Tiếng Việt | English

30/09/2020 - 10:15

Áp lực sĩ số học sinh: 'Điệp khúc' tại các địa bàn có khu, cụm công nghiệp

Câu chuyện học sinh (HS) ngồi đông khít ở các lớp, trường học thiếu cơ sở vật chất, thiếu đội ngũ giáo viên (GV) tại địa bàn có khu, cụm công nghiệp do bị áp lực sĩ số HS vẫn chưa có hồi kết. Tại các trường, năm học này HS lại tăng so với năm học trước nhưng cơ sở vật chất vẫn chưa đáp ứng nên áp lực càng tăng thêm.

Lớp đông, bàn học sinh sát bục giảng

Lớp đông, bàn học sinh sát bục giảng

Thiếu cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên

Có lớp lên đến 50 HS là tình trạng hiện tại của Trường Tiểu học (TH) Nguyễn Văn Phú (xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa). Hiện trường có 3.760 HS với 85 lớp. Thiếu cơ sở vật chất, trường được mượn tạm trụ sở Trung tâm Giáo dục thường xuyên trước đây (giải thể) làm cơ sở 2, gánh phụ 39 lớp cho cơ sở chính, trong đó có 20 lớp 1 và 19 lớp 2. Theo đó, từ đầu năm học đến nay, HS khối 1 vẫn học 1 buổi/ngày dù áp dụng Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 với sách giáo khoa mới yêu cầu phải dạy 2 buổi/ngày.

Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Văn Phú - Nguyễn Văn Đạt cho biết: “HS quá đông mà cơ sở vật chất thì hạn chế nên trong tháng đầu tiên của năm học mới, khối 1 vẫn học 1 buổi/ngày. Đầu tháng 10/2020, trường đưa vào sử dụng 18 phòng học được xây mới cho khối 1, đáp ứng nhu cầu dạy 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, cơ sở vật chất mới bổ sung chỉ đủ đáp ứng cho khối 1 nên tình trạng áp lực sĩ số HS của trường do thiếu cơ sở vật chất vẫn tồn tại”.

Do thiếu cơ sở vật chất, HS chia nhau chỗ ngồi trong phòng học. Lớp ít nhất là 40 HS/lớp, đông nhất lên đến 50 HS/lớp nên điều kiện học tập, di chuyển trong lớp của các em cũng bị thiệt thòi hơn so với HS các trường thuận lợi khác. GV tại đây cũng phải làm việc hết công suất trong mỗi tiết học nhằm giúp HS nắm kỹ bài, đặc biệt là những HS tiếp thu chậm.

“Áp lực về sĩ số nên GV của trường cực hơn GV các trường thuận lợi khác. Do đó, Ban Giám hiệu thường xuyên chia sẻ, động viên đội ngũ GV vượt lên khó khăn để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Tôi mong trường được cấp thêm đất, đầu tư thêm phòng học để giảm áp lực về sĩ số HS hiện nay” - thầy Đạt tâm sự.

Đi đôi với thiếu cơ sở vật chất là thiếu GV. Trường THCS Mỹ Hạnh (xã Mỹ Hạnh Bắc, huyện Đức Hòa) hiện thiếu 18 GV. Theo đó, trường tăng tiết cho GV và lên kế hoạch thỉnh giảng GV ngoài nhà trường.

Phó Hiệu trưởng Trường THCS Mỹ Hạnh - Lê Trung Hiệp cho biết: “Hiện GV của trường phải choàng gánh cho nhau khắc phục tình trạng thiếu GV. Tuy nhiên, khi GV dạy đủ 200 tiết/1 năm học, trường phải hợp đồng GV ngoài nhà trường giảng dạy. Thế nhưng, việc tìm GV thỉnh giảng cũng gặp nhiều khó khăn bởi địa bàn lân cận, trường nào cũng thiếu GV, địa bàn xa thì GV ngại đi lại và thù lao cũng không xứng đáng với công sức họ bỏ ra. Do đó, ngoài bổ sung cơ sở vật chất, trường mong phân bổ thêm GV để giảm áp lực cho trường”.

