Tiếng Việt | English

15/08/2017 - 13:30

Hiệu quả bước đầu ở vùng sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao

Bài 1: Hiệu quả bước đầu

Dù thực hiện thí điểm trên diện tích vài hécta nhưng việc ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) vào sản xuất rau bước đầu mang lại hiệu quả. Đây là tín hiệu vui để những hộ dân trong vùng quy hoạch sản xuất rau ƯDCNC ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An tích cực tham gia và thực hiện.


Nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, cây trồng ít sâu, bệnh, năng suất tăng và chi phí đầu tư giảm

Nhận nhiều hỗ trợ

Vùng sản xuất rau ƯDCNC ở huyện Đức Hòa được xác định, quy hoạch tập trung tại 5 xã: Lộc Giang, An Ninh Tây, Tân Mỹ, Hòa Khánh Đông và Hòa Khánh Nam với tổng diện tích 285ha.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đức Hòa - Nguyễn Tấn Triều, đây là những vùng mà nông dân có kinh nghiệm trồng rau lâu năm. Hơn nữa, vùng rau được quy hoạch thuộc vùng cao, có điều kiện thoát nước. Hệ thống tưới tiêu cũng bảo đảm phục vụ tốt sản xuất, trong đó, 3 xã: Tân Mỹ, Hòa Khánh Đông, Hòa Khánh Nam sử dụng kênh thủy lợi Phước Hòa, còn xã Lộc Giang và An Ninh Tây sử dụng trạm bơm Lộc Giang. Trên cơ sở quy hoạch, huyện chia lộ trình thực hiện, trong đó, chọn mô hình điểm (mỗi điểm 1ha) và mô hình nhân rộng để thực hiện nhằm đạt diện tích 285ha sản xuất rau ƯDCNC vào năm 2020.

Năm 2017 - năm đầu tiên thực hiện ƯDCNC vào vùng rau được quy hoạch, có 4 mô hình điểm (mỗi mô hình có diện tích 1ha) ở xã Tân Mỹ, An Ninh Tây hiện đang thu hoạch. Hiện tại, có 0,5ha khổ qua được thu hoạch xong với tổng sản lượng 6.476kg. Ngoài ra, trong số 80ha quy hoạch thực hiện mô hình nhân rộng ở xã Tân Mỹ và An Ninh Tây, xuống giống được hơn 64ha khổ qua, dưa leo, bí xanh, đậu bắp, đậu côve,...; trong đó, thu hoạch 20ha.

Khi ƯDCNC vào sản xuất rau, ông Lê Trung Thu, ngụ ấp Rừng Dầu, xã Tân Mỹ được hỗ trợ 12 bao phân vi sinh (mỗi bao 15kg) và 12 gói Trichoderma để xử lý đất, trước khi gieo trồng. Ông Thu cho biết: “Tôi trồng rau màu trên 3.000m2 hơn 5 năm. Lúc trước trồng kinh nghiệm, đất không qua xử lý nên mầm bệnh còn trong đất là nguyên nhân xảy ra dịch bệnh. Năm nay, nhờ được hỗ trợ vật tư, hướng dẫn xử lý đất kết hợp bón phân vi sinh nên cây trồng phát triển tốt, dịch bệnh ít xảy ra”.

Ngoài xã Tân Mỹ, những mô hình điểm ở xã An Ninh Tây cũng được hỗ trợ khi ƯDCNC vào trồng rau. Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã An Ninh Tây - Trương Hoài Phong, xã có 60ha quy hoạch vùng rau ƯDCNC đến năm 2020 với 75 hộ. Hiện tại, có 4 hộ thực hiện mô hình điểm, được hỗ trợ 100% chi phí phân vi sinh và Trichoderma. Bên cạnh đó, hơn 30 hộ thực hiện mô hình nhân rộng trong vùng cũng được hỗ trợ 30% chi phí phân hữu cơ và phân tích mẫu đất, nước, sản phẩm đầu ra.

Ngoài hỗ trợ vật tư nông nghiệp, các hộ trồng rau ƯDCNC được hướng dẫn về kỹ thuật. Hàng tuần, cán bộ Khuyến nông huyện, xã cùng xuống tận ruộng thăm đồng, phân tích tình hình sâu bệnh, thời tiết để nông dân biết cách xử lý hiệu quả. Hoặc khi phát hiện dịch bệnh, nông dân có thể gọi điện thoại nhờ cán bộ hướng dẫn.

