Tiếng Việt | English

23/06/2016 - 09:20

Bác sĩ trẻ học theo lời Bác

“Với bệnh nhân nghèo, những người có điều kiện thì có thể giúp họ bằng tiền bạc, vật chất. Bản thân mình là thầy thuốc thì có thể giúp bằng khả năng, bằng những lời động viên, tư vấn để họ vượt qua bệnh tật” - Đây là những tâm tình chân thành của Bác sĩ trẻ Nguyễn Hoàng Duy (sinh năm 1982), hiện đang công tác tại Khoa Mắt - Bệnh viện Đa khoa Long An.


Bác sĩ Nguyễn Hoàng Duy (áo trắng) thường xuyên tham gia công tác xã hội, chia sẻ, giúp đỡ bệnh nhân nghèo

Sớm ý thức được sự vất vả của ba mẹ, khi còn nhỏ, từng có lúc phải nghỉ học 1 năm vì mẹ bị bệnh, Hoàng Duy ấp ủ ước mơ trở thành bác sĩ để có thể giúp cho bản thân, gia đình và mọi người. Không có điều kiện như mọi người, nhưng với quyết tâm tự học, tự phấn đấu, năm 2002, Hoàng Duy đậu Đại học Y Dược Cần Thơ, ngành Bác sĩ Đa khoa. Đến năm 2008, sau khi tốt nghiệp, anh về nhận nhiệm vụ tại Khoa Mắt - Bệnh viện Đa khoa Long An cho đến nay. Sau đó, Duy tiếp tục học Cao học tại Đại học Y Dược TP.HCM và đến năm 2013 thì nhận bằng thạc sĩ.

Ngay từ khi còn là sinh viên, bác sĩ Hoàng Duy luôn tích cực tham gia các phong trào Đoàn, Hội, các hoạt động vì cộng đồng như: Hướng nghiệp cho học sinh, tham gia chiến dịch Mùa hè xanh,... Hiện tại, ngoài công tác chuyên môn, anh còn là Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bệnh viện Đa khoa Long An, đồng thời là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thầy thuốc trẻ của tỉnh.

Với anh, được tổ chức hay trực tiếp tham gia những đợt mổ mắt từ thiện, được chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng sâu, vùng xa,... là những cơ hội, những chuyến đi đầy ý nghĩa. Và, mỗi chuyến đi là một kỷ niệm, một ấn tượng mà anh cùng các đồng nghiệp luôn trân quý vì được chung tay giúp đỡ cộng đồng.

“Có những chuyến đi tận vùng biên, vùng sâu, vùng xa, đường lầy lội, phải đẩy xe, đi xuồng,... chúng tôi lại càng thấm thía và thấy được ý nghĩa của công việc mình đang làm. Bà con ở những nơi này không có nhiều điều kiện chăm sóc sức khỏe như người dân thành thị. Có khi, chỉ bị một bệnh nhẹ nhưng vì lơ là, không đủ kiến thức và không chữa trị đến nơi, đến chốn khiến bệnh tình nặng hơn. Hoặc, có những cô bác tranh thủ đi làm đồng về, tay chân còn lấm lem bùn đất, vội đến nơi khám bệnh - vì mấy khi có đoàn bác sĩ về quê khám bệnh, cấp thuốc. Những hình ảnh ấy luôn khiến tôi xúc động, cảm thấy mình cần phải cố gắng nhiều hơn nữa, tổ chức thật nhiều chương trình tình nguyện để người dân ở vùng quê xa xôi có cơ hội được chăm sóc sức khỏe như mọi người, vì với thầy thuốc, mọi bệnh nhân đều bình đẳng!”.


Bác sĩ Nguyễn Hoàng Duy (bìa trái, áo trắng) trong Ngày hội Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng

Nghe theo lời Bác, việc học là nhiệm vụ suốt đời. Bác sĩ trẻ Hoàng Duy học từ thầy cô, đồng nghiệp đi trước và học từ chính những bệnh nhân của mình. Anh thường xuyên trau dồi kiến thức qua các buổi hội nghị, nói chuyện chuyên đề, học qua sách báo, tạp chí y khoa, đồng thời kết hợp trong quá trình điều trị bệnh nhân, tham khảo và đối chiếu để rút kinh nghiệm điều trị hiệu quả hơn. Dù công việc vất vả nhưng anh luôn ân cần, chu đáo với bệnh nhân như chính người thân của mình. Anh tâm niệm, mỗi một lời nói, hành động của người thầy thuốc có tác động rất lớn đến tâm lý của người bệnh, phải làm sao để họ an tâm, có tinh thần, nghị lực vượt qua bệnh tật chứ không phải chỉ giỏi chuyên môn là đủ.

Với những nỗ lực ấy, anh nhiều lần được nhận giấy khen của Sở Y tế vì hoàn thành nhiệm vụ nhiều năm liền, đạt Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở năm 2014, bằng khen của Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ và giấy khen của Đoàn khối Các cơ quan tỉnh vì hoàn thành tốt công tác Đoàn và phong trào thanh niên. Với anh, những thành tích ấy là động lực để anh phấn đấu nhiều hơn nữa, thường xuyên trau dồi kiến thức, nghiệp vụ và rèn luyện y đức trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, xứng đáng với câu nói của Bác Hồ: “Lương y như từ mẫu”./.

Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết