Tiếng Việt | English

08/06/2016 - 10:52

Bà mẹ chặn xe tăng địch

Chị Tư Cào tên thật là Võ Thị Cào, sinh năm 1922 trong một gia đình nông dân, có chồng là chiến sĩ của Chi đội 15 trong kháng chiến chống Pháp. Đây là một người phụ nữ rất kiên cường, dũng cảm và mưu trí.


Mẹ Cào trong bức tranh "Dừng lại" của họa sỹ Lê Lam.  Ảnh: Văn Ngọc Bích (Theo tư liệu Bảo tàng Long An)

Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, với những thành tích và đóng góp to lớn cho công cuộc giải phóng đất nước, quân và dân Long An được Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam tuyên dương danh hiệu “Trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc” (tháng 9-1967). Đây không chỉ là danh hiệu mà trở thành truyền thống của vùng đất anh hùng. Và ở nơi mà mỗi người dân là một chiến sĩ này thì những người mẹ lại càng có vai trò đặc biệt. Chị Tư Cào, người dân thường gọi là bà mụ Cào ở ấp An Hiệp, xã An Ninh (nay là xã An Ninh Tây), huyện Đức Hòa là một người như thế.

Chị có tên khai sinh là Võ Thị Cào, sinh năm 1922 trong một gia đình nông dân, có chồng là chiến sĩ của Chi đội 15 trong kháng chiến chống Pháp. Đây là một người phụ nữ rất kiên cường, dũng cảm và mưu trí trong việc đấu tranh với kẻ thù.

Long An vào cuối năm 1965, phong trào phá ấp chiến lược, đập tan đồn bót địch, giải phóng được 47 xã (huyện Đức Huệ được giải phóng hoàn toàn), đánh quỵ sư đoàn 25, giải phóng cơ bản tỉnh Long An. Như vậy chiến lược Chiến tranh đặc biệt dùng người Việt đánh người Việt hoàn toàn thất bại, Mỹ Diệm chuyển sang chiến lược mới là Chiến tranh cục bộ. Năm 1966, quân Mỹ trực tiếp tham chiến trên chiến trường Long An, chúng tăng cường khủng bố, đàn áp và càn quét vào các khu dân cư… Ngay lập tức, Tỉnh ủy phát động phong trào toàn dân đánh Mỹ bằng vũ khí thô sơ, phong trào thi đua chiến đấu để giành danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ.

Ở xã An Ninh, huyện Đức Hòa - quê hương của chị Tư Cào, trong những đợt càn quét, bọn Mỹ, Ngụy cho xe tăng, xe bọc thép dàn hàng ngang càn nát đồng lúa, ruộng đậu. Căm thù trước những hành động tàn ác của giặc Mỹ, chị xông ra cản đầu xe tăng địch. Bằng những động tác linh hoạt, lý lẽ xác đáng, chị đã buộc đoàn xe tăng của địch phải dừng lại và đi theo hướng khác không có hoa màu. Lần khác, chị vận động nhiều chị em phụ nữ cùng xông ra cản đầu xe tăng địch và chỉ hướng cho chúng đi theo lối ta đã gài mìn sẵn. Kết quả là đoàn xe đã sa vào bãi mìn của ta. Sau lần chặn xe tăng địch, chị Tư Cào được cách mạng tổ chức một buổi lễ trao tăng bằng khen, trong bài phát biểu tuyên dương thành tích của chị có câu:

“Bà Cào lại có trí cao
Đuổi xe Mỹ lại đằng sau ăn mìn”

Cảm kích trước tinh thần dũng cảm, khí phách kiên cường của người phụ nữ này, năm 1966 họa sĩ Lê Lam đã vẽ nên hình tượng người phụ nữ cản đầu xe tăng địch rất sống động. Bức tranh có tên “Dừng lại” miêu tả một người phụ nữ trong trang phục áo bà ba, tóc búi cao, đứng giữa đồng ruộng với khí phách hiên ngang, dang 2 tay ngăn cản đoàn xe tăng địch. Trên bầu trời, những chiếc máy bay địch đang quần thảo. Quả là một người phụ nữ kiên cường, dũng cảm, sẵn sàng hy sinh thân mình để bảo vệ quê hương, đất nước. Bức tranh ký họa trên đã được in ra hàng ngàn bản để phục vụ công tác tuyên truyền tại chiến trường Long An trong 2 năm 1967-1968. Năm 1969, bức tranh được gởi ra miền Bắc, gây được sự xúc động lớn vì đã khái quát điển hình khí phách anh hùng của dân tộc Viêt Nam. Bức tranh đã được in màu hàng triệu bản với nhiều kích thước khác nhau, được gởi đi khắp nơi trong nước và trên thế giới.

Sau năm 1975, bà mẹ chặn đầu xe tăng địch năm xưa công tác trong Ban chấp hành phụ nữ xã An Ninh, vài năm sau thì bệnh và nghỉ hưu. Bà mất năm 1998, thọ 76 tuổi.

Bà mụ Cào - mẹ Cào là một trong hàng triệu người phụ nữ Việt Nam sẵn sàng hy sinh thân mình vì quê hương, đất nước, là hình mẫu của người phụ nữ “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Bà là một người chị, người mẹ bình dị nhưng cũng là một tấm gương sáng ngời, xứng đáng cho hậu thế tôn vinh./.

Hồ Phan Mộng Tuyền

Chia sẻ bài viết