Nhờ được hướng dẫn nên nông dân biết cách dùng thuốc xử lý sâu, bệnh. Trước đây, cứ 2-3 ngày, nông dân phun thuốc hóa học nên tốn nhiều chi phí. Nhưng bây giờ, nông dân dùng đúng thuốc sinh học theo sự hướng dẫn của cán bộ chuyên môn nên dịch bệnh giảm nhanh mà chi phí lại ít. Hơn nữa, việc sử dụng nhiều thuốc hóa học như trước rất độc hại, còn bây giờ, dùng thuốc sinh học nên sản phẩm đầu ra an toàn và năng suất lại tăng so với những vụ mùa trước.


Năng suất tăng, chi phí giảm - việc trồng rau ứng dụng công nghệ cao bước đầu đạt hiệu quả

Năng suất tăng, chi phí giảm

Hơn 40 năm trồng rau màu, vụ Hè Thu năm nay là lần đầu tiên, vườn khổ qua và dưa leo của ông Lại Văn Hây, ngụ ấp Rừng Dầu, xã Tân Mỹ đạt năng suất cao nhất. “Đó là nhờ ƯDCNC vào sản xuất nên năng suất tăng, trong khi chi phí đầu tư giảm” - ông Hây nói.

Ông trồng 2.000m2 dưa leo, khổ qua. Cách đây 4 tháng, khi được quy hoạch vào vùng sản xuất rau ƯDCNC, ông đồng ý và áp dụng. Từ khâu làm đất đến bón phân, phun thuốc,... ông đều áp dụng theo đúng quy trình, sự hướng dẫn của cán bộ chuyên môn. Nếu những vụ trước, ông thu hoạch 1 đợt được 250kg khổ qua thì từ khi đưa công nghệ cao vào sản xuất, mỗi đợt, ông thu hoạch 350kg. Năng suất và giá bán cao nên ông có lời nhiều.

“Vụ Hè Thu vừa rồi, tôi lời hơn 50 triệu đồng. Giá bán tuy chưa ổn định nhưng nhờ sản lượng tăng nên cũng có thu nhập. Còn mấy năm trước, sản lượng không nhiều, gặp lúc giá thu mua thấp thì chỉ có lời ít hoặc huề vốn” - ông Hây chia sẻ.

Ngoài năng suất tăng, chi phí đầu tư giảm giúp nông dân có lời. Theo ông Hây, trước đây, khi trồng theo kinh nghiệm, cứ thấy thời tiết thay đổi hay cây trồng có dấu hiệu nhiễm bệnh, nông dân tự đến các đại lý kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật mua về phun. Để “chặn đứng” dịch bệnh, cứ 3-4 ngày, nông dân lại phun nên tốn nhiều chi phí. Từ khi áp dụng công nghệ cao, mỗi khi xuất hiện sâu, bệnh, cán bộ chuyên môn đến hướng dẫn phun thuốc nên dịch bệnh được ngăn chặn kịp thời. Sử dụng đúng cách cũng góp phần giảm 20% chi phí đầu tư so với trước.

Còn ông Lê Trung Thu, ngụ ấp Rừng Dầu, xã Tân Mỹ, khi biết diện tích đất sản xuất nông nghiệp nằm trong vùng quy hoạch trồng rau ƯDCNC, ông bỡ ngỡ và chưa mạnh dạn áp dụng. Nhưng hơn 2 tháng áp dụng, bây giờ, ông Thu vững tin khi thấy hiệu quả bước đầu. Ông Thu cho biết: “Tôi trồng 3.000m2 dưa leo. Lúc trước, khi chưa ƯDCNC, trung bình mỗi vụ, tôi thu hoạch được 14 đợt, mỗi đợt được 300kg. Còn bây giờ, thu hơn 20 đợt, mỗi đợt gần 500kg. Vụ này chắc chắn lời hơn vụ trước nhiều!”.

Năng suất tăng, chi phí giảm - việc trồng rau ƯDCNC bước đầu đạt hiệu quả, niềm tin của người dân được nhân lên...

Thùy Hương
(còn tiếp)

Bài 2: Còn lắm khó khăn

 

Chia sẻ bài viết