Tiếng Việt | English

29/06/2020 - 18:47

Hành trình nâng chất Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng

Bài 1: “Lực đẩy” của phong trào

Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng (VHTT&HTCĐ) là thiết chế văn hóa cần thiết tại mỗi địa phương. Với chức năng, nhiệm vụ “3 trong 1”, trung tâm được kỳ vọng là nơi tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân đến sinh hoạt văn hóa, học tập bổ sung kiến thức, tập luyện thể thao và cùng nhau lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, để trung tâm VHTT&HTCĐ phát huy hết công năng như kỳ vọng, cần cả một quá trình nỗ lực, bởi trước mắt còn lắm khó khăn.

Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, trong đó có trung tâm VHTT&HTCĐ đóng vai trò quan trọng trong tổ chức các hoạt động tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội của địa phương, đơn vị và đời sống của người dân. Chính vì thế, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh quan tâm xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở. Qua đó, từng bước hoàn thiện hệ thống thiết chế, nâng cao đời sống tinh thần của người dân.

Hoàn thiện hệ thống thiết chế

Xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở là việc làm mang ý nghĩa thiết thực, tạo điều kiện để người dân được hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao. Chính vì thế, thời gian qua, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tích cực phối hợp các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở. Giai đoạn 2016-2020, tỉnh đầu tư xây dựng mới 5/14 trung tâm VHTT&HTCĐ với kinh phí từ 3-3,5 tỉ đồng/trung tâm. Đến nay, toàn tỉnh có 137/188 trung tâm VHTT&HTCĐ được ngân sách tỉnh đầu tư xây dựng.

Nhiều thiết chế văn hóa cơ sở được xây dựng khang trang

Nhờ sự quan tâm, đầu tư xây dựng của tỉnh, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở từng bước hoàn thiện. Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, hiện toàn tỉnh có 1 Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật, 1 Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu, 1 Nhà Thiếu nhi tỉnh, 15/15 trung tâm Văn hóa - Thông tin và Truyền thanh cấp huyện.

Hầu hết các trung tâm đều bảo đảm thực hiện tốt chức năng phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao trong các tầng lớp nhân dân. Toàn tỉnh có 980/997 ấp, khu phố có nhà văn hóa (NVH), khu thể thao, đạt 98,2%.

Mặc dù đa số chưa đạt chuẩn theo quy định nhưng hệ thống NVH ấp, khu phố bảo đảm chức năng hội họp, sinh hoạt câu lạc bộ (CLB), đội, nhóm trên các lĩnh vực đời sống xã hội. Về cơ sở vật chất thể dục - thể thao, toàn tỉnh có 1.440 sân bãi, cơ sở tập luyện các môn thể thao, 13 doanh nghiệp kinh doanh hoạt động thể dục, thể thao, góp phần đáp ứng nhu cầu tập luyện trong quần chúng nhân dân.

Tạo "lực đẩy" cho phong trào quần chúng

Tại xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, việc xây dựng thiết chế và phong trào văn hóa, thể thao cơ sở được quan tâm thực hiện. Trung tâm VHTT&HTCĐ xã được xây dựng với hội trường có sức chứa 250 chỗ ngồi, đạt tiêu chuẩn của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Sau khi đưa vào sử dụng, trung tâm phát huy hiệu quả trong việc tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân.

Bên cạnh đó, 3/3 NVH ấp đều được xây dựng khang trang, bảo đảm đủ điều kiện tổ chức sinh hoạt văn hóa - văn nghệ, hội họp. Mỗi NVH - khu thể thao của xã đều có các CLB, đội, nhóm sinh hoạt thường xuyên. Ông Lê Hà - thành viên CLB Bóng bàn, cho biết: “Mười mấy năm rồi, ngày nào chúng tôi cũng sinh hoạt. Chủ nhiệm được giao 1 chìa khóa trung tâm, sáng sáng ông đến mở cửa, chúng tôi đánh bóng tới gần trưa thì nghỉ. Tham gia CLB này, tôi cảm thấy vui và khỏe hơn hẳn”.

Đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân

Ngày nào cũng vậy, cứ đi ngang Trung tâm VHTT&HTCĐ xã Bắc Hòa, huyện Tân Thạnh vào buổi sáng, mọi người sẽ thấy các thành viên CLB Bóng bàn đang say sưa tập luyện. Tiếng nói chuyện, tiếng cười, tiếng đập bóng khiến trung tâm như vui hơn hẳn. Ngày nào đông thành viên thì gần 20 người, ngày nào vắng cũng khoảng 10 người. Trung tâm VHTT&HTCĐ xã Bắc Hòa được xây dựng năm 2013 bằng nguồn kinh phí của tỉnh, sau đó được huyện và xã tiếp tục đầu tư xây dựng hàng rào, phòng chức năng và mua sắm thiết bị phục vụ thể dục - thể thao.

Trung tâm trở thành nơi sinh hoạt thường xuyên của CLB bóng bàn, văn nghệ, dưỡng sinh, võ Taekwondo của xã. Bên cạnh đó, trung tâm còn phối hợp tốt các ngành, đoàn thể thường xuyên tổ chức liên hoan, văn nghệ, thi đấu thể thao, tập huấn,… trở thành địa điểm vui chơi, sinh hoạt văn hóa, tinh thần của người dân.

Phó Chủ tịch UBND xã Bắc Hòa - Trịnh Thị Ngọc Lý cho biết: “Xã được đầu tư xây dựng Trung tâm VHTT&HTCĐ, duy trì được 13 CLB, đội, nhóm văn nghệ, thể dục - thể thao sinh hoạt tại trung tâm và NVH ấp. Hàng năm đều có các đợt giao lưu, hội thi văn nghệ, thể thao, góp phần nâng cao chất lượng đời sống tinh thần của người dân trong xã”.

Việc quan tâm đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở góp phần phát triển phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao của địa phương. Chủ tịch UBND xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Văn Chẳn cho biết: “Từ khi Trung tâm VHTT&HTCĐ được xây dựng, các cuộc liên hoan, giao lưu văn hóa - văn nghệ, hội thao được tổ chức thường xuyên. Qua đó, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, tác động tích cực đến các phong trào của địa phương, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân”.

Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở được quan tâm, nâng cấp, xây dựng mới và đưa vào hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân trong tỉnh. Việc hoàn thiện hệ thống thiết chế tạo “lực đẩy” cho phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao quần chúng phát triển./.

(còn tiếp)

Nhóm PV

Chia sẻ bài viết