Tiếng Việt | English

17/03/2020 - 12:00

Hạn, mặn gây xáo trộn cuộc sống người dân

Bài 1: Hàng ngàn hécta lúa bị thiệt hại

Theo nhận định của Tổng cục Khí tượng - Thủy văn và Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, tình hình xâm nhập mặn mùa khô 2019-2020 ở mức sớm và nặng hơn so với trung bình nhiều năm. Tại Long An, hạn, mặn gây ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân: Hơn 8.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, hàng ngàn hécta cây trồng thiếu nước tưới, hàng trăm hécta lúa mất trắng. Bên cạnh đó, nắng hạn gây sạt lở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh.Trước tình hình trên, chính quyền và ngành chức năng tỉnh triển khai nhiều giải pháp ứng phó.

Ngay từ trước và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, trên địa bàn tỉnh, nắng nóng kéo dài, mực nước trên các trục kênh nội đồng ở các vùng sản xuất lúa xuống rất thấp, dẫn đến nguy cơ hàng ngàn hécta lúa Đông Xuân (ĐX) thiếu nước ảnh hưởng đến năng suất, thậm chí là mất trắng.

Theo thống kê sơ bộ, tính đến thời điểm hiện tại, ước tính diện tích lúa có khả năng bị ảnh hưởng hạn, mặn trong mùa khô năm 2019-2020 khoảng 5.630ha (TP.Tân An 268ha, huyện Thủ Thừa 1.802ha, huyện Tân Trụ 3.560ha), trong đó có khoảng 2.600ha lúa ĐX 2019-2020 thiệt hại trên 70% gần như mất trắng vì hạn, mặn.

Các tuyến kênh cạn nước

Hiện tại, độ mặn 1g/l đã gần đến cầu Bến Kè, huyện Thạnh Hóa, cách cửa sông Soài Rạp khoảng 102km, sâu hơn cùng kỳ của đợt xâm nhập mặn lịch sử năm 2016 là 16km; độ mặn 4g/l đến cống Rạch Chanh, TP.Tân An, cách sông Soài Rạp khoảng 70km, sâu hơn cùng kỳ năm 2016 là 4km, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất vụ ĐX của người dân. Tại Tân Trụ, năm 2020, toàn huyện gieo sạ trên 4.500ha lúa ĐX. Theo thống kê, hiện huyện có hơn 3.550ha lúa bị ảnh hưởng do thiếu nước, trong đó có 350ha mất trắng, gần 2.000ha thiệt hại trên 70% và hơn 1.200ha thiệt hại trên 30%. Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ - Trịnh Phước Trung cho biết: “Năm nay, do xâm nhập mặn diễn ra gay gắt, hệ thống cống ven sông Vàm Cỏ đã đóng kín để ngăn mặn ngay trong tháng 12/2019 khi lúa đang trong giai đoạn làm đòng. Người dân tổ chức bơm nước để sản xuất lúa và thanh long nên nguồn dự trữ nước ngọt trong hệ thống thủy lợi Nhựt Tảo đã cạn kiệt cách đây gần 1 tháng.Những ngày tới, nếu không được tiếp thêm nước ngọt thì trên 75% diện tích lúa ĐX của huyện sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng. Sau khi khảo sát thực tế số diện tích bị thiệt hại, UBND huyện đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) hỗ trợ lúa giống cho người dân bị thiệt hại nặng nhất để khôi phục sản xuất trong vụ Hè Thu sắp tới”.

Hơn 2.600ha lúa thiệt hại trên 70%

Tại Thủ Thừa, trước tình hình nắng hạn và xâm nhập mặn diễn biến ngày càng gay gắt, nhằm chủ động ứng phó để bảo vệ sản xuất vụ lúa ĐX năm 2019-2020 và các loại cây trồng khác, UBND huyện đã ban hành các công văn chỉ đạo về việc tập trung thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn, xâm nhập mặn và khuyến cáo gieo sạ vụ ĐX năm 2019-2020. Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Thủ Thừa, vụ lúa ĐX 2019-2020, toàn huyện gieo sạ 16.985ha, đạt 96,48% kế hoạch, trong đó, khoảng 6.500ha lúa có nguy cơ bị ảnh hưởng do hạn, mặn, tập trung chủ yếu ở các xã phía Nam của huyện: Nhị Thành, Tân Thành, Bình Thạnh, thị trấn Thủ Thừa,... Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thủ Thừa - Nguyễn Hữu Lợi thông tin, để tập trung trong công tác phòng, chống hạn, mặn, ngay từ đầu năm, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành và UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch nạo vét kênh, rạch và triển khai 28 hạng mục công trình thủy lợi với tổng kinh phí 20,4 tỉ đồng. Bên cạnh đó, ngay sau khi có chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở NN&PTNT, Thường trực Huyện ủy, UBND huyện, Phòng NN&PTNT huyện tiến hành tham mưu chỉ đạo các công văn về việc tập trung thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn, xâm nhập mặn mùa khô 2019-2020.

“Tuy nhiên, do mùa mưa năm 2019 đến trễ, kết thúc sớm và triều cường ở mức cao nên tình trạng khô hạn và thiếu nước xảy ra sớm hơn hàng năm. Song song đó, nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp của huyện chủ yếu từ 2 con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây nên hạn, mặn ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Cụ thể, đến nay, tổng diện tích cây trồng bị ảnh hưởng khoảng 7.800ha” - ông Lợi thông tin thêm.

Hơn 2.600ha lúa thiệt hại trên 70%

Xã Nhị Thành có diện tích lúa bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn nghiêm trọng nhất, với 50ha, trong đó có hơn 40ha được xác định thiệt hại hoàn toàn.Được biết, vụ ĐX 2019-2020, toàn xã xuống giống 347ha, giảm 189ha so với vụ ĐX 2018-2019. Chủ tịch UBND xã Nhị Thành - Nguyễn Văn Dức cho biết: “Ngay khi có chỉ đạo của UBND huyện, xã đã nhanh chóng thông tin, tuyên truyền đến người dân; đồng thời, khuyến cáo người dân thực hiện đúng lịch thời vụ của ngành nông nghiệp, không lấy nước từ các khu vực đã bị nhiễm mặn, tranh thủ lấy nước, tích trữ nước vào ao, đồng ruộng trước khi nước mặn chưa xâm nhập vào các kênh nội đồng. Đối với những diện tích lúa Thu Đông chưa thu hoạch mà không có giải pháp trữ nước ngọt bảo đảm thì khuyến cáo người dân không tiến hành gieo sạ vụ ĐX 2019-2020. Qua đó, đã giảm bớt thiệt hại cho nông dân.Bởi, nếu cứ xuống giống trong điều kiện nguồn nước không bảo đảm, nguy cơ nông dân mất trắng là rất cao”.

Anh Nguyễn Thanh Khánh, ngụ xã Nhị Thành, bộc bạch: “Vụ lúa này coi như bỏ, khi mà 2,4ha lúa của gia đình tôi đang trong giai đoạn trổ nhưng thiếu nước, hạt không chắc được. Ước tính vụ này, gia đình tôi thiệt hại từ 10-12 triệu đồng/ha. Hy vọng, qua mùa khô năm nay, các tuyến kênh nội đồng sẽ được nạo vét, tu sửa để tăng khả năng trữ nước ngọt, giảm thiệt hại cho người dân vào mùa khô những năm tới”./.

(còn tiếp)

Bài 2: Cây ăn trái nguy cơ thiếu nước tưới nghiêm trọng

Huỳnh Phong - Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết