Tiếng Việt | English

25/07/2017 - 15:41

Trăn trở trên cụm, tuyến dân cư “vượt lũ”

Bài 1: Hạ tầng còn dang dở

Bên cạnh nhiều cụm, tuyến dân cư vượt lũ (CTDCVL) trên địa bàn tỉnh Long An được đầu tư bài bản, trở thành điểm mẫu thì vẫn còn những nơi hạ tầng thiết yếu còn dang dở, chắp vá,...

Nhiều nơi trở thành thị tứ

Như nhiều tỉnh, thành phố ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, năm 2002, Chương trình xây dựng CTDCVL chính thức được triển khai thực hiện tại Long An.

Nhiều cụm, tuyến, hạ tầng thiết yếu cơ bản bảo đảm

Theo thống kê, toàn tỉnh có 165 CTDCVL (104 cụm, 61 tuyến) ở 10 huyện, thị xã: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Đức Huệ, Đức Hòa, Thủ Thừa, Bến Lức và thị xã Kiến Tường. Theo quy hoạch, có 33.738 lô nền (trong đó, hơn 19.300 nền thuộc đối tượng và hơn 14.400 nền sinh lợi).

Đến nay, các địa phương có quyết định giao cho người dân hơn 27.000 nền (gần 17.200 nền thuộc đối tượng và hơn 9.800 nền sinh lợi). Ngoài ra, có hơn 900 nền giao cho dân nhưng chưa có quyết định.

Theo số liệu thống kê, có hơn 17.000 hộ dân lên xây dựng nhà ở (đạt 50% theo quy hoạch lô nền); trong đó, hơn 13.200 hộ thuộc đối tượng, 3.800 hộ thuộc nền sinh lợi. Như vậy, hiện còn hơn 10.500 nền, người dân đã nhận nền nhưng chưa xây nhà; trong đó, nhiều nhất là huyện Tân Thạnh với khoảng 2.800 hộ.

Theo ghi nhận, đến nay, có nhiều CTDCVL được đầu tư hoàn thành đầy đủ 4 hạ tầng kỹ thuật thiết yếu: Giao thông, điện, cấp nước, thoát nước. Điển hình là TDC trung tâm ở các xã: Thạnh Hưng, Hưng Điền, Hưng Điền B (giai đoạn 1) - huyện Tân Hưng; CDC xã Vĩnh Trị, CDC Gò Tà Nu, xã Hưng Điền A - huyện Vĩnh Hưng;... 

Ngoài ra, nhiều cụm, tuyến cũng trở thành trung tâm dân cư mua bán nhộn nhịp của vùng. Ở đó, còn được xây dựng các hạ tầng xã hội khác: Chợ, trường học, bưu điện, trạm y tế, trụ sở UBND,...

Đầu tư còn chắp vá

Bên cạnh những nơi hạ tầng được đầu tư đồng bộ thì vẫn còn những cụm, tuyến có hạ tầng thiết yếu chưa bảo đảm, đầu tư chắp vá, tỷ lệ hộ dân lên cất nhà ở rất ít.

Như TDC 2.000 Nam ở xã Nhơn Hòa, huyện Tân Thạnh hình thành từ năm 2005, quy mô gần 200 nền. Hầu hết nền nhà ở đây có chủ từ lâu nhưng đến nay vẫn rất vắng vẻ, đìu hiu khi chỉ có khoảng 20 hộ xây dựng nhà ở; các nền đất còn lại, cỏ hoang mọc um tùm.

Nhiều nền cụm, tuyến còn bỏ trống

Chủ tịch UBND xã Nhơn Hòa - Nguyễn Văn Phương cho biết: “Ngoài việc san nền thì nhiều năm liền, TDC này không được đầu tư hạ tầng gì khác. Người dân ở đây, vào mùa mưa, đường sá đi lại khó khăn vì lầy lội, nước phải lấy từ kênh lên lắng phèn xài, không có điện sử dụng”.

Cuối năm 2016, TDC mới được đầu tư trải đá đường giao thông và trạm cấp nước sinh hoạt nhưng hệ thống điện vẫn chưa có. Mấy hộ dân lên ở phải tự dựng cọc cây, kéo dây điện về để sử dụng tạm.