Ngoài nguồn vốn của tỉnh, địa phương đầu tư cơ sở vật chất cho các trường. Năm 2019, các địa phương còn làm chủ đầu tư Dự án Giải quyết vấn đề trường, lớp học ở các khu, cụm công nghiệp cho con em công nhân với tổng kinh phí thực hiện 16.774 triệu đồng đầu tư cho 9 trường với 66 phòng học (mầm non: 18 phòng; tiểu học: 36 phòng; THCS: 12 phòng).

Chất lượng giáo dục bị ảnh hưởng

Mặc dù các trường nỗ lực hết mình nhưng thiếu cơ sở vật chất, đội ngũ GV thì chất lượng giáo dục cũng bị ảnh hưởng phần nào. Bởi lớp học đông, GV không thể theo sát từng HS, phòng học, phòng chức năng, trang thiết bị dạy hiện đại không đủ đáp ứng nhu cầu của từng lớp học.

Trường THCS Mỹ Hạnh hiện thiếu phòng bồi dưỡng HS giỏi và phụ đạo HS yếu. Theo đó, trường mượn phòng thực hành để sắp xếp bồi dưỡng cho HS. Riêng HS yếu, trường giao cho GV bộ môn có giải pháp phụ đạo các em trong giờ học, giờ ra chơi, trước và sau các buổi học nhằm giúp các em lấy lại kiến thức cơ bản. “HS được bồi dưỡng, phụ đạo trong điều kiện còn hạn chế nên chất lượng giáo dục của trường cũng không thể tăng mạnh qua từng năm” - thầy Lê Trung Hiệp nói.

Trường TH Thuận Đạo (thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức) hiện có 989 HS với 24 lớp, trung bình 41,2 HS/lớp. Trong đó, lớp đông nhất là 46 HS. GV cũng vất vả trong việc quản lý, dạy học với điều kiện HS đông như vậy. Cô Nguyễn Thị Tuấn - GV lớp 4/2, Trường TH Thuận Đạo, thổ lộ: “Dạy lớp đông HS thì GV cực hơn nhiều. Ngoài giảng bài tại bảng phải di chuyển đến từng HS, có thể nói là hoạt động hết công suất, không có thời gian ngồi nghỉ ngơi”.

Ngoài ra, do hơn 70% HS của Trường TH Thuận Đạo là dân nhập cư nên việc quản lý HS đôi lúc gặp khó khăn; một số phụ huynh
không có thời gian quan tâm đến việc học của con em mình. Hiệu trưởng Trường TH Thuận Đạo - Đinh Thị Kim Dung kể: “Tình trạng HS vắng, nghỉ kéo dài sau đợt nghỉ tết hoặc chuyển đến, chuyển đi thường xuyên xảy ra bởi đa số HS của trường là dân nhập cư. Việc nghỉ học hay chuyển đến sau khi bắt đầu năm học thì GV phải vất vả trong việc củng cố kiến thức cho các em. Tình trạng đó cũng phần nào ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục của nhà trường”.

Với điều kiện dạy và học ấy, việc xây dựng và giữ vững danh hiệu trường đạt chuẩn quốc gia là ước mơ xa vời của các trường. Và việc giải quyết vấn đề trường, lớp tại địa bàn có khu, cụm công nghiệp vẫn là “bài toán” khó mặc dù các cấp, các ngành đã và đang rất quan tâm việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế.

"Để giải quyết tình trạng thiếu cơ sở vật chất tại các trường học trên địa bàn có nhiều khu, cụm công nghiệp phát triển, tỉnh có bố trí nguồn vốn và đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa về xây dựng cơ sở vật chất trường học, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Ngành Giáo dục và Đào tạo, các ngành liên quan, địa phương đã và đang cố gắng tháo gỡ khó khăn trước mắt; thời gian tới sẽ có những giải pháp cụ thể hơn theo hướng tăng cường xã hội hóa”./.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo - Nguyễn Thanh Tiệp

Ngọc Thạch

Chia sẻ bài viết