Tiếng Việt | English

23/11/2016 - 17:09

Bà "Hoàng hậu đỏ" - Nữ anh hùng tiêu biểu trong khởi nghĩa Nam kỳ

“Hãy tiếp tục đấu tranh, đánh đuổi được đế quốc Pháp thì dân cày mới có ruộng. Khởi nghĩa lần này thất bại, lần sau sẽ thành công” - đó là câu nói bất khuất, kiên trung, hiên ngang trước lúc hy sinh của người nữ anh hùng Nguyễn Thị Bảy - người cả cuộc đời phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Bà "Hoàng hậu đỏ" - Nguyễn Thị Bảy. Ảnh tư liệu

Người nữ anh hùng của lòng dân

Trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940 ở 2 tỉnh Tân An - Chợ Lớn, thực dân Pháp tăng cường đàn áp các chiến sĩ cách mạng. Có biết bao người con ưu tú của Long An hy sinh, biết bao đảng viên rơi vào tay quân thù. Nhiều cơ sở cách mạng, nhiều gia đình phải hứng chịu tổn thất, đau thương và mất mát không gì bù đắp nổi. Trong đó có Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND), liệt sĩ Nguyễn Thị Bảy (SN 1909), tại làng Vĩnh Hựu, tổng Hòa Đồng Trung, quận Gò Công, nay là xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang.


Công viên Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Bảy

Sớm giác ngộ cách mạng năm 1932, bà Nguyễn Thị Bảy trở thành nữ đảng viên cộng sản đầu tiên được kết nạp Đảng tại Chi bộ làng Phước Lại, quận Cần Giuộc. Sau đó, bà được các đồng chí lãnh đạo chi bộ và Quận ủy Cần Giuộc như: Trương Văn Nhâm, Trương Văn Bang, Trương Văn Khải tiếp tục bồi dưỡng và phân công tập sự công tác Đảng. Bà tích cực tuyên truyền, vận động anh chị em nông dân vào “Nông hội đỏ”, “Tổ phụ nữ giải phóng”. Nhờ vậy, cơ sở Đảng được gầy dựng nhanh chóng, không chỉ ở làng Phước Lại mà còn phát triển sang các làng lân cận như: Long Đước Đông, Long Hậu Tây làm thành một “khu vực đỏ” của phong trào cách mạng. Năm 1936, đồng chí Nguyễn Thị Bảy là Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Chợ Lớn và là Bí thư Quận ủy Cần Giuộc, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Phụ nữ Dân chủ tỉnh Chợ Lớn.

Trong khởi nghĩa Nam kỳ tháng 11/1940, bà là người chỉ huy chủ yếu cuộc nổi dậy ở quận Cần Giuộc, được đồng bào rất tín nhiệm. Trên địa bàn Cần Giuộc, thực dân Pháp bắt đầu ra tay khủng bố trắng. Ở các làng có “cộng sản dậy”, hầu như nơi nào, ngày nào cũng diễn ra các cuộc tàn sát, bắn giết. Ngày 14/12/1940, trên đường sang kinh Hàn định tước khẩu súng hơi của tên Hương chánh Gần, qua bến đò Long Đước Đông cách quận lỵ Cần Giuộc chừng một cây số thì bà Nguyễn Thị Bảy bị địch bắt trong cuộc càn quét khi trên đường cùng đồng chí Trần Chí Nam rút về Rừng Sác. Địch cho lính bủa vây, bắt, đưa bà về nhà tù Phú Mỹ giam giữ. Trong tù, dù bị đánh đập, tra tấn dã man nhưng bà luôn giữ vững khí tiết người cộng sản, khiến bọn giặc Pháp phải e sợ và tôn bà là “Hoàng hậu đỏ”. Còn anh chị em trong tù thì kính trọng gọi bà là “Bà Cố Hỷ”. Ngày 26/5/1941, bà bị xử bắn tại sân banh Cần Giuộc. Trước họng súng của kẻ thù, đồng chí Nguyễn Thị Bảy cùng các chiến sĩ hô to khẩu hiệu:

“Đả đảo đế quốc Pháp!

Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!

Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!”.

Giáo dục thế hệ mai sau

Ngày nay, trở lại xã Vĩnh Hựu, địa phương giàu truyền thống yêu nước và cách mạng thuộc huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang, đến thăm ngôi nhà thờ vị AHLLVTND, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) Nguyễn Thị Bảy. Trong niềm xúc động khi ôn lại về tinh thần chiến đấu dũng cảm, sự hy sinh oanh liệt, bất khuất của bà ngoại Bảy (tên gọi thân mật), anh Võ Hồng Hoa, người cháu hiện đang ở ngôi nhà thờ cúng bà chia sẻ: “Thật tự hào khi tôi là thành viên trong gia đình có truyền thống yêu nước, tham gia cách mạng. Bà ngoại Bảy là tấm gương sáng cho thế hệ con cháu chúng tôi noi theo. Sự nghiệp cách mạng cao quý của bà được con cháu muôn đời sau khắc ghi với những tên đường, trường học, công viên mang tên Nguyễn Thị Bảy. Tên tuổi của bà sẽ sống mãi cùng dân tộc Việt Nam”.


Thế hệ cháu của bà Nguyễn Thị Bảy

Vừa qua, nhân kỷ niệm 75 năm ngày hy sinh của AHLLVTND, Bà mẹ VNAH Nguyễn Thị Bảy (26/5/1941 - 26/5/2016), Huyện ủy, UBND huyện Cần Giuộc khánh thành công trình trùng tu, tôn tạo công viên mang tên bà, là dịp để thế hệ ngày nay ôn lại và tự hào với những giá trị di sản văn hóa lịch sử lớn lao mà các thế hệ cha anh để lại. Đây là công trình văn hóa lịch sử có ý nghĩa đặc biệt, là biểu tượng cho hào khí quật cường và tinh thần bất khuất của đất và người Cần Giuộc trong sự nghiệp đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành độc lập cho Tổ quốc. Ngày nay, nơi đây trở thành địa điểm hội tụ truyền thống văn hóa, cách mạng của địa phương, là địa chỉ đỏ để cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thế hệ trẻ và các tầng lớp nhân dân đến sinh hoạt, học tập và vui chơi, giải trí.

Bí thư Huyện đoàn Cần Giuộc - Phạm Minh Hiếu cho biết: “Chúng tôi, thế hệ trẻ đoàn viên, thanh niên càng ý thức sâu sắc rằng, nền độc lập, hòa bình, tự do mà hôm nay chúng tôi có được phải đổi bằng xương máu, tuổi xuân, cuộc đời, hạnh phúc của biết bao thế hệ cha ông đi trước. Tưởng nhớ đến sự hy sinh oanh liệt, tinh thần chiến đấu dũng cảm, bất khuất của AHLLVTND, Bà mẹ VNAH Nguyễn Thị Bảy và các chiến sĩ khởi nghĩa Nam kỳ với niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, tạo nên hào khí bất diệt, mãi mãi là tấm gương sáng, bài học quý giá cho thế hệ đoàn viên, thanh niên hôm nay và mai sau. Trách nhiệm của thế hệ trẻ chúng tôi hôm nay là phải ra sức gìn giữ những thành quả cách mạng vĩ đại, mỗi thanh niên phải sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh cao cả của thế hệ cha anh, xứng đáng với sự tin yêu và kỳ vọng của Đảng, Bác Hồ và của cả dân tộc Việt Nam”./.

Hùng Anh

Chia sẻ bài viết