Tiếng Việt | English

17/04/2020 - 16:43

Asia Times: “Việt Nam sẽ trở thành nước thắng lớn hậu đại dịch Covid-19”

Thông qua kiểm soát biên giới sớm và hiệu quả, minh bạch thông tin và ngoại giao chiến lược trong giai đoạn Covid-19, Việt Nam nổi lên như một quốc gia chiến thắng sau đại dịch, Asia Times nhận định.

Người dân đeo khẩu trang tại một cửa hàng đồ lưu niệm ở Hà Nội ngày 26/2. (Ảnh: AFP/Nhac Nguyen)

Trang tin Asia Times ngày 16/4 đã đăng tải bài viết của tác giả David Hutt với tiêu đề “Việt Nam sẽ trở thành nước thắng lớn sau đại dịch”.

Theo Asia Times, đối với một đất nước từ lâu vẫn luôn nỗ lực giữ vững vị thế như một nhân tố toàn cầu đáng tin cậy và có trách nhiệm, Covid-19 cũng như tác động tối thiểu của đại dịch này đối với Việt Nam đã mang đến cho Việt Nam một cơ hội mà các nhà phân tích cho rằng quốc gia Đông Nam Á đang nắm chắc trong tay.

Hỗ trợ các nước

Bài viết dẫn lời ông Carl Thayer, giáo sư tại Đại học New South Wales (Australia) và là chuyên gia hàng đầu về Việt Nam, nhận định Việt Nam đã nhanh chóng ghi dấu ấn của mình trong phiên bản “ngoại giao thời Covid-19”, một bước đi mà nhiều nước khác cũng đang triển khai để đạt được hiệu quả chiến lược.

Việt Nam gần đây đã tăng cường sản xuất thiết bị y tế và quyên tặng cho các quốc gia đang có nhu cầu cao, gồm Mỹ, Nga, Tây Ban Nha, Italia, Pháp, Đức và Anh.

Theo Giáo sư Thayer, 5 quốc gia châu Âu trên đều đang vật lộn để đối phó với đại dịch Covid-19 và đều là những nước đã đàm phán các thỏa thuận đối tác chiến lược với Việt Nam trong những năm gần đây.

Bài viết trên Asia Times cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi đầu tháng đã gửi lời cảm ơn tới “các bạn bè của chúng tôi tại Việt Nam” trong một bài viết đăng trên Twitter, sau khi Mỹ nhận 450.000 bộ đồ bảo hộ được sản xuất tại các nhà máy ở Việt Nam do công ty DuPont của Mỹ sở hữu và vận hành.

Việt Nam cũng quyên tặng khẩu trang, dung dịch rửa tay và các vật tư chống Covid-19 cho các cơ quan y tế của các nước láng giềng Campuchia và Lào - những nước có mối quan hệ đặc biệt với Việt Nam.

“Đại dịch Covid-19 là cơ hội tuyệt vời cho Việt Nam để tăng cường sức mạnh mềm, vì giúp quảng bá sự hào phóng của Việt Nam với cộng đồng quốc tế”, Giáo sư Alexander Vuving tại Trung tâm Nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương ở Honolulu, Hawaii nhận định.

Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại viện nghiên cứu RAND Corporation có trụ sở tại Washington, cho rằng cách Việt Nam ứng phó với Covid-19 cũng như chính sách ngoại giao của Việt Nam trong cuộc khủng hoảng dịch bệnh sẽ “giúp Việt Nam chứng minh giá trị của mình với thế giới”.

Chuỗi cung ứng thay đổi

Người dân nhận gạo miễn phí tại máy phát gạo tự động ở Hà Nội ngày 11/4. (Ảnh: AFP/Manan Vatsyayana)

Ngân hàng đầu tư Nhật Bản Nomura ước tính, nền kinh tế Việt Nam được hưởng mức tăng trưởng 8% trong năm 2019 nhờ có được lợi thế từ sự thay đổi trong chuỗi cung ứng.

Nhiều nhà phân tích cho rằng Việt Nam sẽ nhận được “phần lớn nhất” của “làn sóng dịch chuyển thứ 2” khi các nhà máy di dời dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc do ảnh hưởng của đại dịch.

Các chính trị gia ở Mỹ, Nhật Bản và một số nước châu Âu hiện đã lên tiếng công khai và mạnh mẽ về sự cần thiết của việc “tách rời” khỏi một nền kinh tế duy nhất, bao gồm phá vỡ sự phụ thuộc vào một nguồn cung duy nhất từ nước ngoài đối với các mặt hàng nhập khẩu thiết yếu như vật tư y tế.

Asia Times cho rằng sự chuyển đổi này là cơ hội tốt cho Việt Nam. Ngân hàng Thế giới dự báo, trong trường hợp xảy ra kịch bản xấu nhất của đại dịch Covid-19, Tổng sản phẩm Quốc nội (GDP) của Việt Nam sẽ giảm 1,5% trong năm nay và đây là mức giảm đáng kể so với mức trung bình 7% trong những năm gần đây.

Mặc dù điều này sẽ đánh dấu mức tăng trưởng thấp nhất của Việt Nam trong nhiều thập niên, nhưng con số này vẫn cao hơn nhiều so với hầu hết các nước láng giềng ở Đông Nam Á, bao gồm Thái Lan với dự báo tăng trưởng GDP giảm xuống âm 5,3% trong năm 2020.

Các nhà đầu tư có thể thấy rõ sự khác biệt, khi thị trường chứng khoán Việt Nam nổi lên như điểm sáng nhất trong khu vực năm 2020, trong khi các thị trường chứng khoán khác trong khu vực gặp khó khăn với những dự báo về thiệt hại kinh tế do dịch Covid-19.

Asia Times cũng dẫn dự báo của một số chuyên gia cho rằng nền kinh tế Việt Nam có thể phục hồi nhanh hơn các nước Đông Nam Á khác trong năm 2021, đặc biệt nếu Mỹ, Nhật Bản và nhiều nước Liên minh châu Âu (EU) di dời hàng loạt chuỗi cung ứng đến Việt Nam sau thời kỳ dịch bệnh.

Ngoại giao thời Covid-19

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự cuộc họp trực tuyến cùng các nhà lãnh đạo ASEAN tại Hà Nội ngày 14/4. (Ảnh: AFP/Manan Vatsyayana)

Cuộc khủng hoảng Covid-19 diễn ra vào thời điểm ngoại giao quan trọng đối với Việt Nam. Năm 2020, Việt Nam giữ vai trò Chủ tịch ASEAN đồng thời là Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Tuần này, Việt Nam đã chủ trì hội nghị thượng đỉnh trực tuyến với các nhà lãnh đạo ASEAN để thúc đẩy kế hoạch ứng phó với dịch bệnh Covid-19 giữa các nước trong khu vực, trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 đang tăng lên tại các nước thành viên ASEAN, trong đó có  Indonesia, Singapore và Philippines.

Theo Asia Times, giới ngoại giao dự đoán rằng nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của Việt Nam có thể sẽ kéo dài đến năm 2021 do sự gián đoạn gây ra bởi cuộc khủng hoảng Covid-19. Nếu kịch bản này xảy ra, Việt Nam sẽ có thêm thời gian để xây dựng sự đồng thuận trong khu vực đối với hai vấn đề lớn là bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông và quản lý tài nguyên nước trên sông Mekong./.

Theo Dân Trí

Chia sẻ bài viết