“Năm ngoái, gia đình tôi được một người bạn cho cái tivi cũ. Sau những hôm đi làm thuê về, cả nhà bật tivi xem tin tức, văn nghệ hàng ngày. Thế nhưng, nhiều lần đang xem tivi lại bị ngắt giữa chừng vì đường điện bị hư hỏng. Đường điện tạm bợ, đấu nối “từa lưa”, tiềm ẩn nguy hiểm, nhất là vào mùa mưa. Chúng tôi mong muốn, TDC sớm được đầu tư đường điện để người dân được sử dụng ổn định, an toàn” - anh Nguyễn Văn Chương, nhà trên TDC cho biết.

Cùng chung cảnh ngộ hạ tầng yếu, thiếu, ít người lên cất nhà ở, còn một số cụm, tuyến ở các địa phương khác. Trong đó, phải kể đến CDC Láng Đao, xã Thái Bình Trung (huyện Vĩnh Hưng) có 105 nền nhưng mới có khoảng 20 hộ lên dựng nhà ở; TDC cặp kênh 61 thuộc xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa có khoảng 215 nền nhưng mới có khoảng 10 hộ cất nhà ở; TDC cặp kênh Cả Dứa (Bình Hòa Đông - Bình Thành, huyện Mộc Hóa) cũng chỉ có trên 20 nhà lên ở, trong khi có khoảng 130 nền,...

Ngoài ra, cũng phải kể đến hàng loạt cụm, tuyến ở huyện Đức Huệ còn rất yếu kém về hạ tầng thiết yếu, thậm chí chưa có người lên ở hoặc có cũng rất thưa thớt như CDC xã Mỹ Thạnh Tây, CDC Mỹ Quý Đông, CDC Bình Hòa Hưng,...

Đường điện tạm mà người dân tự câu nối ở tuyến dân cư 2000 Nam ở xã Nhơn Hòa, huyện Tân Thạnh

Theo thống kê của Sở Xây dựng, đến nay, tất cả 165 CTDCVL hoàn thành công tác tôn nền. Thế nhưng, đối với 4 hạ tầng thiết yếu giao thông nội bộ (thoát nước, cấp nước, cấp điện) vẫn còn nhiều cụm, tuyến chưa được đầu tư đầy đủ.

Theo Giám đốc Sở Xây dựng - Nguyễn Văn Hùng: “Hiện còn 16 cụm, tuyến chưa hoàn thành hạ tầng giao thông; 50 cụm, tuyến chưa hoàn thành hệ thống thoát nước; 19 cụm, tuyến chưa hoàn thành cấp nước và 10 cụm, tuyến chưa hoàn thành hạ tầng cấp điện. Tình trạng dở dang này ảnh hưởng đến việc đưa dân vào ở. Tâm lý này là dễ hiểu vì không ai muốn vào sinh sống ở nơi hạ tầng chưa tốt”.

Theo ông Hùng, lý do hạ tầng thiết yếu chưa được thực hiện đầy đủ, đầu tư chắp vá là do thiếu kinh phí. Về phía Trung ương hỗ trợ kinh phí tôn nền, trong khi đó, các địa phương thực hiện đầu tư hạ tầng.

Hiện, huyện Tân Hưng chiếm số lượng dân vào ở cao nhất với 4.628 hộ (huyện có hơn 6.400 lô quy hoạch), thấp nhất là huyện Đức Huệ chỉ 196 hộ (hơn 2.000 lô nền quy hoạch). Trong khi đó, Vĩnh Hưng có hơn 2.600 hộ vào ở (4.120 lô quy hoạch), thị xã Kiến Tường gần 900 hộ vào ở (hơn 1.800 lô quy hoạch), Mộc Hóa hơn 700 hộ vào ở (hơn 2.500 lô quy hoạch), Tân Thạnh gần 3.100 hộ vào ở (gần 6.100 lô quy hoạch), Thạnh Hóa gần 2.000 hộ vào ở (hơn 4.300 lô quy hoạch), Đức Hòa 927 hộ vào ở (gần 1.300 lô quy hoạch), Thủ Thừa gần 1.500 hộ vào ở (3.600 lô quy hoạch), Bến Lức 517 hộ vào ở (hơn 1.500 lô quy hoạch)./.

Lê Đức
(còn tiếp)

Bài 2: Nhiều nhà "vượt lũ" bỏ hoang

Chia sẻ bài viết