trong hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật theo Đề án 1816 (cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh). Với quyết tâm làm chủ kỹ thuật này, mang đến những lợi ích cho người bệnh tại địa phương, TTYT huyện chuẩn bị đầy đủ cả về nhân lực, vật lực, trang thiết bị, máy móc, từ tháng 4-2016 bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân, thực hiện cho đến nay. Qua khảo sát, hầu hết bệnh nhân đều hài lòng với tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng tại đây. Đây cũng là niềm vui, sự động viên, khích lệ chúng tôi thực hiện tốt hơn thời gian tới. 

Bác sĩ Lê Thị Hoài Ân chia sẻ, tất cả bệnh nhân chạy thận nhân tạo đều như người nhà của đội ngũ y, bác sĩ tại đây. Nhiều người vẫn thường ví những bệnh nhân chạy thận như những kiếp “tầm gửi”. Vì cuộc sống của họ phụ thuộc hoàn toàn vào hóa chất, máy móc khi 1 tuần phải chạy thận, lọc máu 3 lần. Những chi phí dịch vụ, thuốc men,… đè nặng lên đôi vai họ. Trong cuộc sống, họ là những người thiếu may mắn, mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo, vì vậy, chúng tôi càng thêm thấm thía giá trị của sức khỏe và sự sẻ chia. Với nghề y mình đã học được, chúng tôi quyết trở thành người bạn đồng hành cùng người bệnh chiến đấu, chống chọi với bệnh tật. 

Bác sĩ Lê Văn Vị - Trưởng khoa Xét nghiệm và Chẩn đoán hình ảnh, là một trong những bác sĩ được nâng cao tay nghề tại Bệnh viện Chợ Rẫy theo Đề án 1816 để có thể làm chủ được máy CT tại TTYT huyện trong chẩn đoán hình ảnh phục vụ khám, chữa bệnh. Bác sĩ Vị cho rằng, từ những bỡ ngỡ ban đầu khi tiếp cận kỹ thuật cao, đến nay, việc sử dụng máy CT được khoa sử dụng thành thạo, các bệnh lý phức tạp về tim mạch, lồng ngực, sọ não, mạch máu,… của bệnh nhân được phát hiện sớm, kịp thời điều trị đúng tuyến nhằm giúp bệnh nhân mau chóng hồi phục sức khỏe.

Từ khi máy CT đưa vào sử dụng tạo điều kiện thuận lợi cho TTYT trong khám và chẩn đoán bệnh lý qua hình ảnh. Từ đó bệnh nhân được chăm sóc sức khỏe tốt hơn hoặc chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế phù hợp để điều trị”./.

Giám đốc TTYT huyện Bến Lức - Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Hồng Thái

Mai Hương

Chia sẻ bài viết